Điểm danh những tàu chiến chủ yếu tham gia Diễn tập ADMM+

04/05/2016 07:17
Đông Bình
(GDVN) - Cuộc diễn tập đã khai mạc, các nước Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc cử tàu chủ lực, Ấn Độ cử tàu đổ bộ xe tăng, Việt Nam cử tàu tên lửa.

Diễn tập ADMM+ đã khai mạc

Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 3/5 cho hay, từ ngày 2 – 12/5, cuộc Diễn tập thực địa ADMM+ về Chống khủng bố và An ninh hàng hải 2016 được tổ chức ở Brunei, Singapore và vùng biển giữa hai nước. Khoa mục diễn tập bao gồm huấn luyện liên hợp, hành động biên đội, hộ tống, tìm kiếm trên biển, hỗ trợ hạ cánh máy bay trực thăng, chống khủng bố.

Tư lệnh Quân đội Brunei phát biểu tại Lễ khai mạc cuộc diễn tập ADMM+ về Chống khủng bố và An ninh hàng hải ngày 3/5/2016. Nguồn ảnh: qdnd.vn
Tư lệnh Quân đội Brunei phát biểu tại Lễ khai mạc cuộc diễn tập ADMM+ về Chống khủng bố và An ninh hàng hải ngày 3/5/2016. Nguồn ảnh: qdnd.vn

Trong cuộc diễn tập này, ngoài Myanmar và Lào không điều thực binh tham gia, các nước thành viên còn lại của ADMM+ đều cử thực binh tham gia, tổng binh lực trên 3.000 người, khoảng 18 tàu chiến, 17 máy bay trực thăng, 2 máy bay tuần tra biển và nhiều đội đặc nhiệm tham gia.

Quân đội Trung Quốc cử tàu khu trục tên lửa Lan Châu, 12 binh sĩ đặc nhiệm và 4 cán bộ tham mưu tham gia. Tàu chỉ huy do tàu chiến của Brunei đảm nhiệm. Cuộc diễn tập liên hợp lần này do Brunei và Singapore đồng tổ chức. Đây là cuộc diễn tập liên hợp thực binh trên biển ADMM+ lần thứ hai.

Các lực lượng tham gia diễn tập được chia làm 3 nhóm chiến thuật. Nhóm chiến thuật TG 383.1 gồm tàu chiến các nước Brunei, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ. Nhóm chiến thuật TG 383.2 gồm tàu chiến các nước Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Nga, Thái Lan, Việt Nam. Nhóm chiến thuật TG 383.3 gồm 2 máy bay tuần thám biển là máy bay P-3C Orion của Australia và máy bay P-8 Poseidon của Mỹ.

Cuộc diễn tập ADMM+ này đã được khai mạc ở Trung tâm điều phối quốc gia Muara, Brunei vào sáng ngày 3/5/2016. Dự lễ có đại diện các lực lượng và Đại sứ 18 quốc gia trong khuôn khổ ADMM+.

Đánh giá về ý định tham gia cuộc diễn tập này của các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, các nước này đều đang sử dụng các tuyến đường hàng hải ở khu vực này. Trong khi đó, hoạt động cướp biển và khủng bố ở khu vực này lan tràn.

Vì vậy, các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cũng rất quan tâm tới khu vực này. Doãn Trác cho rằng, tham gia cuộc diễn tập quân sự liên hợp trên biển lần này có thể giúp Trung Quốc tăng cường năng lực tác chiến hiệp đồng.

Điểm mặt một số tàu chiến tham gia diễn tập

Nhân Dân nhật báo đã giới thiệu về tàu khu trục Lan Châu số hiệu 170, Type 052C, thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.

Trong khi đó, trang tin quân sự (81.cn) Trung Quốc lại giới thiệu tàu chiến một số nước như: tàu khu trục USS Stethem DDG-63 Hải quân Mỹ, tàu khu trục săn ngầm cỡ lớn Đô đốc Vinogradov 572 Hải quân Nga, tàu khu trục thông dụng ROKS Choi Young DDH-981 Hải quân Hàn Quốc, tàu đổ bộ INS Airavat L24 Hải quân Ấn Độ và tàu tên lửa HQ-381 Hải quân Việt Nam.

Tàu khu trục Lan Châu số hiệu 170 Type 052C, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Nguồn ảnh: Internet Trung Quốc
Tàu khu trục Lan Châu số hiệu 170 Type 052C, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Nguồn ảnh: Internet Trung Quốc

Tàu khu trục Lan Châu Trung Quốc

Tàu khu trục tên lửa Lan Châu được gọi là Aegis Trung Hoa. Nó hạ thủy ngày 29/4/2003, biên chế ngày 4/7/2004. Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, loại tàu này tương đối lớn, khả năng chạy liên tục khá lâu, thích hợp cho tham gia diễn tập liên hợp thời gian dài.

Tàu này lượng giãn nước 7.000 tấn, tốc độ khoảng 30 hải lý/giờ; trang bị radar mảng pha, phạm vi kiểm soát vùng trời lớn, có thể theo dõi các mục tiêu siêu thấp hoặc tầm cao trong phạm vi vài trăm mét, đồng thời có năng lực phòng không, chống hạm, đánh chặn tên lửa khá mạnh.

Ngoài ra, tàu Lan Châu có hệ thống hỏa pháo hoàn thiện, trang bị pháo cỡ trung bình và nhỏ, khả năng tấn công mạnh đối với các mục tiêu trên mặt biển và trên không.

Tàu này có 2 bệ phóng 4 nòng tên lửa chống hạm mới; 2 hệ thống phóng thẳng đứng tên lửa phòng không HHQ-9, 1 pháo chính nòng đơn 100 mm; 2 pháo phòng thủ gần 7 nòng 30 mm; 4 máy phóng đa dụng 3x6; 2 ống phóng ngư lôi với 3 nòng 324 mm; 1 máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28.

Là trang bị tác chiến khá lớn, tàu Lan Châu có thể đáp ứng nhu cầu huấn luyện và sinh hoạt của 2 phân đội đặc nhiệm. Năng lực thông tin của tàu mạnh, được trang bị hệ thống liên kết dữ liệu, có thể sử dụng các kênh quốc tế để liên lạc với quân đội các nước.

Tàu khu trục tên lửa USS Stethem DDG-63 Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: picssr.com
Tàu khu trục tên lửa USS Stethem DDG-63 Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: picssr.com

Tàu khu trục Stethem DDG-63 Mỹ

Tàu khu trục Stethem DDG-63 thuộc biên chế của trung đội tàu khu trục 15, Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, thuộc Type Flight I A lớp Arleigh-Burke, một loại tàu khu trục chủ lực của Hải quân Mỹ, là phiên bản sản xuất sớm của lớp Arleigh-Burke, là tàu phòng không Aegis.

Tàu này lấy hệ thống Aegis làm trung tâm, vũ khí trang bị chủ yếu có 96 ống phóng thẳng đứng tên lửa Mk41, 1 khẩu pháo Mk45 127 mm, 2 bệ phóng 4 nòng tên lửa Harpoon và 2 hệ thống phòng thủ gần Phalanx.

Là tàu khu trục chủ lực của Quân đội Mỹ, tàu lớp Arleigh-Burke có chức năng toàn diện, năng lực tác chiến mạnh. Về phòng không, tên lửa hạm đối không SM phối hợp với hệ thống phòng thủ gần Phalanx, hình thành mạng lưới phòng không hai tầng.

Về tấn công đối hải, tàu này có tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa săn ngầm ASROC, ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ Mk46 (phóng từ ống phóng ngư lôi Mk32).

Về tấn công đối đất, chủ lực là tên lửa hành trình tấn công đối đất tầm xa Tomahawk, ngoài ra còn được yểm trợ bởi pháo Mk45 127 mm – loại pháo này vừa có khả năng tấn công đối đất vừa có khả năng tấn công đối hải.

Như vậy, lớp Arleigh-Burke là tàu chiến chủ lực của Hải quân Mỹ hiện nay và trong thời gian tới, tính năng trên các mặt đều cân bằng và mạnh, đặc biệt, năng lực phòng không và tấn công đối đất tương đối nổi trội, hệ thống Aegis tiên tiến và tên lửa Tomahawk tầm xa của nó đã đem lại khả năng tác chiến mạnh vượt xa tàu khu trục thông thường của các nước khác.

Type Flight I A do không có nhà chứa máy bay, năng lực săn ngầm tương đối yếu so với các phiên bản sau này. Trong tình hình phiên bản chống hạm Tomahawk lần lượt bị hủy bỏ và LRASM chưa biên chế, năng lực tấn công tàu mặt nước của tàu này cũng chỉ ở trình độ bình thường.

Nhưng nói chung đây vẫn là một trong những tàu chiến có sức chiến đấu mạnh nhất của cuộc diễn tập liên hợp lần này.

Tàu khu trục săn ngầm cỡ lớn Admiral Vinogradov, Hải quân Nga. Nguồn ảnh: 81.cn
Tàu khu trục săn ngầm cỡ lớn Admiral Vinogradov, Hải quân Nga. Nguồn ảnh: 81.cn

Tàu săn ngầm cỡ lớn Đô đốc Vinogradov Nga

Tàu săn ngầm cỡ lớn Đô đốc Vinogradov của Hải quân Nga tham gia cuộc diễn tập này đang phục vụ cho Hạm đội Thái Bình Dương Nga, thuộc tàu săn ngầm cỡ lớn lớp Udaloy Type 1155. Tàu lớp này là tàu khu trục săn ngầm cỡ lớn chuyên dụng được Hải quân Liên Xô bắt đầu chế tạo từ cuối thập niên 1980.

Vũ khí trang bị của tàu này chủ yếu gồm 2 khẩu pháo AK-100 100 mm, 2 bệ phóng 4 nòng tên lửa săn ngầm SS-N-14, 2 ống phóng 4 nòng ngư lôi 533 mm, 2 hệ thống rocket săn ngầm RBU6000, 4 hệ thống phòng thủ gần AK630, 4 hệ thống 8 nòng tên lửa hạm đối không tầm gần SA-N-9.

Ngoài ra, do nhu cầu săn ngầm, tàu lớp này còn có nhà chứa hai máy bay, có thể chở 2 máy bay trực thăng Ka-25/27.

Là một tàu khu trục săn ngầm cỡ lớn chuyên dụng, vũ khí trang bị chính của tàu này đều tập trung cho săn ngầm. Do không có hệ thống phóng thẳng đứng thông dụng tương tự Mk41, các loại vũ khí đều độc lập triển khai, vũ khí trên tàu được bố trí dày đặc.

Tàu này sử dụng thiết bị định vị thủy âm kéo ở độ sâu khác nhau và thiết bị định vị thủy âm ở vỏ tàu, tạo thành hệ thống dò tìm của tàu này, ngoài ra còn được hỗ trợ bởi máy bay trực thăng săn ngầm.

Trong các vũ khí chính có tên lửa săn ngầm SA-N-14 dùng để săn ngầm cự ly trung bình và xa; đồng thời đã lắp ngư lôi hạng nặng 533 mm ít gặp ở tàu khu trục hiện đại. Săn ngầm tầm gần còn có bệ phóng rocket săn ngầm RBU6000.

Tuy nhiên, tàu này không được trang bị thiết bị định vị thủy âm gắn trên cáp kéo, khả năng dò tìm cự ly xa còn yếu. Hơn nữa, tên lửa săn ngầm không linh hoạt như ASROC.

Về phòng không, tàu này chỉ trang bị tên lửa hạm đối không SA-N-9 tầm gần và pháo phòng thủ gần AK630. Về đối đất cũng thiếu vũ khí tấn công có hiệu quả.

Nói chung, đây là một loại tàu khu trục săn ngầm chuyên dụng cỡ lớn được Liên Xô chế tạo vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay rất nhiều tính năng đã không còn lý tưởng, tính năng săn ngầm cũng có thiếu sót; nhưng vẫn là chủ lực của đội tàu khu trục Quân đội Nga. Tình hình hiện nay của đội tàu khu trục Nga có liên quan đến chi tiêu quân sự của Nga tương đối căng thẳng.

Tàu khu trục thông dụng ROKS Choi Young DDH-981 Hải quân Hàn Quốc. Nguồn ảnh: 81.cn
Tàu khu trục thông dụng ROKS Choi Young DDH-981 Hải quân Hàn Quốc. Nguồn ảnh: 81.cn

Tàu khu trục ROKS Choi Young DDH-981

ROKS Choi Young DDH-981 là tàu khu trục thông dụng hạ thủy năm 2006, là chiếc thứ 6 của lớp Chungmugong Yi Sun-sin KDX-2, là chiếc hạ thủy muộn nhất trong số các tàu chiến mặt nước tham gia cuộc diễn tập lần này.

Là một loại tàu khu trục thông dụng, nên tính năng của nó tương đối cân bằng, tuy không bằng lớp Arleigh-Burke của Mỹ và Type 052C/D của Trung Quốc, nhưng ít nhất nhìn vào vũ khí trang bị, nó là một tàu khu trục có tính năng tổng hợp tương đối mạnh.

Vũ khí trang bị chủ yếu gồm có một khẩu pháo Mk45 127 mm (lô pháo này là Mod 4 lần đầu tiên xuất khẩu của Mỹ), 4 hệ thống với 32 ống phóng thẳng đứng Mk41, 4 bệ phóng tên lửa chống hạm, 2 máy phóng ngư lôi 4 nòng và vũ khí phòng thủ gần (1 khẩu RAM và 1 khẩu Goalkeeper).

Trang bị của tàu lớp KDX-2 phần lớn là hàng Mỹ như pháo Mk45, hệ thống bắn thẳng đứng Mk41, tên lửa chống hạm Harpoon, máy phóng ngư lôi Mk32. Còn có một lượng nhỏ trang bị châu Âu như pháo phòng thủ gần Goalkeeper và radar MW-08 trên đỉnh cột buồm chính.

Do không có hệ thống Aegis, năng lực tác chiến phòng không không được tiên tiến, nhưng nhờ những nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua của Hàn Quốc, chủng loại vũ khí tương đối phong phú. Hệ thống bắn thẳng đứng của tàu này ngoài tên lửa hạm đối không dòng SM, còn có tên lửa săn ngầm và tên lửa hành trình tấn công đối đất tự nghiên cứu phát triển.

Mỹ tiến hành kiểm soát nhất định đối với việc xuất khẩu vũ khí trang bị, chẳng hạn tàu Aegis phiên bản Nhật Bản bất kể là lớp Kongo hay lớp Atago đều không có năng lực phóng tên lửa hành trình tấn công đối đất tầm xa Tomahawk. Mỹ cũng không xuất khẩu Tomahawk cho Hàn Quốc.

Vì vậy, nếu Hàn Quốc có thể đưa tên lửa tự sản xuất vào hệ thống tác chiến của tàu chiến một cách thành công, sẽ đạt được tiến bộ tương đối lớn về mặt “đa dụng” (nhiều công dụng).

Tóm lại, đây là một loại tàu khu trục thông dụng tương đối cân bằng, không có đặc điểm đặc biệt nổi trội, cũng không có khuyết điểm lớn lắm. Việc chế tạo và cải tiến tàu lớp này là một bước đi vững chắc để Hải quân Hàn Quốc phát triển theo hướng hiện đại.

Tàu đổ bộ xe tăng INS Airavat L24 Hải quân Ấn Độ. Nguồn ảnh: 81.cn
Tàu đổ bộ xe tăng INS Airavat L24 Hải quân Ấn Độ. Nguồn ảnh: 81.cn

Tàu đổ bộ INS Airavat Ấn Độ

Lần này, Hải quân Ấn Độ đã cử tàu đổ bộ INS Airavat L24 tham gia diễn tập. INS Airavat thuộc Hạm đội miền Đông, Hải quân Ấn Độ, là chiếc tàu đổ bộ thứ ba lớp Shardul, hạ thủy năm 2008, biên chế năm 2009. Đây là tàu đổ bộ xe tăng tương đối truyền thống, lớp 6.000 tấn, tiến hành đổ bộ đoạt bờ biển.

Theo tờ tuần san Jane's Defense Weekly tháng 2/2014, vào ngày 30/1/2014, chiếc tàu đổ bộ xe tăng như vậy đã mắc cạn khi quay trở về cảng, chân vịt bị hư hại nghiêm trọng. Sau sự việc này, chỉ huy tàu đã bị cách chức.

Được biết, tàu này có tốc độ khoảng 16 hải lý/giờ, vũ khí trang bị cố định gồm có máy phóng rocket, pháo chính 30 mm. Năm 2011, tàu này từng đến thăm các nước Việt Nam, Campuchia; lần này lại đến Biển Đông, cho thấy Hải quân Ấn Độ tin tưởng đối với chiếc tàu này.

Tàu tên lửa HQ-381 của Hải quân Việt Nam. Nguồn ảnh: 81.cn
Tàu tên lửa HQ-381 của Hải quân Việt Nam. Nguồn ảnh: 81.cn

Tàu tên lửa HQ-381 Việt Nam

Việt Nam đã cử tàu tên lửa HQ-381 Type BSP-500 tham gia cuộc diễn tập này. Tàu lớp này hạ thủy năm 2000, chỉ chế tạo 1 chiếc. Đây là phương án hợp tác giữa Việt-Nga.

Được biết, ban đầu hai bên có kế hoạch tiếp tục chế tạo. Nhưng sau đó, do nhập khẩu và chế tạo hàng loạt tàu tên lửa 12418 Molniya và tàu hộ vệ hạng nhẹ 11661E Gepard 3.9 hoặc do nguyên nhân khác, kế hoạch này đã bị từ bỏ.

Có quan điểm cho hay, sau năm 2012, tàu HQ-382 được chế tạo tại Nga. Nhưng rất có thể đã không phải là BPS-500, mà là phiên bản tiếp theo của 12418.

Trang bị chính của tàu này gồm có 1 pháo bắn nhanh AK-176 76 mm, 2 bệ phóng 4 nòng tên lửa chống hạm SS-N-25 (Kh-35 Uran), 1 bệ phóng tên lửa phòng không vác vai SA-18 (9K38). Loại tàu tên lửa này được thiết kế tương đối đơn giản, vũ khí trang bị tương đối ít, Nhân Dân nhật báo bình luận.

Tổng quan tàu chiến các nước tham gia cuộc diễn tập lần này, chúng đều không phải là tàu chiến tiên tiến nhất của họ. Nhưng, các nước Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc đều điều tới tàu chiến chủ lực, Ấn Độ điều 1 tàu đổ bộ xe tăng truyền thống, còn Việt Nam điều 1 tàu tuần tra tên lửa tham gia. 

Đông Bình