LTS: Bàn về những nghiên cứu của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Phó giáo sư Bùi Hiền đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, thầy giáo Khánh Văn bày tỏ quan điểm của mình qua bài viết sau.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trước đây, dư luận xã hội có một phen dậy sóng về chữ viết của thầy Bùi Hiền và bây giờ lại đến thầy Hồ Ngọc Đại.
Trên các trang mạng xã hội có nhiều người mạt sát thầy Hiền, thầy Đại nhiều quá.
Những người chửi không chỉ là tầng lớp bình dân, những người ít tuổi mà có rất nhiều người là trí thức, thậm chí có cả những người có vị thế trong giới văn chương, nghiên cứu ngôn ngữ.
Nghĩ thật buồn cho những lời thóa mạ vô cùng cắc cớ đó của một số người.
Ai cũng biết, ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay của chúng ta còn có nhiều bất cập trong phát âm và khi viết.
Nhất là những người đã từng học chuyên ngành Ngữ văn, Ngôn ngữ tiếng Việt sẽ hiểu rõ vấn đề này.
Nhiều chữ phát âm một đường nhưng lại viết một nẻo (do đặc điểm phát âm) nên việc đề xuất để đi đến thống nhất một kiểu chữ là một vấn đề đáng để chúng ta cần lưu tâm.
Dư luận xã hội có một phen dậy sóng về chữ viết của thầy Bùi Hiền và bây giờ lại đến thầy Hồ Ngọc Đại. Ảnh minh hoạ: VTV |
Hơn nữa, vấn đề này đã được nhiều nhà khoa học nói cách đây hàng mấy chục năm về trước.
Tuy nhiên, điều cốt lõi là chúng ta chưa thể thực hiện hoặc chưa thể chấp nhận bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức, vào thói quen của văn hóa đời sống con người Việt Nam.
Chúng ta vẫn luôn cho rằng tiếng Việt hiện hành của chúng ta là trong sáng, giàu và đẹp.
Song, giữa tiếng Việt và chữ viết tiếng Việt là hai phạm trù khác nhau, không thể đánh đồng là một. Bởi một bên là “ngôn” một bên là “ngữ”.
Ngày xưa, cũng là tiếng Việt nhưng ông cha ta dùng chữ Hán, chữ Nôm - những chữ tượng hình để biểu đạt nhưng hơn 100 năm nay, chúng ta lại dùng chữ tượng thanh, tức là chữ Quốc ngữ hiện nay để biểu đạt cho tiếng Việt.
Có một điều mà dư luận sẽ bất ngờ là tiếng Việt hiện nay của chúng ta có vốn từ Hán - Việt rất lớn, theo các nhà ngôn ngữ thì có khoảng 60-80%.
Sở dĩ chúng tôi nói điều này để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về tiếng Việt và chữ viết hiện nay.
Cuộc chiến sách Công nghệ giáo dục - sách giáo khoa 2000 chuyển hướng |
Khi đề xuất của tác giả Bùi Hiền đưa ra thì có nhiều người đua nhau phản bác nhưng có một thực tế là cách viết như tác giả Bùi Hiền thì chúng ta vẫn đã và đang chứng kiến hàng ngày qua các tin nhắn điện thoại, qua mạng xã hội của giới trẻ hàng chục năm qua.
Thậm chí là được viết rất nhiều ở các tờ báo, tạp chí dành cho tuổi học trò. Một thực tế là có rất nhiều người đã và đang dùng theo cách viết này.
Dù rằng nhiều người khi đọc những chữ viết như vậy rất khó chịu nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận là đó là sự phát triển tự nhiên và được nhiều người dùng trong những năm qua.
Việc xã hội có chấp nhận kiểu thay đổi chữ viết như tác giả Bùi Hiền hay không thì thời gian sẽ chứng minh.
Nếu đúng đắn, khoa học, đảm bảo được sự trong sáng của tiếng Việt thì tự thân nó sẽ phát triển.
Ngoài ra, còn phải là sự đồng thuận của giới nghiên cứu ngôn ngữ và sự cho phép của các cơ quan chức năng thì chúng ta mới có thể thực hiện được.
Vì thế, chuyện đề xuất thay đổi chữ viết hiện hành của chúng ta hôm nay vẫn là chuyện của tương lai sau này.
Không dễ gì mà những đề xuất của tác giả Bùi Hiền được thực hiện ngay được. Cái cơ bản mà chúng ta cần tôn trọng ông là đây là một công trình khoa học.
Và, tất nhiên, khi đã thực hiện nghiên cứu thì cũng có thể đem đến thành công và thất bại.
Có thể được xã hội chấp nhận và cũng có thể là chưa hoặc không bao giờ được chấp nhận.
Thầy Đại, thầy Hiển có hưởng lợi từ tiền bán sách công nghệ giáo dục? |
Đối với thầy Hồ Ngọc Đại cũng vậy, ông cũng đã bước vào lớp tuổi xưa nay hiếm và chương trình Công nghệ giáo dục cũng đã đào tạo được gần 40 thế hệ học trò, trong đó có nhiều học trò đã thành danh.
Còn nhớ, những năm trước đây khi bước vào đầu năm học thì phụ huynh lại rồng rắn xếp hàng để xin cho con mình vào trường Thực nghiệm của thầy Đại.
Cách mà dư luận đang nói cách đánh vần “lạ” của chương trình Công nghệ giáo dục theo chúng tôi đó chỉ là “một phương pháp” dạy tiếng Việt.
Khi coi đó là phương pháp thì cái nào đến mục đích trước là một phương pháp tốt. Nếu không tốt, dĩ nhiên không tồn tại suốt gần 40 năm qua…
Khi viết những dòng chữ này, điều mà chúng tôi luôn trân trọng đó là lòng nhiệt huyết của thầy Bùi Hiền, thầy Hồ Ngọc Đại.
Trong khi, chúng ta có vô vàn những người mang danh nhà khoa học, có nhiều người đang còn trẻ, đang còn tại vị nhưng làm việc cứ phải bám vào những dự án này đến dự án khác để mưu lợi cho bản thân thì mới làm, mới dấn thân.
Vì vậy, dù công trình khoa học của 2 thầy có được xã hội chấp nhận hay không thì đó cũng là một công trình đáng cho giới học thuật chiêm nghiệm và suy ngẫm.
Có lẽ, chữ viết của tiếng Việt hiện hành đã sống cùng dân tộc hàng trăm năm nay nên chuyện thay đổi không phải nói là có thể thay thế được.
Những bất cập của ngôn ngữ chúng ta đã được chỉ ra rất nhiều và đã từ lâu.
Song, phải chăng chúng ta đã quá quen thuộc với chữ viết hiện hành nên đã coi thường và ác ý với những người thầy bỏ ra cả hàng chục năm với một mong muốn rất chính đáng là giúp cho chữ viết hiện nay được đơn giản hơn, dễ học hơn mà phải chịu những lời chê trách không đáng có?
Không ai cấm chúng ta bình luận, phản hồi và đưa ra những chính kiến của mình.
Song, dù là phản hồi trên các trang báo chính thống hay trên mạng xã hội thì chúng ta hãy bình tâm đưa ra những câu từ trách nhiệm.
Nếu ta bình luận, bình phẩm, đánh giá một vấn đề, một con người theo kiểu mạt sát, xúc phạm thì có nên không?
Bởi, đa số những bình luận, phản hồi là của những người đã trưởng thành, nếu chúng ta có những đánh giá, chia sẻ với những công việc của người khác một cách khách quan, trách nhiệm thì đó sẽ là tấm gương cho con em mình.
Người Việt Nam ta từ xưa đến nay vẫn coi trọng lễ giáo, nghĩa tình bởi: “Lời nói chẳng mất tiền mua” để nhắc nhở chúng ta về đối nhân xử thế.
Xã hội càng hiện đại càng đòi hỏi mỗi con người trưởng thành chúng ta lưu giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Không ai cấm chúng ta bình luận, phản hồi nhưng thiết nghĩ khi chúng ta ngồi trước bàn phím để phán xét, bình phẩm thì cần lắm một tấm lòng, một chính kiến khách quan, trong sáng.
Con người ta ai cũng có lòng tự trọng, nhất là đối với người theo đuổi nghề giáo.
Vì thế, mọi người cần công tâm, có trách nhiệm trước những phán xét của mình về một ai đó.