Mỗi sinh viên cần đầu tư bao nhiêu, có nên đi vay để làm đại học?

26/08/2016 06:14
GS. Phạm Phụ
(GDVN) - Đây là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn trước thực tế ngân sách giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng không thể kham được với quy mô như hiện nay.

LTS: Nối tiếp các bài viết trước, trong bài viết hôm nay GS. Phạm Phụ sẽ đặt thêm vấn đề chi phí đầu tư cho sinh viên và có nên đi vay để đầu tư cho giáo dục đại học. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu. 

Công bằng trong giáo dục đến đâu?

Nếu áp dụng mô hình J-model và học phí tăng cao, nguồn tài chính từ tư nhân có thể chiếm đến ¾ kinh phí cho giáo dục đại học như ở nhiều nước thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Công bằng xã hội khi đó sẽ là một bài toán hết sức nan giải, nhất là khi mở rộng quy mô nền giáo dục đại học. 

Do đó, cần có sự điều tiết từ phía Nhà nước. Kinh nghiệm của thế giới gần đây cho thấy, cách điều tiết tốt nhất là xây dựng các loại “Chương trình cho sinh viên vay vốn” bên cạnh chính sách “ Học phí cao – Tài trợ nhiều” (High Tuition Fees  - High Aids). 

Chương trình cho sinh viên vay vốn trên thế giới hết sức đa dạng. Nói riêng về mục tiêu, có thể phân thành 5 nhóm. Thứ nhất là tạo nguồn thu nhập cho các ĐH công lập thông qua tăng học phí để đảm bảo chi phí đơn vị.

Thứ hai là tạo điều kiện để mở rộng quy mô hệ thống giáo dục đại học. Thứ ba là tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người nghèo, đảm bảo công bằng xã hội. 

Thứ tư là đáp ứng nhu cầu nhân lực nằm trong ưu tiên quốc gia. Và, thứ năm là giảm bớt gánh nặng tài chính lên tất cả các nhóm sinh viên và tăng cường trách nhiệm của chính người sinh viên (chứ không phải là gia đình họ).

Ở Việt Nam, qua Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg và Quyết định số 157/2007/QG-TTg, có thể hiểu, chương trình cho sinh viên vay vốn có mục tiêu chính là mục tiêu (3), tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người nghèo. 

Và, qua báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến nay (15/12/2009), doanh số cho vay đã đạt đến con số 18.094 tỷ đồng, trong đó riêng năm học 2008-2009 là 8.449 tỷ đồng với khoảng 1,67 triệu sinh viên được vay. 

Có thể cho rằng, đây là một chính sách đổi mới nổi bật của giáo dục đại học trong 3 năm qua. Tuy vậy, vẫn có một số lo ngại sau đây:

Một là, mức “trợ cấp ẩn”, do lãi suất thấp và chậm trả, ước tính được của chương trình có thể lên đến 25-40% và “Tỷ lệ hoàn vốn” do vậy có thể chỉ khoảng 45 – 50%, trong khi doanh số cho vay một năm lên đến 0.5 tỷ USD. 

Có nghĩa, “chi phí” cho chương trình này hàng năm có thể lên đến trên 0.2 tỷ USD so với ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho giáo dục đại học cũng chỉ khoảng 0.5 tỷ USD.

Vậy liệu, chương trình có bền vững về mặt tài chính? Tất nhiên đây là câu chuyện của 3 hoặc 4 năm sau này, sau khi số sinh viên vay vốn hiện nay tốt nghiệp được một vài năm.

Hai là, chương trình hiện nay có mục tiêu chủ yếu là mục tiêu nên có mức “trợ cấp ẩn” cao, nhưng đối tượng cho vay lại quá lớn, đến 1,67 triệu sinh viên. Vậy chương trình có tiếp cận đúng là sinh viên nghèo? 

Ba là, ngoài ra, chương trình lại yêu cầu có sự bảo lãnh của gia đình nên mục tiêu cuối cùng, mục tiêu nâng cao trách nhiệm của chính người sinh viên, có thể không đạt được.

Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung

Thực tế thế giới cũng đã cho thấy, khi tăng học phí mà có tổ chức chương trình cho sinh viên vay vốn tốt thì gần như không ảnh hưởng gì đến vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục đại học (Hình 8). 

Hồng Kông đã có lúc tăng học phí lên 2,65 lần nhưng họ đã có những chương trình sinh viên vay vốn khá thành công với mục tiêu là “Không một em học sinh nào đủ trình độ mà lại không được học đại học” vì lý do tài chính.

Hình 8: Tỷ lệ sinh viên được tiếp cận giáo dục đại học thuộc các nhóm dân cư khác nhau ở Úc không bị ảnh hưởng khi tăng học phí, mà có chương trình cho sinh viên vay vốn.
Hình 8: Tỷ lệ sinh viên được tiếp cận giáo dục đại học thuộc các nhóm dân cư khác nhau ở Úc không bị ảnh hưởng khi tăng học phí, mà có chương trình cho sinh viên vay vốn.

Ngoài Chương trình cho sinh viên nghèo vay vốn, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục đại học, trên thế giới còn có nhiều loại Chương trình nhằm tạo điều kiện để các ĐH có thể tăng học phí, mở rộng quy mô giáo dục đại học và giảm gánh nặng tài chính lên tất cả các nhóm sinh viên.

Với các chương trình này, thường chỉ có “trợ cấp ẩn” rất ít từ Nhà nước. Nhà nước chỉ cần gánh chi phí giao dịch và rủi ro nếu có, cho sinh viên. 

Vì vậy, lãi suất có thể cao hơn một ít lãi suất huy động vốn của ngân hàng chẳng hạn và có thể giao cho các ngân hàng thương mại thực hiện.

Cũng xin được lưu ý, Chương trình cho sinh viên vay vốn đã khá phổ biến trên thế giới, đã có ở trên 50 nước, và thường được thiết kế khá công phu. 

Tuy vậy, một nghiên cứu gần đây của UNESCO – Bangkok và Viện quốc tế về kế hoạch hóa giáo dục vẫn còn cho thấy:

“Có nhiều trường hợp, sự thành công là không rõ ràng, có chương trình ở Hàn Quốc không thành công trong việc hướng vào đối tượng sinh viên nghèo, ở Thái Lan thì “tính bền vững về tài chính thấp”, ở Philippine lại “không có thu hồi vốn”, thậm chí có chương trình phải tạm dừng lại như ở Indonesia, Sri Lanka vv…

Một chính sách định hướng đúng không nhất thiết đem lại một kết quả tốt, nếu việc thiết kế quy trình và tổ chức thực hiện không tốt.

Ngoài ra, khoảng 15 năm qua có rất nhiều nước như Anh, Thụy Điển, Nam Mỹ, Úc, Thái Lan, v.v… cũng đã nghiên cứu và vận dụng một chính sách mới cho sinh viên vay vốn gọi là “Income Contingent Loans” (mức trả nợ không cố định mà tùy thuộc vào thu nhập của người vay), để sinh viên trang trải cho, chẳng những học phí mà còn cả chi phí ăn ở, để mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục đại học cho số đông.

Phần lớn sinh viên được vay vốn với mức lãi suất thấp. Sau khi ra trường, nếu họ chưa xin được việc làm hoặc mức lương còn thấp hơn một ngưỡng nào đó thì chưa phải trả. 

Nếu mức lương cao hơn ngưỡng thì trích một phần, ví dụ 10–20%, của phần cao hơn để trả dần, có thể kéo dài đến 10–20 năm, gần giống như thuế thu nhập cá nhân lũy tiến. 

Nếu sau thời gian đó mà trả chưa xong thì được xoá nợ. Bản chất của chính sách này là chuyển sự chi trả của sinh viên từ hiện tại sang tương lai và được Nhà nước gánh chịu toàn bộ rủi ro cho họ nhưng chỉ có tài trợ một phần qua lãi suất thấp. 

Nhà nước trích một phần ngân sách Nhà nước cấp cho giáo dục đại học để trang trải “chi phí” cho chính sách này. Ở Thái Lan năm 2003, dự toán ngân sách cho Quỹ cho vay có con số đến 350 triệu USD so với ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục đại học là 680 triệu USD.

Ở hình 9 dưới đây là sơ đồ biểu thị các nguồn tài chính của một sinh viên ở Anh, phụ thuộc vào mức thu nhập của gia đình (2008), với tổng chi phí để trả học phí và cả ăn ở của sinh viên trong 1 năm là 9.800£, khi có Chương trình “Income contingent loan”. 

Như vậy, với một sinh viên gia đình nghèo thu nhập dưới 15.000£ một năm chẳng hạn, sinh viên được vay 3.000£ để trả học phí (chiếm khoảng 30% tổng chi phí), được vay khoảng 3.300£, học bổng 300£, tài trợ khoảng 2.700£ để có tổng số 6.300£ lo cho chí phí ăn ở, phần còn thiếu chỉ khoảng 500£. 

Với các gia đình khá giả, phần còn thiếu, gia đình sinh viên phải chi hàng năm là khoản 4.000£.

Có nên đi vay để đầu tư cho giáo dục đại học?

Theo GS Schultz, nhà kinh tế được giải Nobel, đồng thời cũng là một GS chuyên về “kinh tế học GD”, “đầu tư của một quốc gia là tối ưu khi hiệu quả đầu tư ở các lĩnh vực đầu tư khác nhau là bằng nhau”. 

Với lĩnh vực giáo dục đại học, theo WB (2008), Suất thu lợi RR hiện còn khá cao đối với các nước có thu nhập đầu người trung bình và thấp (Bảng 6).

Nhóm thu nhập/đn

Thu nhập
b.quân/đn(USD)

RR (%)
xã hội

RR (%)
cá nhân

Cao (≥ 9.266 USD)

T.Bình (> 755-9625 USD)

Thấp (≤ 755 USD)

22.530

2.996

363

9,5

11,3

11,2

12,4

19,3

26,0

 Bảng 6- Suất thu lợi RR của đầu tư trong giáo dục đại học

Vậy vấn đề đặt ra là, tại sao chúng ta có thể đi vay quốc tế để đầu tư vào hạ tầng, vào các cơ sở công nghiệp rất khó đạt đến RR khoảng trên 10% mà lại không đi vay để đầu tư cho giáo dục đại học nhằm có được một nguồn nhân lực trình độ cao có chất lượng cao. 

Mà, theo ông Lý Quang Diệu (khi thăm Việt Nam năm 2007), “nguồn nhân lực trình độ cao đang là “nút thắt cổ chai” trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam”.

Với nguồn vốn này, Nhà nước có thể xây dựng nhiều loại Quỹ cho sinh viên vay vốn khác nhau. Tất nhiên, gần như tất cả các Quỹ này đều không có thể hoàn vốn 100% cho Nhà nước. 

Tỷ lệ hoàn vốn thấp nhất là ở các Quỹ có “tài trợ ẩn” cao phục vụ cho mục tiêu công bằng xã hội. Tỷ lệ hoàn vốn ở các Quỹ này của Trung Quốc chỉ là 55%, Hàn Quốc 64%, ở các nước phát triển thì cao hơn. 

“Tổn thất” ở đây chính là “chi phí tài trợ”, bao gồm: Tài trợ lãi suất, chi phí vận hành quỹ và cả một số tổn thất do có người hoãn nợ hoặc không trả nợ. “Chi phí tài trợ” có thể trích từ phần NSNN lâu nay cấp cho các trường đại học. 

Xin lưu ý, Nhà nước cấp vốn cho các trường ĐH là để tài trợ cho sinh viên trong khi chưa cấp trực tiếp cho sinh viên được (ví dụ phiếu trợ cấp giáo dục-Voucher) chứ không phải là trợ cấp cho trường ĐH.

Có thể biểu thị cách phân bổ ngân sách Nhà nước khi đó như ở sơ đồ dưới đây.

Hình 10- Phân bổ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học.
Hình 10- Phân bổ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học.

Ngày 4/5/2007, khi thăm Đại học Quốc gia Tp. HCM, Thủ tướng Phan Văn Khải có nói: “Việt Nam cần có một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học”. 

Khi đón mừng GS. Ngô Bảo Châu ở Mỹ Đình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có nói: “Cải cách giáo dục là khâu đột phá” trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam 2011-2020.

Vậy thì cuộc cách mạng hay cuộc cải cách trong giáo dục đại học của Việt Nam có thể bắt đầu từ đâu? WB đã theo dõi các cuộc cải cách giáo dục đại học trên thế giới và cho rằng, trong gần 20 năm qua.

Thế giới như có chung một “chương trình nghị sự” (Agenda) mà phần cơ bản khá giống nhau, khá “nhất quán”, tập trung vào hai mảng là Tài chính và Quản trị, cho dù có khác nhau về hệ thống chính trị-kinh tế.

Về trình độ phát triển, đang ở giai đoạn phát triển lành mạnh hay đang trì trệ, hệ thống giáo dục đại học đang còn là “tinh hoa” hay đã bước sang giai đoạn “phổ cập”, giáo dục đại học chủ yếu là công lập hay tư thục v.v…

Với một số nước, như Mexico chẳng hạn, còn lựa chọn hẳn phương thức, khởi sự cải cách giáo dục đại học bằng chính cải cách Tài chính.

Thực tiễn cải cách giáo dục đại học cũng cho thấy, cải cách về Quản trị luôn kèm theo là việc dịch chuyển về quyền lực và quyền lợi nên luôn gặp những cản trở của nhiều “nhóm lợi ích có liên quan”, như cải cách về tự chủ ĐH ở Thái Lan, Indonesia v.v…

Vậy, phải chăng Việt Nam cũng nên khởi sự cải cách giáo dục đại học bằng chính cải cách tài chính?

Tất nhiên, để cải cách tài chính, bài toán thiết kế chính sách cũng hết sức phức tạp và cũng phải được thiết kế một cách hết sức công phu. 

Cần có một Đề án tổng thể về cải cách Tài chính giáo dục đại học, bao gồm cả vấn đề hiệu quả, công bằng xã hội và tham nhũng trong giáo dục đại học. 

Có như vậy mới tìm được sự đồng thuận trong xã hội. Hơn nữa, cũng không nên tách riêng vấn đề học phí vì như một GS ở Anh đã nói: Ở đây không có khái niệm “lời giải đúng” và cũng là vấn đề dễ gây ra “tai họa về mặt chính trị”.

GS. Phạm Phụ