Hiệp hội góp ý về Dự thảo quy chế mới đào tạo Tiến sỹ

09/08/2016 17:07
Linh Hương
(GDVN) - Ngày 5/8, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam gửi Bộ GD&ĐT văn bản số 74/HH-VP góp ý kiến về Dự thảo quy chế mới đào tạo Tiến sỹ.

Trước đó, Hiệp hội đã nhận được giấy mời và cử người tham dự cuộc họp góp ý về “Dự thảo quy chế mới đào tạo Tiến sỹ” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 27/7/2016. 

Sau khi nghe thảo luận, kết luận của Thứ trưởng Bùi Văn Ga về bản Dự thảo, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có góp ý kiến. 

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chỉ nêu những điều bổ sung, hoặc bàn luận, hoặc có ý kiến khác với Dự thảo. Những điều không nhắc đến có nghĩa là đồng ý với Dự thảo.

Hiệp hội góp ý về Dự thảo quy chế mới đào tạo Tiến sỹ
Hiệp hội góp ý về Dự thảo quy chế mới đào tạo Tiến sỹ

Những góp ý cụ thể của Hiệp hội về Dự thảo quy chế mới như sau: 

Điều 4. Điều kiện dự tuyển

- Người đã có trình độ thạc sỹ.

- Người đã tốt nghiệp cử nhân xuất sắc hoặc có tích lũy tốt trong quá trình hoạt động chuyên môn tương ứng ngành đào tạo.

Điều 5. Hồ sơ dự tuyển

- Mục 4. Đề cương nghiên cứu, nên bỏ “tóm tắt” vì Đề cương phải đầy đủ, dài ngắn tùy theo vốn liếng của thí sinh đối với đề tài dự định nghiên cứu.

- Sau mục 4 nên thêm “Bài báo /Các bài báo đã công bố” vào Hồ sơ.

Điều 8. Chương trình đào tạo:

- Mục 2. Mục tiêu chương trình đào tạo tiến sỹ, sau câu “nâng cao kiến thức cơ bản… có kiến thức rộng về các ngành liên quan” cần bổ sung thêm “nâng cao phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung và phương pháp nghiên cứu đặc thù của ngành”;

Hiệp hội góp ý về Dự thảo quy chế mới đào tạo Tiến sỹ  ảnh 2

Bộ Giáo dục rà soát cơ sở đào tạo tiến sĩ

(GDVN) - Theo công văn 2670/BGDĐT-GDĐH, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo tiến sĩ từ năm 2013 đến nay.

- Mục 5. Dòng 2: Thay “Phương pháp luận nghiên cứu” bằng “phương pháp nghiên cứu”;

- Mục 8. Dòng 3: Thay “có đóng góp đối với lý luận và thực tiễn” bằng “có đóng góp mới đối với khoa học” bởi vì các đề tài nghiên cứu cơ bản thuần túy, có thể đánh giá được giá trị lý luận nhưng chưa thể thấy giá trị thực tiễn, cho nên cách diễn đạt trên là không phù hợp.

Điều 9. Tổ chức đào tạo:

- Mục 1. Như đã góp ý Điều 4 ở trên, không nên phân biệt thời gian đào tạo theo đầu vào, mà nên phân biệt thời gian đào tạo theo hình thức đào tạo nêu ở Mục 2. bên dưới;

- Mục 2. Hình thức đào tạo phải là chính quy tập trung, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không tập trung toàn bộ thời gian 36 tháng thì tối thiểu phải tập trung nghiên cứu sinh 4 tháng mỗi năm (4 X 3= 12 tháng) tại cơ sở đào tạo.

Đối với nghiên cứu sinh là giảng viên/nghiên cứu viên của cơ sở đào tạo và nghiên cứu đề tài thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ sở đó thì có thể “vừa làm vừa nghiên cứu” và thời gian đào tạo có thể là 5 năm.

Nếu nghiên cứu sinh  xuất sắc hoàn thành sớm các yêu cầu thì có thể xét cho bảo vệ sớm.

Điều 10. Quản lý đào tạo.

Mục 3.Quản lý người hướng dẫn.

Nên tạo điều kiện cho các tiến sỹ chóng tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh , không phân biệt bằng chức danh mà bằng thành tích khoa học, vì đã có không ít Tiến sỹ trẻ, giỏi ngoại ngữ, chóng tiếp cận với khoa học quốc tế và có nhiều công bố quốc tế.

Nếu Tiến sỹ có 10 công bố, trong đó có 2 công bố ở các tạp chí thuộc ISI thì có thể độc lập hướng dẫn nghiên cứu sinh .

Điều 16. Yêu cầu đối với Luận án Tiến sỹ


- Mục 6. a) Mở đầu cần nêu lý do, mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, ý nghĩa khoa học (Không cần “thực tiễn” như đã góp ý về Mục 8, Điều 8). Cần thêm mục về phương pháp nghiên cứu vì trong khoa học điều quan trọng không phải là nghiên cứu cái gì mà là nghiên cứu bằng cách nào.

- Sau d) phải có mục về các công trình nghiên cứu sinh đã công bố.

Điều 17. Đánh giá Luận án ở đơn vị chuyên môn.

- Nên có quy định cụ thể về Hội đồng đánh giá Luận án. Vì thế chúng tôi tán thành Phương án 2.

- Đề nghị có người hướng dẫn trong Hội đồng bảo vệ Luận án các cấp vì: a) Điều đó mới phù hợp với nguyên tắc đánh giá trong giáo dục b) Người hướng dẫn giúp Hội đồng hiểu thêm về ý tưởng và nội dung, phương pháp tiến hành của Luận án. Điều đó không làm mất tính khách quan của đánh giá vì người hướng dẫn chỉ là 1/7 thành viên. Trong trường hợp Luận án chưa đạt yêu cầu thì người hướng dẫn có đủ tư cách và trình độ để chấp nhận điều đó.

Điều 18. Phản biện độc lập

Không cần chỉ định Phản biện độc lập đối với mọi Luận án. Chỉ cử Phản biện độc lập khi nhận thấy Luận có nghi vấn và do Thủ trưởng cơ quan đào tạo quyết định có cần Phản biện độc lập hay không.

Điều 20. Hội đồng đánh giá Luận án

Như đã góp ý ở trên, Hội đồng đánh giá luận án cần có người hướng dẫn và số lượng thành viên là 7 người.

Điều 21. Bảo vệ Luận án ở trường/viện

Mục 1. d) Đề nghị điều chỉnh thành: (tán thành) Luận án được thông qua khi có trên 2/3 thành viên tán thành (tức từ 5/7 thành viên trở lên).

- Cần bổ sung điều khoản về kinh phí đào tạo tiến sỹ và cách sử dụng kinh phí đó cho nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và cơ sở đào tạo để thực hiện quy trình đào tạo.

Linh Hương