Nhiều ngành học đã... chết

26/05/2012 16:02
Theo Đất Việt
Khu vực miền Trung có đến hơn 60 trường ĐH, CĐ và hàng trăm trường trung cấp, nhưng lại đang thiếu nhân lực trầm trọng.
Nghiên cứu mới nhất của Nhóm tư vấn liên kết phát triển miền Trung cho thấy hiện toàn vùng (từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa) có mật độ hệ thống trường ĐH, CĐ tương đối cao so với mặt bằng cả nước, chỉ sau các vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ (tính cả thủ đô Hà Nội và TP.HCM). 

Bất cập đào tạo

Về đào tạo nghề, toàn vùng hiện có 242 cơ sở ở các cấp đào tạo (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề) nhưng phân bố không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố. Số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề chiếm lần lượt 6% và 12% trong tổng số các cơ sở đào tạo. Nhưng nghịch lý là dù thu hút tới 90% sinh viên trong vùng và một lượng lớn sinh viên đến từ Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, miền Trung lại đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế, các trường ĐH, CĐ, TCCN nhiều, nhưng tỷ lệ lao động đang làm việc chưa qua đào tạo của các tỉnh, thành phố trong vùng lại ở mức cao. Đơn cử, tỉnh Bình Định có gần 846.000 lao động từ 15 tuổi trở lên nhưng trên 95% trong số đó chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. 

Do ít thí sinh nộp hồ sơ nên những năm qua đã có nhiều ngành học phải đóng cửa.
Do ít thí sinh nộp hồ sơ nên những năm qua đã có nhiều ngành học phải đóng cửa.

Theo nhóm tư vấn, hiện giữa các tỉnh còn thiếu các cơ chế, chính sách chung để thúc đẩy việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực. PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhận định công tác đào tạo hiện đang trong tình trạng “trắng đen lẫn lộn” không theo tiêu chuẩn nào. Vì vậy cần thống nhất nội dung chương trình, quy trình và cả việc đánh giá chất lượng đào tạo. PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế, cũng cho rằng, công tác đào tạo không chỉ mất cân đối, mất liên kết giữa các trường mà còn chồng chéo. “Một số Bộ có trường đóng trên các địa phương cũng muốn phát triển thành đại học. Tỉnh cũng muốn nâng cấp trường lên đại học, nên rất chồng chéo”, ông Toàn nói. 

Nhiều ngành học đã “chết”

Không nắm được tình hình nhu cầu của thị trường lao động, nhiều trường vẫn cứ thản nhiên ra thông báo tuyển sinh. Nhưng sau khi mùa tuyển sinh kết thúc, nhiều trường đã phải nói lời chia tay với một số ngành học. Minh chứng cho vấn đề trên là trong mùa tuyển sinh năm 2011, do quá ít thí sinh, ĐH Đà Nẵng phải đóng cửa 2 ngành học: Kinh tế chính trị và Thống kê tin học. ĐH Đà Lạt cũng phải nói lời chia tay với một số ngành như: Công nghệ sau thu hoạch (khối A/B), Văn hóa học (khối C/D1), Việt Nam học (khối C/D1), Công tác xã hội (khối D1), Đông Phương học (khối D1).
Năm nay, nhiều ngành cũng được các chuyên gia dự báo sẽ khó tuyển, thậm chí đóng cửa vì đến thời điểm này số lượng hồ sơ đăng ký dự thi quá ít so với chỉ tiêu. Trong đó, ĐH Ngoại ngữ là trường có khá nhiều ngành tỷ lệ “chọi” dưới 1 nhất, như: Sư phạm tiếng Pháp 0,49, sư phạm tiếng Trung 0,66, ngôn ngữ Nga 0,60, ngôn ngữ Thái Lan 0,29. ĐH Bách khoa, nhiều ngành cũng không thoát khỏi tình trạng trên, như: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp 0,67, Công nghệ vật liệu 0,83, Kỹ thuật tài nguyên nước 0,78… Một số ngành tại các trường ĐH thành viên của ĐH Huế cũng có tỷ lệ “chọi” dưới 1. 

Liên kết - con đường sống 

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khi bàn về giải pháp đào tại nguồn nhân lực cho các tỉnh miền Trung tại một hột thảo do 7 tỉnh miền Trung tổ chức mới đây. Ông Ga cho biết các tỉnh miền Trung đang có chung một hạn chế đó là rào cản về nguồn nhân lực chất lượng cao, dù có hai trung tâm giáo dục lớn tại Huế và Đà Nẵng. 
“Thế mạnh của các trường trong vùng chính là đào tạo khoa học cơ bản, y dược, nông lâm (tại ĐH Huế); kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế (ĐH Đà Nẵng); khoa học cơ bản (ĐH Quy Nhơn); thủy sản (-ĐH Nha Trang). Tuy nhiên, trong những năm qua, do không liên kết với nhau nên hầu như các ngành này đang thoi thóp. Nếu có sự hợp tác liên thông, liên kết giữa các trung tâm ĐH này thì chúng ta có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho hầu hết các ngành mà các địa phương trong khu vực đang cần”, ông Ga kiến nghị.


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Những hình ảnh khiến các bà mẹ có con học ở Maple Bear phải bật khóc

Những nữ sinh diện áo dài đẹp hơn cả Hoa hậu Mai Phương Thúy (P4)

Đề án 322 bị dừng: "Nếu cần hãy kiến nghị lên Thủ tướng"

Chùm ảnh: Học sinh trường Thực nghiệm tập "đi chợ"

"Cậu ấm" chiếm trọn cảm tình của các Hoa khôi Hà Thành

Lá thư rớt nước mắt của một sinh viên tài năng

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng



Theo Đất Việt