0,58 điểm/môn đỗ lớp 10, tốt nghiệp trên 92%, số nào phản ánh chất lượng thật?

25/05/2021 06:51
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu nhìn vào điểm trúng tuyển của nhiều trường trung học phổ thông trong những năm qua thì sẽ có người ái ngại về chất lượng dạy và học của nhiều trường học.

Có lẽ trong muôn vàn các kỳ thi hiện nay của ngành giáo dục được tổ chức hàng năm thì kỳ thi tuyển sinh 10 được xem là kỳ thi nghiêm túc, trung thực và khách quan nhất. Nó phản ánh đầy đủ nhất những ưu điểm, hạn chế về chất lượng dạy và học ở các nhà trường.

Cũng chính vì đây là một kỳ thi trung thực nhất nên kỳ thi này có điểm số không cao, trừ các trường chuyên, trường điểm lấy điểm dao động khoảng trên dưới 7 điểm/môn ra thì các trường còn lại phần lớn là lấy điểm dưới trung bình.

Có điều, để đạt được những điểm số đó thì học sinh lớp 9 đã phải học ngày, học đêm, học trên trường, học ở nhà thầy cô giáo, học ở nhà mình ròng rã nhiều tháng trời mới đạt được.

Điều đặc biệt nữa là các Sở, Phòng Giáo dục ở các địa phương đều chỉ đạo các trường trung học cơ sở phải kết thúc chương trình lớp 9 trước khoảng hơn 1 tháng so với các khối học khác để tập trung ôn tuyển sinh 10.

Điểm thi tuyển sinh 10 phản ánh rõ nhất về chất lượng dạy và học (Ảnh minh họa: TTXVN)
Điểm thi tuyển sinh 10 phản ánh rõ nhất về chất lượng dạy và học (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khi các trường dạy thật, học thật và thi thật

Hai năm nay, cho dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành liên tục, học sinh ở nhiều địa phương phải nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch bệnh. Thế nhưng, học sinh lớp 9 và lớp 12 luôn được các Sở Giáo dục ưu tiên số 1 để tập trung tối đa cho việc dạy và học.

Khi dịch bệnh xảy ra, học sinh các khối khác thì có thể nhanh chóng được địa phương cho nghỉ học nhưng riêng với học sinh cuối cấp thì luôn được bố trí đến trường học tập trực tiếp. Nếu dịch bệnh căng quá thì mới triển khai học trực tuyến.

Việc học sinh lớp 9 được các địa phương quan tâm cũng là điều dễ hiểu vì các em phải đối mặt với kỳ thi tuyển sinh 10 do địa phương tổ chức hàng năm.

Như đầu bài viết, chúng tôi đã đề cập chuyện kỳ thi tuyển sinh 10 lâu nay vẫn được xem là kỳ thi trung thực và có phần căng thẳng nhất bởi học sinh lớp 12 có những địa phương coi thi, chấm chưa thực sự khách quan, thậm chí còn xảy ra tiêu cực như kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình…

Nhưng, đối với kỳ thi tuyển sinh 10 thì lại hoàn toàn khác, tính căng thẳng luôn hiện hữu qua mỗi kỳ thi bởi kỳ thi này có một đầu mối chỉ đạo, bài thi của học sinh đều tập trung về 1 Hội đồng để chấm thi và chấm tương đối kỹ lưỡng.

Điều đặc biệt là tính cạnh tranh của kỳ thi tuyển sinh 10 ở nhiều trường khu vực đô thị rất lớn. Chính vì thế, học sinh phải căng thẳng trong học tập, ôn thi thì mới có cơ hội để đậu.

Thế nhưng, dù được các địa phương chú trọng, các nhà trường, phụ huynh đầu tư rất nhiều, cộng với sự nỗ lực của bản thân mỗi học sinh nhưng điểm thi của kỳ thi tuyển sinh 10 thường …không cao, số học sinh có điểm giỏi rất ít, khác hoàn toàn với điểm số các em đạt được ở lớp 9.

Trong khi, đề thi tuyển 10 của các địa phương không phải là quá khó vì bao giờ người ra đề cũng phải tính toán đến sự phân hóa giữa những trường có điều kiện và những trường khó khăn để hướng học sinh tới điểm trung bình.

Điều đáng chú ý nữa là các địa phương tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 vào tháng 6 hoặc tháng 7 hàng năm nhưng học sinh lớp 9 thì đã kết thúc chương trình học từ giữa tháng Tư. Điều này cũng đồng nghĩa là học sinh có ít nhất là hơn 1 tháng chỉ ôn thi 3-4 môn học mà thôi.

Nhiều địa phương thi vào tháng 7 thì học sinh có tới hơn 2 tháng ôn tập. Nhiều em còn tập trung học thêm các môn thi từ đầu lớp 9. Khi làm hồ sơ dự thi thì phần lớn những em học sinh có học lực yếu hơn được nhà trường “động viên” phân luồng học trò chuyển sang học nghề.

Điều này có nghĩa là những em tham dự kỳ thi chủ yếu là những học sinh có học lực tốt nhất của lớp 9 ở các trường trung học cơ sở.

Học như vậy, ôn như vậy, lựa chọn kĩ càng là thế mà hàng năm sau mỗi kỳ thi thì chúng ta thấy tình trạng điểm 0, điểm liệt quá nhiều. Nhiều trường trung học phổ thông tuyển đầu vào lớp 10 ở mức điểm thấp bất ngờ.

Một số địa phương còn không dám thông tin bảng thống kê điểm thi đến báo chí mà chỉ âm thầm chuyển email nội bộ về các nhà trường khi mà việc tuyển sinh đã xong vì sợ báo chí vào cuộc khai thác.

Vì vậy, kỳ thi tuyển sinh 10 là kỳ thi phản ánh trung thực nhất, khách quan nhất về chất lượng “đầu ra” của cấp trung học cơ sở và “đầu vào” của cấp trung học phổ thông.

Và, nếu chúng ta nhìn vào điểm trúng tuyển của nhiều trường trung học phổ thông trong những năm qua thì sẽ có nhiều người sẽ ái ngại về chất lượng dạy và học hiện nay của nhiều trường học…!

Nghịch lý, nhìn từ kỳ thi tuyển sinh 10

Có một điều mà chúng tôi không cắt nghĩa được trong nhiều năm qua, đó là việc học sinh ở các nhà trường tiểu học thì khi kiểm tra cuối kỳ, phần nhiều học sinh đạt điểm 9, điểm 10 và nhận danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập”.

Học sinh cấp trung học cơ sở thì phần nhiều điểm trung bình môn đạt giỏi, điểm khá và đạt danh hiệu “Học sinh giỏi”; “Học sinh tiên tiến”, rất hiếm học sinh trung bình. Ngay cả điểm tổng kết cho học sinh lớp 9 cũng vậy.

Nhưng, chỉ sau 1-2 tháng được nhà trường ôn tập thì cũng chính những học sinh ấy không nhiều em đạt qua được điểm trung bình (5 điểm/môn)?

Vậy mà chỉ cần đậu lớp 10, vào học lớp 10 thì những học sinh ấy lại có sự tiến bộ vượt bậc, lại chủ yếu đạt được danh hiệu “Học sinh giỏi”; “Học sinh tiên tiến” vào cuối năm học để khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì điểm lại cao bất ngờ…

Như vậy, chúng ta nhìn thấy rất rõ sự bất cập trong vấn đề này. Rõ ràng, chất lượng giáo dục, cách đánh giá học tập đang có vấn đề và chuyện “dạy thật, thi thật, nhân tài thật” vẫn lẫn lộn với nhau.

Vì thế, để đánh giá chất lượng dạy hiện nay của các địa phương, có lẽ chúng ta nhìn vào điểm của kỳ thi tuyển sinh 10 là chính xác nhất, khách quan nhất.

Giá như, trong tất cả các kỳ kiểm tra ở các nhà trường, các kỳ thi tập trung mà Bộ, Sở, Phòng Giáo dục tổ chức được đánh giá đúng như kỳ thi tuyển sinh 10 thì chúng ta không phải nghĩ suy về chuyện dạy thật, học thật như bây giờ.

Chỉ tiếc, sự trung thực trong thi cử, trong đánh giá học trò hiện nay vẫn chưa được khách quan, trung thực bởi rất nhiều lý do ràng buộc khác nhau. Vì thế, chuyện “dạy thật, học thật, nhân tài thật” vẫn còn xa xôi và mông lung lắm…!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN