Thầy cô nào gây áp lực cho học sinh?

20/01/2019 07:34
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Bao giờ học sinh của chúng ta được học tập, giáo dục bởi một đội ngũ nhà giáo hội đủ cả “tâm” và “tài”, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui?

LTS: Thẳng thắn chỉ ra những áp lực, mệt mỏi mà các em học sinh phải hứng chịu từ một số thầy cô giáo, tác giả Kiên Trung đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Các em học sinh là một trong những chủ thể chính ở các nhà trường hiện nay. 

Hiện nay, ngoài áp lực, căng thẳng về chương trình, nội dung nặng, hàn lâm, về thi cử bị thay đổi, xáo trộn liên tục thì học sinh còn phải chịu nhiều mệt mỏi, áp lực từ một số thầy cô giáo bộ môn và thầy cô giáo chủ nhiệm của mình.

Thầy cô nào gây áp lực cho học sinh (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).
Thầy cô nào gây áp lực cho học sinh (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).

Vậy đó là những thầy cô giáo như thế nào?

Yếu kém về chuyên môn, thiếu đam mê, tâm huyết với nghề

Trong gần 1 triệu giáo viên mầm non, giáo viên các cấp phổ thông, hiện tồn tại không ít giáo viên như thế.

Ngành giáo dục thời trước đây thiếu giáo viên trầm trọng, một thời gian dài học phổ thông “làng nhàng” cũng vào được sư phạm. Đến nay, "lời nguyền chuột chạy cùng sào mới vào trường sư phạm" dường như vẫn không thay đổi.

Các trường sư phạm đào tạo dễ dãi đã đành, các trường khác cũng đua nhau mọc ra khoa sư phạm, đào tạo thiếu bài bản, học thế nào cũng được tốt nghiệp ra trường, làm thầy cô giáo cả.

Khi hành nghề trở thành “thợ dạy” đúng nghĩa, trường kỳ với “đọc - chép” từ sách giáo khoa, thì học sinh chán nản, mỏi mệt, ngáp ngắn, ngán dài ở bên dưới lớp, không có gì lạ.

Hàng loạt vụ việc thầy cô giáo bạo hành học trò, vi phạm đạo đức nhà giáo gây bức xúc dư luận xã hội trong thời gian qua cũng có nguồn cơn từ hạn chế, non yếu về nghiệp vụ, chuyên môn, phương pháp sư phạm.   

Ít hoặc không đầu tư về kiến thức chuyên môn và phương pháp dạy học

Đối tượng học sinh nào thường hay bị bạo hành trong nhà trường nhất?

Một bộ phận giáo viên lấy lý do lương bổng, thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống, môi trường giáo dục càng có nhiều áp lực, vất vả để giải thích cho chất lượng giảng dạy.

Năm này qua năm khác, giáo án và cách dạy ở trên vẫn không hề thay đổi. Dạy kiểu gì là quyền của mình, còn học sinh hiểu hay không là việc của học sinh.

Nhà trường, đồng nghiệp trao đổi, nhắc nhở, phê bình vẫn chẳng chịu nghe, chẳng chịu thay đổi.

Có thao giảng, có người dự giờ thăm lớp thì mới thiết kế lại giáo án, đầu tư bài dạy đôi chút để “diễn”, đối phó với đồng nghiệp, nhà trường.

Dạy trên ở lớp thì sơ sài, qua loa, chủ yếu dành “năng lượng” để dạy học thêm ở nhà

Đây là biểu hiện đáng lo ngại nhất đã, đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều thầy cô giáo phổ thông.

Vì thu nhập, vì tiền bạc mà một số giáo viên bất chấp tất cả, dùng đủ “chiêu” để chèn ép học sinh phải đi học thêm mình.

Bạo hành học trò và thứ thành tích man rợ

Học sinh nào nếu không đi học thêm thì chẳng thể nào hiểu bài (do cách dạy trên), thậm chí bị giáo viên “chiếu tướng” liên tục, cho câu hỏi khó, điểm kém…

Bao giờ học sinh của chúng ta được học tập, giáo dục bởi một đội ngũ nhà giáo hội đủ cả “tâm” và “tài”, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui?

Một câu hỏi không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều. Nó cần rất nhiều yếu tố, sự cộng hưởng từ cơ chế, chính sách, đào tạo đến quá trình sử dụng, cách thức quản lý, điều hành của Nhà nước, cách quản lý giáo duc.

Song trước mắt, các thầy cô giáo, nếu đang mắc phải một hoặc những “điểm yếu” trên thì cần soi rọi lại chính mình và phải sớm chỉnh đốn, đổi thay…

Phụ huynh và các em học sinh chỉ trông mong và kính trọng những thầy cô giáo hết sức mẫu mực, tận tụy với nghề dạy học.     

KIÊN TRUNG