LTS: Tiếp tục có nhiều lo lắng về TT30, một cô giáo tiểu học từ Nam Trung Bộ đã tiếp tục gửi bài về tòa soạn nói lên nỗi lòng của mình. Vì nhiều lý do tế nhị, cô đề nghị sử dụng bút danh Thanh Minh.
Tòa soạn tôn trọng nguyện vọng của cô, đồng thời đăng tải bài viết này đến quý vị độc giả.
Góc nhìn, quan điểm, cách hành văn là của riêng cô giáo.
TT 30/2014/TT-BGDĐT về biệc bỏ chấm điểm cho học sinh tiểu học mà thay vào đó là những lời nhận xét trực tiếp hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của các em, đã áp dụng được gần một năm học ở các trường tiểu học trong toàn quốc.
Không chỉ đơn giản là việc thay điểm số bằng nhận xét, đó là sự thay đổi một thói quen của người dạy và người học đã tồn tại từ rất lâu rồi. Dưới góc nhìn của một giáo viên đang từng ngày, từng giờ trực tiếp giảng dạy học sinh ở một vùng biển nghèo.
Tôi sẽ thông tin đến mọi người những điều “mắt thấy tai nghe” đang từng ngày hiện hữu nơi đây và một số vùng lân cận. Thông qua bài viết này, mọi người sẽ thấy được Thông tư 30 tác động như thế nào đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh nơi này nhé!
Không chỉ đơn giản là việc thay điểm số bằng nhận xét, đó là sự thay đổi một thói quen của người dạy và người học. (Ảnh minh họa: Internet) |
Mỗi nơi một kiểu
Mặc dù phòng giáo dục cũng tổ chức tập huấn chung cho các trường về việc bỏ chấm điểm thay nhận xét. Nhưng khi về trường áp dụng vào thực tiễn mới thấy: nếu giáo viên chỉ lo ghi nhận xét theo tinh thần của Thông tư thì không còn thời gian dạy nữa. Vì thế, giáo viên mỗi trường lại có cách sáng tạo lời phê khác nhau.
Có giáo viên nhận xét học sinh bằng biểu tượng như đóng hình ngôi sao vào bài làm của các em. Ngôi sao có ba màu, tương ứng với các mức độ: Màu đỏ: Học sinh làm bài tốt, màu xanh: Hoàn thành bài làm, màu vàng: Cần cố gắng hơn. Có trường, lại dùng biểu tượng bông hoa: Bông hoa màu đỏ, màu vàng, màu xanh tương ứng với các mức độ: giỏi, khá và cần cố gắng hơn.
Có cô quy ước với học sinh: Cô ghi đã xem là điểm 9, 10. Ghi xem là điểm 7,8. Ghi cố gắng lên là điểm 5,6. Còn ghi xem lại là dưới điểm trung bình. Lại có cô ghi giỏi, khá, trung bình, còn yếu để ứng với các nấc điểm 9-10; 7-8; 5-6 và từ 0 đến 4…
Có cô còn quy ước mặt cười điểm giỏi, bông hoa là điểm khá, ngôi sao điểm trung bình, còn mặt mếu là điểm yếu, với bài làm tốt của học sinh, bài chưa đạt có giáo viên ghi hai chữ hoàn thành, bài chưa đạt ghi sửa lại…
Tiến sĩ Ngô Gia Võ: "Lớp 5 ơi! Tôi lo sợ"
(GDVN) - Học sinh lớp 5 đã học theo kiểu cũ 4 năm rồi, độp một cái không chấm điểm, không giao bài tập về nhà,... liệu các em có đạt chuẩn bước vào lớp 6 không?
Nhiều giáo viên khi chấm bài, đặc biệt là môn toán, chỉ ghi đúng sai và không phê gì cả…Có cô ghi những lời nhận xét chung chung như: Bài làm tốt, bài viết không mắc lỗi hay ghi gọn một chữ theo từng mức độ: giỏi,
khá, trung bình, yếu…
Những cách nhận xét như trên cũng không khác gì cách cho điểm như trước đây. Nếu theo đúng tinh thần của TT 30/2014/TT-BGDĐT hướng dẫn, thì cách ghi lời nhận xét phải nêu rõ những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được, mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức, mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu bài học của học sinh;
Lời nhận xét phải chỉ ra được những điểm nổi trội của bài làm, hay những điểm còn hạn chế và đưa ra biện pháp giúp đỡ kịp thời cho học sinh.
Đặc biệt, lời nhận xét không được chê bai, so sánh giữa học sinh này với học sinh khác…
Cộng đồng mạng từng thổn thức bởi lời phê của một giáo viên: “Con thông minh, hiểu bài nhanh, hăng hái phát biểu. Con tập trung, làm bài và viết bài liền mạch thì kết quả học tập sẽ tốt hơn rất nhiều. Con biết nghe lời và cô tin tưởng Thiên Phúc sẽ làm được những điều cô mong muốn. Con cố gắng lên nhé!”.
Nếu giáo viên làm đúng như thế này, thì như chúng tôi thường đùa với nhau: “chỉ ngồi phê lời nhận xét thôi cũng đã hết buổi học rồi”.
Chỉ ngồi phê lời nhận xét thôi cũng đã hết buổi học rồi. (Ảnh minh họa: Internet) |
Phụ huynh tiếp nhận như thế nào?
Phần lớn phụ huynh thắc mắc và chất vấn thầy cô: sao cô (thầy) không chấm điểm để tôi dễ theo dõi con mình? Một số khác không biết chữ, vì thế không đọc được những lời phê của thầy cô nên đã gọi điện trách: “Sao cô không chấm điểm cho rồi, hôm nào cũng viết cái gì mà đỏ cả vở con tôi?
Có phụ huynh lên tận lớp bức xúc nói với cô giáo: “Tôi không thích cô viết dài dòng vào vở, tôi không biết đọc. Từ hôm sau, cô cứ ghi điểm cho tôi dễ kiểm tra.
Hôm qua, con bé lừa tôi, may mà có đứa cháu ngồi bên phát hiện ra đó. Cô phê về đọc kĩ bảng nhân chia, làm toán còn yếu mà nó dám đọc cho tôi rằng cô khen nó chăm học…
Còn học sinh?
Học sinh lớp một phần lớn chưa biết đọc nên thấy cô thầy ghi nhận xét, nhiều em cầm lên hỏi: “Cô ơi! Cô viết cái gì vậy?” Với những học sinh lớp lớn hơn, chúng tôi làm cuộc trắc nghiệm: Ai thích chấm điểm, còn ai thích ghi nhận xét?
Cũng không bất ngờ gì đến gần 90% học sinh của lớp thích được thầy cô chấm điểm. Số còn lại thích ghi nhận xét nhưng toàn là học sinh yếu. Khi được hỏi: Vì sao con thích ghi nhận xét? Các em hồn nhiên trả lời vì không bị điểm kém về ba mẹ đánh đòn…
Gần 90% học sinh của lớp thích được thầy cô chấm điểm. (Ảnh minh họa: Internet) |
Hiệu quả của việc thực hiện Thông tư 30 sau gần một năm triển khai.
Gần một năm triển khai Thông tư 30, điều ghi nhận đầu tiên là giáo viên mệt nhoài vì bao lời nhận xét vào vở của học sinh và “tối mắt tối mũi” với một đống hồ sơ sổ sách chỉ để mình xem.
Học sinh khá giỏi ít nỗ lực vì thiếu sự thi đua. Học sinh yếu, trung bình, thảnh thơi vì không bị thầy cô phê bình, không bị áp lực điểm số từ ba mẹ…