Theo Dự thảo, ở mỗi "tầng", các trường sẽ được xếp theo 5 hạng. Các hạng được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số. Các hạng gồm: Hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất.
Hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1. Hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2. Hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3. Hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.
Dự thảo cũng quy định các cơ sở đào tạo giáo dục Việt Nam sẽ có các "tầng" theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành.
Để đóng góp ý kiến cho Dự thảo này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi ngắn với TS. Ngô Tự Lập (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề trên.
Phân tầng chỉ dành cho trường công
PV: Vừa qua, Bộ GD&ĐT có công bố dự thảo Nghị định Quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học với 5 thứ hạng và 3 tiêu chí, Theo ông, ở thời điểm này Việt Nam cần thiết có các hạng đại học không?
TS. Ngô Tự Lập: Việc phân tầng chỉ cần thiết và cũng chỉ khả thi đối với những trường dùng ngân sách nhà nước. Với các trường đó, phân tầng thực chất là phân loại nhiệm vụ, và từ đó phân bổ ngân sách. Với các trường loại này, việc phân tầng đáng lẽ phải làm từ lâu rồi. Đó là một trong những nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT. Với các trường không dùng ngân sách, kể cả những trường công tự hạch toán, việc phân tầng là vô nghĩa. Với các trường không dùng ngân sách nhà nước, chính nhà đầu tư mới là người quyết định trường của họ thuộc “tầng”. Và quyết định của họ có thể thay đổi bất cứ lúc nào, phụ thuộc vào ý đồ và tiềm năng của họ.
TS. Ngô Tự Lập cho rằng, việc phân tầng chỉ có ý nghĩ và khả thi với trường dùng ngân sách nhà nước. |
Việc xếp hạng thì lại khác. Việc xếp hạng theo những tiêu chí, như cách làm của QS (tổ chức xếp hạng đại học) hay của trường Giao thông Thượng Hải, là công việc của thị trường, thường là thông qua các cơ quan truyền thông, chứ không phải là việc của Bộ GD&ĐT.
Các bảng xếp hạng loại này, kể cả những bảng xếp hạng có ảnh hưởng trên thế giới hiện nay, đều cứng nhắc và bị phê phán nhiều. Nhưng còn có một cách đánh giá khác, đó là căn cứ vào nhiệm vụ, sứ mệnh và điều kiện cụ thể của từng trường mà đánh giá. Cách đánh giá này về thực chất đã được Bộ GD&ĐT tiến hành từ lâu thông qua thi đua, khen thưởng. Điều đáng tiếc là hoạt động thi đua khen thưởng ở ta thường hình thức, vì thế không phát huy được tác dụng.
Việc phân tầng đại học sẽ dẫn đến thứ bậc các trường, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của các trường đại học, bởi một trường đại học tốp trên sẽ được đông đảo người học đón nhận, các trường tốp dưới sẽ đìu hiu, ông nghĩ sao về khía cạnh này, có thực sự để các trường cạnh tranh và nâng cao chất lượng?
TS. Ngô Tự Lập: Tôi không nghĩ thế. Như tôi đã nói ở trên, việc phân tầng chỉ có ý nghĩ và khả thi với trường dùng ngân sách nhà nước. Với trường không dùng ngân sách nhà nước, thị trường sẽ quyết định.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Việt Nam tụt hậu 1-2 thế kỷ.
(GDVN) - Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết, đó là sư phạm.
Để tránh bị phân thành nhiều tầng, có quan điểm bảo vệ rằng đại học nên có hai hạng, một hạng là các trường tinh hoa – đào tạo nhân tài, một hạng theo hướng ứng dụng - đào tạo nhân lực. Ông có thấy hợp lý không hay còn quan điểm nào khác?
TS. Ngô Tự Lập: Vâng, đó chính là đề xuất của tôi. Nhưng, xin nhắc lại, chỉ áp dụng cho trường dùng ngân sách nhà nước mà thôi.
Thị trường sẽ xếp hạng các trường đại học
Hiện nay với số lượng khoảng 450 trường ĐH, CĐ trong cả nước, việc xếp hạng nếu theo Dự thảo là 2 năm/lần. Như vậy, xếp hạng cần được thực hiện như thế nào? Thực hiện xếp hạng đại học ở Việt Nam theo ông các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học (ĐHQGHN và ĐHQG TP. HCM) có đảm đương được nhiệm vụ này, hoặc cần một đơn vị nào khác?
TS. Ngô Tự Lập: Cá nhân tôi không hào hứng với việc xếp hạng đại học. Tuy nhiên, nếu cần phải xếp hạng, thì đó là công việc của thị trường. Việc xếp hạng ai làm cũng được, nhưng nó có được chấp nhận hay không lại là chuyện khác.
Suốt trong một thời gian dài đại học Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng đại học thế giới, việc đưa ra Dự thảo xếp hạng, phân tầng đại học lần này theo ông có phải là mục đích để chúng ta hướng tới nền giáo dục đại học ngang bằng thế giới?
TS. Ngô Tự Lập: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần một nền đại học tốt chứ không phải là một nền giáo dục được xếp hạng, mặc dù nếu được xếp hạng cao thì cũng quý. Thế nào là một nền giáo dục tốt? Tôi đã từng phát biểu nhiều lần, không có thứ đại học tốt chung chung. Nền đại học tốt cho Việt Nam là đại học đáp ứng được nhu cầu hiện tại và khát vọng tương lai của đất nước ta, đồng thời phải khả thi.
Trong đầu tư cho giáo dục, chúng ta không thể chạy đua về quy mô, những chúng ta có thể khôn khéo trong cách đầu tư. Hãy đầu tư vào những ngành cần thiết cho đất nước, những ngành chúng ta đã có truyền thống và hãy chăm lo đến chất lượng thực chất, chứ không phải là những danh hiệu.
Trân trọng cảm ơn ông.