Giờ đây, nhiều thư viện trong nhà trường tủ sách dùng chung đã mốc meo

19/09/2018 07:15
Phan Tuyết
(GDVN) - Một lần nữa nhiều thầy cô lại chứng kiến cảnh hàng ngàn bộ sách VNEN, sách Anh văn nằm chình ình trên giá trong thư viện chẳng ai buồn ngó.

LTS: Trước tình trạng những tủ sách dùng chung trong thư viện nhà trường đã mốc meo gây nên sự lãng phí rất lớn, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Từ nhiều năm nay, các trường học trên địa bàn thị xã La Gi đều thành lập một tủ sách dùng chung cho học sinh có nhu cầu mượn học.

Tủ sách được huy động từ nhiều nguồn do học sinh cũ tặng, phụ huynh cho, giáo viên đi quyên góp…

Cứ vào cuối năm học, tủ sách lại đầy thêm những bộ sách giáo khoa cũ nhưng vẫn còn học tốt.

Giờ đây, nhiều thư viện trong nhà trường tủ sách dùng chung đã mốc meo ảnh 1Sách VNEN cùng câu chuyện buồn của chị mua đồng nát

Nhà trường sẽ thống kê sách và đưa về các lớp cho học sinh mượn. Do số lượng nhiều nên có lớp gần như em nào cũng được mượn sách học.

Một bộ sách giáo khoa hiện hành dù chưa tới 100 ngàn đồng nhưng không ít gia đình nghèo khó có vài ba con đi học cũng đã tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng.

Nếu tính một trường, một huyện thị thì số tiết kiệm ấy là một con số không hề nhỏ.

Vài năm trở lại đây, nhiều trường học nơi đây học theo mô hình trường học mới VNEN, tủ sách dùng chung (chủ yếu sách hiện hành) đã chẳng ai còn dùng nữa.

Giáo viên chứng kiến cảnh mùa tựu trường nhiều phụ huynh chạy đôn đáo, tất tả vay mượn hàng triệu đồng chỉ để mua sách cho các con.

Trong khi hàng ngàn bộ sách giáo khoa bỏ đi (nhiều bộ còn mới như nguyên) chỉ để bán đồng nát mà cảm thấy xót xa.

Thương học trò nghèo, quặn lòng vì nhiều gia đình phải bòn mót từng đồng bạc lẻ, phải vay mượn tiền để mua sách cho con.

Nhiều thầy cô giáo lại nuôi ý định đi xin, đi huy động sách cũ về gây dựng lại tủ sách dùng chung và tủ sách bắt đầu xuất hiện những bộ sách VNEN.

Giờ đây, nhiều thư viện trong nhà trường tủ sách dùng chung đã mốc meo ảnh 2Năm nào cũng in lại sách giáo khoa, những con số biết nói

Nhiều giáo viên nhẩm tính, cứ thế này chỉ vài năm sau tủ sách dùng chung trong nhà trường lại sẽ đầy những bộ sách VNEN cũ và học trò nghèo sẽ không còn mất số tiền lớn để mua sách.

Bên cạnh đó, một số trường may mắn được nằm trong dự án VNEN nên sách VNEN được cấp về năm đầu tiên hoàn toàn miễn phí. Học sinh ở những ngôi trường này cũng được học sách một cách miễn phí.

Nhưng niềm vui chẳng tày gang, năm nào sách giáo khoa cũng có sự thay đổi ít nhiều. Đầu tiên là thay sách Tin học rồi sách Anh văn.

Mỗi năm chỉnh sửa một ít, có năm lại thay đổi giáo trình dạy. Phụ huynh vẫn cứ phải bỏ tiền để chạy theo những đổi thay bất thường ấy.

Chưa hết, năm học này được lệnh trên, những bộ sách VNEN phải bỏ hết để mua sách mới vì sách đã được chỉnh sửa và thay đổi mẫu mã.

Nhiều chương trình học Anh văn thí điểm cũng ào ào đổ bộ vào các trường. Thế là một lần nữa nhiều thầy cô lại chứng kiến cảnh hàng ngàn bộ sách VNEN, sách Anh văn nằm chình ình trên giá trong thư viện chẳng ai buồn ngó.

Trong khi nhiều phụ huynh lại tất tả, ngược xuôi kiếm từng hào bạc lẻ sao cho đủ vài trăm ngàn mua cho con bộ sách khác.

Và số phận những bộ sách giáo khoa VNEN mới vừa mua trong năm học này cũng chẳng khác gì những bộ sách VNEN cũ. Chắc chắn chúng cũng sẽ “chết yểu” vì thời gian thay sách đã cận kề.

Tủ sách dùng chung đã mốc meo (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp).
Tủ sách dùng chung đã mốc meo (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp).

Chúng tôi đã lấy hai bộ sách trước và sau khi chỉnh sửa để so sánh.

Điểm khác lớn nhất chỉ về hình thức (sách cũ mỗi môn 4 cuốn giờ còn hai). Về nội dung gần như chẳng khác gì, có chăng chỉ bớt vài từ này thay bằng vài từ khác lấy lệ. Hoặc vẫn là nội dung ấy nhưng chỉ thay đổi một vài câu lệnh, bỏ đi một số câu hỏi không đáng kể.

Vì tiếc, vì xót, vì thương cho nhiều phụ huynh phải nhịn ăn, nhịn mặc, phải mất số tiền oan bỏ ra mua sách VNEN mới. Chúng tôi lại càng thấy giận, thấy phẫn nộ cho những kiểu làm tiền trắng trợn như thế.

Phan Tuyết