Hiệu trưởng không còn là công chức thì làm không được, cho nghỉ luôn

19/02/2019 06:39
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo thầy Nguyễn Xuân Khang: “Việc hiệu trưởng không còn được xếp là công chức và được trả lương theo vị trí việc làm là điều tích cực”.

Chiếu theo quy định trong dự thảo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến thì hiệu trưởng ở các trường phổ thông công lập không còn là công chức nữa.

Quy định mới này khiến nhiều người băn khoăn cho rằng, nếu hiệu trưởng không còn là công chức nữa thì những quyền hạn của hiệu trưởng có giảm bớt so với hiện nay không?

Hay khi hiệu trưởng không là công chức nữa thì có khích lệ, động viên được hiệu trưởng làm việc tốt hơn bây giờ?

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) ảnh nguồn giaoduc.net.vn.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) ảnh nguồn giaoduc.net.vn.

Trước những ý kiến trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, thầy rất hoan nghênh nội dung của dự thảo lần này.

Theo thầy Khang: “Việc hiệu trưởng không còn được xếp là công chức và được trả lương theo quy định: “Từ năm 2020 viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm” là điều tích cực.

Các trường công lập sẽ có 3 thang bảng lương khác nhau đó là: Bảng lương viên chức quản lý; Bảng lương giáo viên đứng lớp; Bảng lương nhân viên”.

Hiệu trưởng không còn là công chức thì làm không được, cho nghỉ luôn ảnh 2Hiệu trưởng các trường phổ thông công lập sẽ không còn là công chức

Tâm sự thêm xung quanh vấn đề này, thầy Khang chia sẻ:

“Tháng 9/1996, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (phụ trách khối Văn Xã) đến thăm trường Marie Curie, trường báo cáo cách thức trả lương của nhà trường.

Theo đó, trường trả lương vào việc mà không trả lương vào người. Nghĩa là đã có ba-rem tiền của các công việc, ai làm việc gì thì cộng tất cả tiền của các công việc đó lại thành lương.

Phó Thủ tướng nói: “Tuyệt vời, trường công cũng nên trả lương theo cách này!”.

Phân tích thêm về sự thay đổi và xu thế trong việc quản lý nhà trường phổ thông công lập hiện nay thầy Khang cho biết: “Nhà nước là chủ thể trường công, tất cả các thành viên (viên chức) hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên, nhân viên... đều được nhà nước “thuê” về làm việc cho trường.

Vì thế, ai làm được việc thì giữ, không làm được việc thì nghỉ... Hợp đồng lao động xác định rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động (Nhà nước) và người lao động”.

Cũng liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Đăng Minh, chánh văn phòng Bộ Nội vụ.

Ông Minh chia sẻ rằng, tới đây quy định công chức theo hướng chỉ áp dụng với các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…còn lại các đơn vị sự nghiệp mang tính chất dịch vụ công thì sẽ là viên chức kể cả người đứng đầu.

Trường phổ thông bình thường hoàn toàn làm dịch vụ giáo dục nên hiệu trưởng không còn là công chức nữa mà là viên chức.

Hiệu trưởng không còn là công chức thì làm không được, cho nghỉ luôn ảnh 3Bổ nhiệm hiệu trưởng, tóm lại là phải qua thi tuyển

Cũng theo ông Minh:

“Mặc dù hiệu trưởng không là công chức nữa nhưng theo chức năng nhiệm vụ, tinh thần phân cấp thì hiệu trưởng vẫn nắm giữ vai trò quản lý.

Do chủ trương đẩy mạnh phân cấp, đi kèm với phân cấp là điều kiện nên tới đây còn giao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng.

Việc giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng như trao quyền cho tướng quân tại ngoại.

Tức là tăng quyền tự chủ cho hiệu trưởng vì thế việc hiệu trưởng có là công chức hay viên chức thì không làm thay đổi vai trò chức năng của hiệu trưởng”.

Căn cứ vào bản giải trình của dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập trên thực tế đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo đó viên chức được bổ nhiệm vào bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết không muốn chuyển sang giữ ngạch công chức.

Trong khi đó các trường hợp công chức được điều động sang làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thì đương nhiên vẫn giữ ngạch công chức.

Điều này dẫn đến sự không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với đối tượng này.

Đồng thời, việc quy định áp dụng Luật Cán bộ công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cũng không phù hợp với thực tiễn và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với đội ngũ này.

Ngoài ra, để bảo đảm sự liên thông, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện giữa các quy định của Đảng và pháp luật trong công tác cán bộ, việc nghiên cứu, sử dụng thống nhất khái niệm cán bộ, công chức trong các văn bản của Đảng với quy định của Luật Cán bộ, công chức là cần thiết.

Vì thế trong dự thảo luật lần này đã quy định, Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Trinh Phúc