Hiệp hội kiến nghị nội dung sửa luật tới các lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước

20/10/2017 07:12
Linh Hương
(GDVN) - Ngày 19/10, Hiệp hội chính thức gửi công văn kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều của các luật về giáo dục tới các lãnh đạo cao cấp Đảng và Nhà nước.

Trong công văn, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu rõ, được biết trong năm 2018 Quốc hội sẽ bàn về việc sửa đổi và bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trên cơ sở tập hợp ý kiến rộng rãi của các trường thành viên, xin được kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết số 29/NQ-TW của Hội nghị 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ban hành đã gần 4 năm.

Tuy nhiên, đến nay nhiều nội dung quan trọng của nghị quyết vẫn chưa đi được vào cuộc sống do vướng với khá nhiều các qui định đã không còn phù hợp ở các luật về giáo dục, bao gồm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. 

Ngày 19/10, Hiệp hội chính thức gửi công văn kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều của các luật về giáo dục tới các lãnh đạo cao cấp Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Báo Người lao động)
Ngày 19/10, Hiệp hội chính thức gửi công văn kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều của các luật về giáo dục tới các lãnh đạo cao cấp Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Báo Người lao động)

Những vướng mắc này chủ yếu rơi vào ba cụm vấn đề: 

1) Hệ thống giáo dục quốc dân.

2) Quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo.
3) Trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục. 

Điều đặc biệt lo lắng Hệ thống giáo dục quốc dân thể hiện ở các luật về giáo dục hiện hành bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết mà nếu không được sửa kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai gần của giáo dục Việt Nam, tới cơ cấu nguồn nhân lực của Việt Nam cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 

Trước hết, phải nói hệ thống đó đi ngược lại một loạt định hướng quan trọng của Nghị quyết 29 như: 

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; 

Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương; 

Định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; 

Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng – thực hành; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. 

Hiệp hội kiến nghị nội dung sửa luật tới các lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ảnh 2

Hiệp hội góp ý về dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77

Do vậy để tháo gỡ những vướng mắc đang gặp khi triển khai Nghị quyết 29 cần sớm bổ sung, sửa chữa các luật này.

Thứ hai, trong việc bổ sung, sửa đổi các luật về giáo dục cần lưu ý lĩnh vực giáo dục và đào tạo lại đồng thời chịu sự điều chỉnh của cả 3 luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp

Để tránh sự bất nhất ở cả 3 luật điều chỉnh thì logic tất yếu là Luật Giáo dục cần phải được chỉnh sửa trước để định hướng cho việc chỉnh sửa tiếp theo của các luật giáo dục chuyên ngành. 

Ít ra là phải sửa đổi cùng một lúc với sự xem xét đồng bộ nhất quán. Việc chỉnh sửa độc lập tách biệt cả 3 luật là không hợp lý, lại càng không thể chấp nhận việc sửa đổi các luật “chuyên ngành” trước "luật mẹ" (tức Luật Giáo dục) như đã từng làm thời gian qua.

Những căn cứ để tiến hành chỉnh sửa các luật về giáo dục phải là:

- Kết quả điều tra và báo cáo về tác động của các luật.

- Những quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 29/NQ-TW và các nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội và Chính phủ (thí dụ Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính Phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020).

- Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 (do UNESCO ban hành và có hiệu lực trên toàn thế giới từ năm 2014).

Thứ ba, để Nghị quyết 29/NQ-TW sớm đi vào cuộc sống, hệ thống giáo dục quốc dân ở Luật Giáo dục cần được sửa đổi như sau:

Hệ thống giáo dục quốc dân phải là một hệ thống giáo dục mở, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

a) Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo;

b) Giáo dục tiểu học;

c) Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần. Trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp.

Hiệp hội kiến nghị nội dung sửa luật tới các lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ảnh 3

“Cả Bộ Công thương chỉ có Bộ trưởng đủ điều kiện làm Chủ tịch Hội đồng trường”

d) Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp.

e) Giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Từ những nội dung nêu trên, Hiệp hội cho rằng, để sửa chữa những khiếm khuyết của các luật về giáo dục, trước hết cần điều chỉnh lại kết cấu của các dự luật, bổ sung nhiều nội dung mới cũng như sửa chữa những nội dung không chính xác. 

Công việc đó không thể chỉ cần một vài tháng với một vài chuyên gia. Do vậy, Hiệp hội đề nghị các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo Ban soạn thảo một mặt cần khẩn trương làm việc nhưng mặt khác phải hết sức thận trọng và lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi trong khi chuẩn bị các Dự thảo các Luật về giáo dục sửa đổi này.

Linh Hương