Lợi ích của việc không công bố đề thi minh họa

07/10/2017 07:06
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Chủ trương trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo tránh được việc giáo viên, học sinh chạy đua theo và luôn bị “ám ảnh” bởi các câu khó, lạ lẫm có trong đề minh họa.

LTS: Trước thông báo về việc không công bố đề thi minh họa ở kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 của Bộ Giáo dục, thầy Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết thể hiện sự đồng tình cũng như quan điểm của mình về chủ trương trên.

Theo đó, thầy Ngọc cho rằng việc không công bố đề minh họa sẽ giúp định hướng tốt cho thầy và trò không học lệch, học tủ, góp phần đảm bảo mục đích giáo dục toàn diện.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ không công bố đề thi minh họa ở kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2018, thay vào đó là hướng dẫn ôn tập và học sinh có thể tham khảo đề thi năm 2017.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc công bố đề thi minh họa là không cần thiết vì phương thức thi 2018 đã được công bố sớm và không có thay đổi gì lớn so với năm 2017.

Trước đó, ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có chủ trương “ba không”: tài liệu ôn tập, cấu trúc đề thi và đề thi minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ không công bố đề thi minh họa ở kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2018 (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ không công bố đề thi minh họa ở kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2018 (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).

Thông tin sẽ không công bố đề thi minh họa của kỳ trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến cho nhiều em học sinh và các thầy cô giáo giảng dạy lớp 12 có phần lo lắng, hoang mang.

Vì các đề thi của năm nay có thêm phần nội dung, kiến thức của lớp 11. Mà các đề thi minh họa, đề thi chính thức của năm vừa rồi chỉ đều tập trung ở chương trình của lớp 12.

Không rõ, kiến thức ở lớp 11 có tỉ lệ như thế nào, gồm bao nhiêu câu hỏi và mức độ kết nối, tích hợp giữa nội dung lớp 11 và lớp 12 sẽ ra sao. 

Hơn nữa, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nâng cao độ phân hóa của đề thi so với năm 2017 song lại không công bố đề minh họa, khiến giáo viên và các em học sinh chưa thể hình dung được đề sẽ phân hóa đến mức nào, bao nhiêu câu cơ bản, bao nhiêu câu nâng cao.

Tuy vậy, cũng có không ít thầy, cô giáo lại đồng tình với chủ trương không công bố đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bởi lẽ, sẽ có văn bản hướng dẫn ôn tập các bộ môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến hoàn tất và chuyển đến các cơ sở giáo dục trong tháng 10 và 11. 

Lợi ích của việc không công bố đề thi minh họa ảnh 2

Bộ Giáo dục nói không cần có đề thi minh họa trong kỳ thi quốc gia 2018

Mặt khác, đề thi năm nay tương tự năm 2017, do đó các học sinh lớp 12 không gặp khó khăn trong việc tìm nguồn đề và thông tin để học và ôn tập.

Năm vừa rồi, các em có 3 đề thi minh họa và ít nhất 4 đề thi chính thức của Bộ, cùng với đề thi thử của rất nhiều trường và trung tâm trong cả nước.

Hơn nữa, việc không công bố đề minh họa sẽ giúp định hướng tốt cho thầy và trò không học lệch, học tủ, không tập trung vào những phần kiến thức nào hơn, góp phần đảm bảo mục đích học toàn diện.

Vì thực ra, một số đề minh họa chẳng thể bao quát hết tất cả nội dung, các dạng đề khác nhau.

Song, nhiều giáo viên và học sinh lại áp dụng máy móc đề thi minh họa vào việc giảng dạy và ôn tập.

Họ chỉ tập trung vào các dạng đề tương tự đề thi minh họa bởi thói quen thi gì học đấy, trong khi đề thi chính thức có một khoảng cách khá lớn.

Đồng thời, chủ trương trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo tránh được việc giáo viên, học sinh chạy đua theo và luôn bị “ám ảnh” bởi những câu khó, lạ lẫm có trong đề minh họa.

Không có đề thi minh họa còn có thêm cái tốt nữa là buộc thầy cô giáo phải chủ động tìm tòi, sáng tạo hơn để tự ra những câu hỏi, đề thi minh họa phù hợp, sát với đối tượng học sinh của mình thì sẽ hiệu quả hơn chứ không phải nhất thiết lúc nào cũng trông chờ, ỷ lại vào đề thi minh họa có sẵn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Được biết, các địa phương, các trường trung học phổ thông đã từng tập huấn, bồi dưỡng rất kỹ cho giáo viên về kỹ thuật, cách thức làm ma trận đề thi, cách ra các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thì đây chính là dịp tốt để giúp cho người thầy, người cô được thỏa sức tìm tòi và rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn nói chung, cách dạy học và làm đề theo hình thức trắc nghiệm nói riêng.

ĐỖ TẤN NGỌC