Nhớ thầy hiệu trưởng

19/11/2017 07:34
Phan Tuyết
(GDVN) - Bao lớp thầy cô, về rồi lại đi, ai cũng luôn giữ mãi hình ảnh người thầy gần gũi, bình dị mà luôn toát lên vẻ đạo mạo đáng kính.

LTS: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ những kỉ niệm về thầy hiệu trưởng cũ, một người lãnh đạo cũng là một người thầy khiến mọi người đều yêu mến và nể phục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Người hiệu trưởng luôn được ví như linh hồn của ngôi trường. Bởi vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng.

Có được vị hiệu trưởng tâm lý, tài ba, ngôi trường sẽ trở thành nhà, thành một gia đình đầm ấm.

Điều này không chỉ giáo viên, nhân viên có thêm động lực làm việc để nâng cao chất lượng dạy và học mà chính các em học sinh cũng được học hành ngày một tốt hơn.

Trong quãng thời gian hơn 20 năm đứng lớp, tôi và một số đồng nghiệp của mình đã may mắn được sống trong một ngôi nhà ấm áp đầy tình yêu thương bởi ngôi trường Tiểu học Phước Hội 2, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận may mắn có thầy làm hiệu trưởng, đó là thầy Võ Phong Hiệp.

Hơn hai mươi năm gắn bó với ngôi trường, dù ở cương vị nào, thầy cũng luôn là tấm gương sáng cho giáo viên và học sinh học tập.

Từ một ngôi trường bình thường ở xóm biển tập trung phần lớn người dân lao động nghèo.

Thấu hiểu hoàn cảnh của nhiều phụ huynh, bởi thế chuyện thu chi hàng năm luôn được tính toán thật kĩ càng nên chưa bao giờ dính vào chuyện lạm thu.

Thế nhưng cơ sở vật chất của nhà trường vẫn luôn được tu bổ, sửa chữa kịp thời bằng sự tiết kiệm từ số tiền ngân sách ít ỏi cấp về để phục vụ tốt cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh.

Việc học tập, sinh hoạt và vui chơi của các em học sinh luôn được giáo viên chăm lo kĩ càng.

Ảnh minh họa đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại.
Ảnh minh họa đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại.

Dưới sự lãnh đạo của thầy, đến nay, trường đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng 3 của chính phủ, nhận danh hiệu lá cờ đầu trong ngành giáo dục của tỉnh.

Nhiều cuộc thi được tổ chức ở cấp trung ương cũng nhận được nhiều giải thưởng cao như giải nhất về Nha học đường, giải ba về Tìm hiểu nghìn năm Thăng Long do Báo Thiếu niên Nhi đồng tổ chức, giải khuyến khích về tìm hiểu biển đảo…

Là hiệu trưởng nhưng thầy nắm chuyên môn rất sát. Phần lớn giáo viên đều thích được thầy dự giờ thăm lớp. Bởi, theo nhiều giáo viên thầy góp ý tiết dạy rất hay.

Nhờ đó, thầy cô giáo sẽ học hỏi được rất nhiều về cách khai thác bài dạy, cách truyền thụ bài đến học sinh sao cho hiệu quả, cách xử lý tình huống trong giờ học...

Thầy thân thiện, gần gũi với giáo viên nhưng vô cùng nghiêm khắc trong công việc.

Nếu giáo viên nào vi phạm, không la mắng trước mặt, không nhắc nhở trực tiếp trên hội đồng, không nói trước người khác, mà sẽ được thầy mời riêng lên phòng uống nước trà để nhẹ nhàng nhắc nhở.

Nhờ cách làm việc tế nhị này mà giáo viên nào cũng tâm phục khẩu phục và nhanh chóng sửa chữa những khuyết điểm của mình mắc phải.

Do những cống hiến của thầy, thầy đã nhiều năm vinh dự đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Phòng Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị thầy làm hồ sơ xét tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.

Nhớ thầy hiệu trưởng ảnh 2

Cô đã nuôi lớn trong em khát vọng nghề giáo

Một danh hiệu cao quý mà bất cứ giáo viên nào cũng hằng mơ ước.

Thế nhưng thầy nói “Mình chưa xứng đáng, để cho nhiều người khác thật sự xứng đáng hơn”.

Giáo viên trong trường đều đặt cho thầy nhiều biệt danh chứa đựng những tình cảm đầy thân thương như anh cả, anh hai, “cháu ruột của Bác Hồ” đôi khi gọi là “113” …

Là người sống tình cảm, mẫu mực, thầy luôn thấu hiểu tâm tư của giáo viên.

Lúc thì thầy như người anh trai thân tình, ân cần chỉ dạy những đứa em còn vụng dại, như một người thầy đáng kính, truyền hết những kinh nghiệm về tri thức, về cách sống cho những đứa học trò nhỏ;

Khi thì thầy như một người cha mẫu mực, luôn thông cảm và yêu thương các con, và luôn là người lãnh đạo vô cùng nghiêm khắc với nhân viên…

Bao lớp thầy cô, về rồi lại đi, ai cũng luôn giữ mãi hình ảnh người thầy gần gũi, bình dị mà luôn toát lên vẻ đạo mạo đáng kính.

Nhiều kỉ niệm về thầy, không thể xóa nhòa dù thời gian có trôi đi thì những hình ảnh đẹp ấy, luôn sống mãi trong lòng mỗi người.

Ngày 8/3 năm ấy, cả trường được tổ chức đi du lịch biển, thầy nói: “Hôm nay là ngày của phụ nữ, các cô giáo được ngồi chơi để các thầy phục vụ”, thầy đã cùng một số giáo viên nam, nướng cá và đem đến từng nhóm mời các cô giáo ăn.

Những buổi sinh hoạt tập thể, thầy luôn hòa đồng, cùng kéo co, cùng chơi các trò chơi dân gian, cùng giáo viên tập múa trên sân trường… hay luôn ân cần thăm hỏi cuộc sống của từng người, để động viên, giúp đỡ kịp thời.

Thầy luôn là người đến trường trước nhất và bao giờ cũng là người rời khỏi trường muộn nhất.

Luôn coi trường là nhà, ngày đi dạy cũng như những tháng hè, thầy có mặt trên trường để vào từng phòng học, xem từng chiếc bàn, cái bảng, từng chỗ ngồi của các em để sửa chữa, sắp xếp lại cho khoa học…

Trước ngày bàn giao công việc cho hiệu trưởng mới, mọi người vẫn thấy thầy tất bật chăm lo việc trường, cho học sinh dọn rác trước cổng, nhắc nhở các em xếp hàng trật tự...

Tháng 12 năm 2014, thầy về hưu sau 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Chia tay thầy, tất cả mọi người trong trường chúng tôi đều ngậm ngùi và khóc, ai cũng ghi nhớ lời dặn dò của thầy trước khi về trường mới:

Mong muốn thầy cô ở lại giữ vững khối đoàn kết nội bộ, cùng chung sức để dạy học sinh thật tốt”.

Hôm ấy, tất cả giáo viên trường tôi đã đồng thanh hát mãi ca khúc “Con đường đến trường” để lưu lại kỉ niệm đẹp về một người thầy đáng kính.

Lời bài hát vang lên “Nhớ nhớ những ngày nơi đây/ Cùng bạn bè sống dưới mái trường này/ Nhớ nhớ mãi ngày chia tay/ Nụ cười còn xao xuyến lòng ai”... nghe thật bồi hồi và da diết...

Chúng tôi tự nhủ, mình không được khóc nhưng không hiểu sao những giọt nước mắt cứ tuôn rơi, chảy dài trên từng khuôn mặt thầy cô trong trường.

Phan Tuyết