Những câu văn “cười ra nước mắt” (P2)

01/05/2012 06:12
K. Ngân (Tổng hợp)
(GDVN) - Độc giả khó thể nhịn được cười khi đọc những câu văn rất ngô nghê, nhầm lẫn ngớ ngẩn, tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” của các thí sinh.
Sự nhầm lẫn tai hại

Thí sinh này lạc đề khi đang giới thiệu về Tô Hoài lại chuyển sang nói về Tố Hữu không hề liên quan đến nhau: "Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hay nhất nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu trữ tình lãng mạn luôn nói về những số phận đâu (đau) thương của con người và lên án sự bất công của các thế mạnh đã đem đến cho con người".

Đề bài yêu cầu làm về Vợ chồng A Phủ, thì một thí sinh lại say sưa phân tích về các nhân vật trong Vợ Nhặt của Kim Lân đến 3 trang.
Hay nhầm lẫn nhân vật A Phủ và A Sử? "Tại sao Mỵ phải lấy A Phủ, A phủ là một thằng nhà giàu độc ác tượng trưng cho bọn thực dân dã mang, chúng nó thực sự đàn áp nhân dân ta dìm nhân dân ta trong bể máu".

Chưa kể lỗi sai chính tả: "Mỳ và A Sử sống gần gủi thân mặt nhau dần dần nảy sinh tình cảm, hạnh phúc xuất phát từ sự đau khổ xã hội phong kiến lại không chấp nhận mối nhân duyên ấy nên họ càng đau khổ càng mất hạnh phúc".

Còn đây là một kiểu suy diễn... chết người. Có lẽ rằng chính tác giả cũng khó có thể hiểu tưởng tượng được cách phân tích, bình luận của học sinh này:

"Quân xanh màu lá tức là màu xanh của màu huy vọng mông rằng quân ta tòn thắng"; "Sông Mã gầm lên là vì tuy các anh đã được dùi xâu dưới lòng đất đến thiên nhiên cảnh vật cũng phải khiếp sợ huống chi là con người nên sông mã mới gằm lên um sùm như thế chứ"; "Chiến trường đi không tiếc đời anh đời anh câu thơ thực là dí dỏm tinh nghịch quá".

Thậm chí, đọc câu văn này thấy rằng khả năng bình luận văn chương của các nhà phê bình văn học kém hẳn so với “ tài năng” của các em: “Có thể chắc chắn một điều chắc chắn rằng, trong Tây tiến đã phơi bày của mình hết sức trầm trọng làm chúng ta hiểu biết về ông rất là nhiều”.

Một thí sinh "sáng tạo" kinh hoàng khi viết Quang Dũng sinh ra ở Huế, làm văn nghệ sĩ ở xứ Nghệ với câu cú không hiểu nổi: "Ông xứng đáng là một người háo danh. Trước lúc ông đã ra đi tìm đường cứu nước ông vì một người mà phải hy sinh anh dũng thật là khổ danh là một người lính Tây Tiến... vào năm một ngàn chín trăm sáu bảy, ông đã từng đi du học nước ngoài ở Mỹ. Trước khi ông hy sinh ông đã làm một kiến trúc sư... Ông còn làm một tập truyện ngắn, nhật kí trong tù của Phạm Tiến Duật...". (?!).

"Râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Không biết học sinh này liệu có biết nhà văn Sô-lô-khốp là ai không khi viết những câu văn này: "Sô – lô – khốp chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên thời chống Mỹ, sáng tác tác phẩm "Mặt đường vô vọng". Và nhiều thí sinh còn cho rằng Sô – lô – khốp sinh ở Sông Hồng.

Bài thơ "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Thi trong tập Truyện Tây Bắc.

Có thí sinh cho rằng: "Xuân Quỳnh sống cùng thời với Hồ Xuân Hương, hai nhà thơ hợp sức lại lên án xã hội phong kiến ràng buộc yêu đương tự do, nhất là để giải thoát phụ nữ…". Đi vào phân tích câu chữ và hình ảnh, các thí sinh tha hồ suy diễn. Hãy đọc lời văn của thí sinh phân tích sóng và em: "Xuân Quỳnh mượn sóng để nói người con trai phiêu bạc giang hồ để cho em ở lại đợi mong đến mòn mỏi, đau buồn tuyệt vọng".

Chuyện lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia không khó tìm trong bài làm của các sĩ tử. Cá biệt có thí sinh lý giải cội nguồn lòng yêu nước, sự dũng cảm của Việt rằng: "Việt được má Út Tịch sinh ra ở vùng sông nước sau khi cha và nội bị Pháp chặt đầu nên ghét thằng Pháp hơn ai hết. Việt yêu nước như mẹ, chiến đấu như mẹ, anh hùng như mẹ mình. Chị Chiến thì chẳng khác tí gì mẹ từ miếng ăn miếng ngủ cho tới chăm sóc em".

Hay sự nhầm lẫn tai hại giữa Sô – lô – khốp với Lỗ Tấn: "Tác phẩm của Sô-lô-khốp nói về những căn bệnh tâm thần của quốc dân Trung Quốc.

Nhà văn người Nga này đoạt giải Nô-ben văn học nhưng các thí sinh thì "trao" cho ông nhiều giải thưởng khác nhau: Giải Nô-ben toán học, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ, giải thưởng Ju-li-e (?!?); cũng có bài làm khẳng định ông quốc tịch Pháp, Mỹ, Ghana, Trung Quốc; gắn bó với dòng sông Nin, sông Xen; còn cho rằng Sô-lô-khốp hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Có thí sinh nói “Nguyễn Thi có bút danh Nguyễn Ngọc, tên khai sinh là Nguyễn Trung Thành"…

Tự sáng tác, liên tưởng "trên trời"

Phân tích về tình yêu của Mỵ và A Phủ trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài), một học sinh thả sức "sáng tạo" bằng các ngôn từ “gần gũi” với văn nói:

"Mỵ và A Phủ là một đôi thanh mai trúc mã, họ thực lòng thực dạ yêu nhau quên trời quên đất, mặt dù quá xá người cản trở nhưng họ củng lấy được nhau bằng cách dắt nhau đi vô rừng. Gia đình nhà thống lý bá tra là chồng trước của Mỵ đã kéo đế, Mỵ dung cùi chỏ lên, đánh cho bọn nó tang tát hết trơn, mỵ lại giù A phủ vô nhà, miệng của Mỵ rỉ rỉ mấy giọt máu. Nhà Tô Hoài đã đề cao giá trị nhân đạo bằng cách cho cô mỵ đánh bọn cường hào ác bá kia đề dành lấy tự do và tình yêu chung thủy.

Hay học sinh tự sáng tác theo sự tưởng tượng của mình dựa theo những câu chuyện cổ tích: “Mỵ đi ngay ra gốc cây ở ngoài rừng, ngồi phịch xuống cái gốc cây mà khóc, A Phủ trông thấy liền gọi Mỵ dậy và tặng cho Mỵ một con dao để Mỵ cắt dây trói".

Còn trong bài thơ nổi tiếng "Tây Tiến" của Quang Dũng thì thí sinh này nghĩ rằng nhà thơ Quang Dũng là "tướng công quét sách bọn phong kiến"???

"Tây Tiến là một địa danh nổi tiếng ở miền tây, Quang Dũng đi bộ đội vào miền Nam, sau đó ra miền bắc rồi về miền tây nam bộ rồi lại ra miền tây. Quang Dũng kêu gọi các học sinh sinh viên Hà Nội lênh đường đánh giặc và bản thân ông làm tướng công công đồn dũng sĩ giết sách bọn giặc giả mang tàn nhẫn, quét sạch luôn bọn phong kiến ác ôn".

Lỗi chính tả trầm trọng

- Sô-lốp-khốp có một người vợ và 2 đứa con nhưng do chiến tranh tàn khốc đã cướp đi vợ và con ông, chính vì thế mà cuộc són (sống) của ông k (không) bao giờ cười mà chỉ biết khót (khóc) ban ngày thì những giọt nước mắt kèm (kiềm) nén đóng khô lại trong trái tim ông còn ban đêm thì giọt nước nc (nước) leo lên trên gối uơc (ướt). Sau một thời gian ông lão đi kéo xe bò để kiếm sống.

- Khi gia nhập vào bộ đội, việt (Việt) học tập chăm chỉ để theo anh Quyết sau này làm cán bộ thay anh. Vì vậy, khi việt học chữ thua mai thì việt tức quá, đập đầu vào đá cho đến khi chảy máu hết tức mới xong. Khi bị giặc bắt thì việt nút (nuốt) thông tin vào bụng, địch dùng mọi thủ đoạn để uy hiếp, tra tấn dã man để lấy thông tin nhưng việt thà chết chứ không tiết lộ ra bất cứ thông tin nào, dù là nhỏ nhoi nhất.
K. Ngân (Tổng hợp)