Kết thúc năm học 2015-2016, giáo dục vẫn còn đó những bức xúc, nỗi lo

29/05/2016 07:57
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Năm vấn đề vẫn còn bức xúc, quan ngại mà thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc thấy về ngành giáo dục chưa được giải quyết dù năm học 2015-2016 sắp kết thúc.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng-Sơn Tịnh-Quảng Ngãi, trong bài viết này thầy thẳng thắn chỉ ra 5 vấn đề mà ngành giáo dục vẫn còn những bức xúc, lo lắng chưa được giải quyết dù năm học 2015-2016 sắp kết thúc. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Cử nhân thất nghiệp càng gia tăng

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, lao động trình độ đại học trở lên có 4,47 triệu người (41%), Cao đẳng 1,61 triệu (14,9%), Trung cấp 2,92 triệu (27,1%), Sơ cấp 1,77 triệu (16,3%). 

Những số liệu thống kê nêu trên cho thấy  sự bất hợp lý về cơ cấu đào tạo các ngành nghề và quy mô phát triển nền kinh tế theo chiều rộng. 

Trong hoàn cảnh cả nước đang có những mối lo lớn, tình trạng “thừa thầy”, “thiếu thợ” phổ biến, kéo dài; hiện tại có đến 225.000 sinh viên trình độ đại học và trên đại học đang thất nghiệp; công tác phân luồng học sinh học nghề, học đại học gặp rất vô vàn khó khăn…

Kết thúc năm học 2015-2016, giáo dục vẫn còn đó những bức xúc, nỗi lo…
Kết thúc năm học 2015-2016, giáo dục vẫn còn đó những bức xúc, nỗi lo…

Nhiều em học theo “quy trình ngược”, học đại học xong, không xin được việc làm, quay đầu trở lại học trung cấp, cao đẳng nghề. Nhiều em ra trường phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân…. 

Giấc mơ đổi đời của các bậc phụ huynh nghèo, ở vùng thôn, sau khi đầu tư, tốn nhiều tiền bạc cho con em học đại học giờ rất chênh vênh, mong manh. 

Đây là hệ lụy tất yếu của một nền giáo dục nước ta  quá coi trọng đào tạo, học hành, thi cử theo kiểu phải có bằng cấp, nó  đã “ăn sâu bám rễ” trong tư tưởng mọi người dân từ lâu. 

Trách người dân 1 thì trách các nhà quản lý 10. Mười mấy năm về trước, tại diễn đàn Quốc hội, có vị đại biểu từng cảnh cáo về tình trạng dư thừa cử nhân sẽ xảy ra, cần hạn chế số lượng đào tạo cử nhân và mở thêm các trường đại học. 

Nhưng các vị có chức, có quyền có nghe đâu, cứ thế “xin- cho”, phê duyệt ào ào…. nên bây giờ mới nên nỗi hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp.
 
Bạo lực học đường diễn biến phức tạp

Cuối năm 2015, một số tờ báo đã chọn bạo lực học đường là sự kiện đáng chú ý của ngành giáo dục. 

Sau gần nửa năm, sự kiện này vẫn gây bức xúc dư luận xã hội với hàng loạt vụ giáo viên bạo hành học sinh, hàng loạt vụ học sinh đánh nhau hội đồng tung lên mạng. 

Kết thúc năm học 2015-2016, giáo dục vẫn còn đó những bức xúc, nỗi lo ảnh 2

Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu?

(GDVN) - Diễn biến đạo đức, hành vi của học sinh phổ thông ngày càng phức tạp nên nếu chỉ dựa vào nhà trường thì e rằng khó quản lý các em.

Báo chí vào cuộc, nhà trường xử lý các giáo viên, học sinh có sai phạm với các mức độ khác nhau. Song câu chuyện, diễn biến về bạo lực học đường vẫn chưa có hồi kết. 

Khi một số nhà giáo ý thức kiềm chế bản thân, nóng giận cũng như năng lực, phương pháp sư phạm còn hạn chế, khi môi trường xã hội đã có nhiều thay đổi, cái “độc hại” tiêm nhiễm, lây lan nhanh vào giới trẻ, thanh thiếu niên. 

Sức “đề kháng” của đối tượng này để chống lại, ngăn chặn các “độc tố” ấy chưa tốt. Hơn nữa, nhân tố gia đình thiếu định hướng, quan tâm đúng mực, thậm chí còn a dua, cổ xúy cho hành động bạo lực của con trẻ. 

Thông tư 30 ở bậc tiểu học vẫn ì ạch khi triển khai


Trong khảo sát mới đây của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) về thực trạng thực hiện Thông tư 30/2014/BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học khiến nhiều người giật mình. 

Có gần 64% giáo viên cho biết học sinh lười học hơn sau khi áp dụng Thông tư 30 và hầu hết đều mong muốn quay lại đánh giá học sinh bằng điểm số. 

Những khó khăn được đưa ra trong khảo sát như: giáo viên mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh, khó khăn khi thực hiện xét khen thưởng cuối kỳ và cuối năm học; cha mẹ học sinh ít quan tâm đến việc học của con cái hơn vì hàng ngày không nhận được các bằng chứng điểm số về kết quả học tập; học sinh thì thiếu động lực học tập… 

Kết thúc năm học 2015-2016, giáo dục vẫn còn đó những bức xúc, nỗi lo ảnh 3

Hiệu trưởng chia sẻ 5 biện pháp chỉ đạo, tổ chức đánh giá học sinh tiểu học

(GDVN) - Thông tư 30 đã và đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cách thức đánh giá, giáo dục vốn đã đi vào lối mòn và lạc hậu của nước ta so với nền giáo dục thế giới.


Hầu hết các ý kiến của các nhà khoa học, quản lý giáo dục đều đồng tình về mặt chủ trương, cho là tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, điều kiện thực hiện trên cả nước rất khó khăn, người phản ứng nhất là giáo viên. 

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và nhận thấy sẽ phải tiếp tục sửa một số nội dung của Thông tư 30 cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. 

Hiện nay, hiểu nhầm lớn nhất trong chỉ đạo và thực hiện là quá coi trọng việc ghi chép nhận xét, trong khi đó một lời nhận xét, động viên, nhắc nhở kịp thời của giáo viên lại quan trọng hơn nhiều đến sự phát triển của học sinh. 

Do vậy, trong thời gian tới sẽ coi trọng hơn việc góp ý bằng lời cho học, chỉ ghi nhận xét những điều cần chú ý nhất.

Dạy thêm, học thêm tràn lan, hết thuốc chữa?

Câu chuyện dạy thêm, học thêm không hề mới, từng được bàn thảo, mổ xẻ, phân tích rất nhiều nhưng nó vẫn cứ nóng lên, gây khá nhiều bức xúc, nổi cộm trong ngành giáo dục và dư luận xã hội.
 
Bậc tiểu học cấm triệt để dạy học thêm xong đâu đâu cũng dạy học thêm. Nhiều giáo viên vẫn tiếp tục dùng mọi “chiêu thức” để chèn ép học sinh của mình phải đi học thêm. 

Kết thúc năm học 2015-2016, giáo dục vẫn còn đó những bức xúc, nỗi lo ảnh 4

Trưởng phòng giáo dục Tiểu học tỉnh Đồng Tháp bàn về Thông tư 30

(GDVN) - Việc áp dụng Thông tư 30 là điều khá mới mẻ nên trong quá trình thực hiện nên sẽ có nhiều vấn đề cần được thảo luận, rút kinh nghiệm.

Học sinh và phụ huynh vì “sợ” cây bút, con điểm của thầy cô giáo mà cực chẳng cùng hoặc miễn cưỡng đi học thêm. Hình ảnh nhà giáo thời nay trở nên “mất giá”, bớt “thiêng” trong tâm trí của phụ huynh, học sinh. 

Hậu quả của việc dạy, học thêm tràn lan thì vô cùng lớn. Học sinh tiếp tục bị nhồi nhét, bị áp lực kinh khủng. Thời gian nghỉ ngơi, thời gian tham gia các hoạt động xã hội, các lớp kỹ năng sống trong năm và trong hè gần như không có. 

Vì mải mê dạy thêm để kiếm tiền nên một số thầy cô giáo có biểu hiện xao lãng, đùn đẩy công việc nhà trường, ít đầu tư, quan tâm trong việc giáo dục toàn diện, đổi mới phương pháp dạy học, nhiều nội dung, hoạt động của tổ chuyên môn, nhà trường rơi vào im lặng và bế tắc. 

Các nhà giáo lấy lý do chế độ lương bổng, đãi ngộ giáo viên thấp, lương không đủ sống mới bất chấp quy định của nhà nước, địa phương về dạy-học thêm.

Chế độ lương bổng cho nhà giáo chờ đến bao giờ? 

Thực tế cho thấy áp lực công việc của người thầy cô giáo ở nhà trường ngày càng gia tăng, có quá nhiều thay đổi, xáo trộn về nội dung, chương trình, phương thức dạy học, cách thi cử, đánh giá… 

Trong khi đó mức thu nhập của họ từ đồng lương (trung bình 3 triệu đồng/ tháng/ người) còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Nhiều thầy cô giáo khi ra trường dạy học sớm mệt mỏi, ít có động lực để phấn đấu…

Kết thúc năm học 2015-2016, giáo dục vẫn còn đó những bức xúc, nỗi lo ảnh 5

Bất hợp lý trong việc tính tiền một ngày công lao động của giáo viên

(GDVN) - Hiện nay, ngành giáo dục còn một số điều bất cập trong việc tính tiền một ngày công khiến đồng lương giáo viên vốn đã eo hẹp lại càng trở nên teo tóp hơn.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận từng nêu kiến nghị với Quốc hội: 

Vị trí việc làm, thu nhập, tương lai sau khi tốt nghiệp mới mang tính quyết định sự lựa chọn của các cháu. Quốc hội cần sớm quan tâm, hỗ trợ triển khai quyết định chiến lược theo Nghị quyết 29 của Trung ương và chế độ tiền lương ưu đãi ở bậc cao nhất với cán bộ giáo viên ngành sư phạm.

Chúng tôi nghĩ rằng nếu được quan tâm như thế thì sẽ có thêm sức hút vào các trường sư phạm”. 

Do đó, lời giải căn cơ, có tính bền vững nhất cho chất lượng sinh  viên các trường sư phạm và năng lực, trình độ của đội ngũ thầy cô giáo bậc phổ thông hiện nay nằm ở chỗ vị trí việc làm, tốt nghiệp ra trường là có chỗ dạy ngay (giống như ngành công an và quân đội) và chế độ tiền lương ưu đãi thỏa đáng, đủ sống cho cán bộ, giáo viên trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay. 

Chúng ta luôn hô hào: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.”

Vậy các vị ở trung ương, vị tân bộ trưởng Bộ GD&ĐT hãy hành động đi, hãy giải quyết tình trạng dư thừa giáo viên, để phụ huynh, sinh viên sư phạm ra trường không còn cảnh luôn phập phồng, lo âu, chạy đôn, chạy đáo đủ nơi…tìm việc, hãy biết tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng để tăng lương cho công chức, viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng- giúp họ yên tâm được sống và cống hiến. 

Đỗ Tấn Ngọc