Sự việc 11 giảng viên của Khoa Hàn Quốc học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh gần như đồng thời nộp đơn xin nghỉ việc cùng nhau đã gây ra nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian vừa qua.
Nộp đơn xin nghỉ việc vì bức xúc cách điều hành của trưởng khoa
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, một nữ giảng viên đại diện nằm trong nhóm 11 người xin nghỉ việc cho biết (xin không nêu tên), trong nhóm giảng viên này người thì đã công tác tại khoa ít nhất là đã 5 năm, nhiều nhất là gần 20 năm muốn xin nghỉ việc vì bức xúc với cách điều hành của bà Nguyễn Thị Phương Mai – Trưởng khoa Hàn Quốc học.
Nữ giảng viên này nói: Từ khi bà Mai về Khoa Hàn Quốc học, bà đã có cách xử lý công việc chuyên quyền, thiếu dân chủ, không đúng nguyên tắc, quy định cũng như thiếu năng lực trong quản lý như không lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của giảng viên, không xem trọng công tác đảm bảo chất lượng của khoa, tuyển dụng giảng viên không đúng quy trình, thiếu tôn trọng giảng viên trong khoa…
Việc này đã khiến cho không khí làm việc trong khoa ngột ngạt, nhiều hoạt động và công việc của khoa bị đình trệ, không đảm bảo chất lượng mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc năng lực quản lý còn hạn chế, yếu kém.
Theo nữ giảng viên này, việc bổ nhiệm bà Mai lên làm vị trí trưởng khoa cũng được coi là “thần tốc”, khi chỉ mới về khoa năm 2016 thì đến năm 2018 đã được bổ nhiệm lên làm trưởng khoa. Bà Mai không có bất kỳ chứng chỉ nào về lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước nào cả.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L) |
Từ khi bà Mai lên làm Trưởng khoa Hàn Quốc học, giảng viên trong khoa không còn được làm việc dưới bầu không khí dân chủ, đoàn kết, giảng viên đóng góp ý kiến nhưng bà Mai không tiếp nhận, không lắng nghe mà còn dùng nhiều hình thức để trấn áp, thách thức tập thể, không tôn trọng đồng nghiệp cũng như vi phạm đạo đức nghề nghiệp cần có của trưởng khoa.
Trưởng khoa Hàn Quốc học bị phê bình
Thừa ủy quyền của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông, Quan hệ Doanh nghiệp nhà trường đã lần lượt trả lời những ý kiến bức xúc của các giảng viên khoa Hàn Quốc học.
Về quy trình bổ nhiệm bị cho là “thần tốc” của bà Phương Mai, Thạc sĩ Trần Nam nói: Việc bổ nhiệm này hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật.
Cụ thể: Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chung như về phẩm chất đạo đức, năng lực, độ tuổi, sức khỏe, bằng cấp, có đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học.
Tiến sĩ Phương Mai đã có kinh nghiệm quản lý ở vị trí trưởng bộ môn, phó trưởng khoa trước khi làm vị trí cao nhất của khoa này.
Trong buổi lấy phiếu tín nhiệm để giới thiệu vị trí trưởng khoa, bà Mai đạt số phiếu cao nhất của người lao động trong khoa Hàn Quốc học (trong số những người giới thiệu).
Quy trình bổ nhiệm, ra quyết định này thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng nhà trường, được triển khai công khai, minh bạch tới toàn thể người lao động của trường, dưới sự giám sát của các cấp có thẩm quyền của trường, của khoa.
Nhà trường áp dụng các văn bản đúng theo quy định của Nhà nước, của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Việc bổ nhiệm viên chức quản lý là thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng.
Về quy định bổ nhiệm mà Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu: trưởng khoa phải có ít nhất kinh nghiệm quản lý 3 năm trở lên ở cấp phòng, khoa mà bà Mai chưa đủ, Thạc sĩ Trần Nam đáp: Đây là quy định áp dụng cho các trưởng khoa trực thuộc, do Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm, chứ không phải là khoa trực thuộc trường, do hiệu trưởng bổ nhiệm.
Các quy định hiện hành việc bổ nhiệm trưởng khoa, căn cứ vào quy định của pháp luật và của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì không quy định về chứng chỉ, bằng cấp về mặt chính trị của giảng viên.
Với các giảng viên xin nghỉ việc, nhà trường đang và sẽ giải quyết theo đúng nguyện vọng của số giảng viên này, căn cứ vào đúng các quy định của Luật lao động và các luật, quy định khác có liên quan.
Dù vậy, thạc sĩ Trần Nam thừa nhận rằng: Trong quá trình lãnh đạo tại khoa của Tiến sĩ Phương Mai có nhiều điểm chưa phù hợp. Hiệu trưởng nhà trường đã có văn bản phê bình. Trưởng khoa cũng sẽ có điều chỉnh cho phù hợp.
Trả lời câu hỏi về việc trong nhiều lần đối thoại, gặp gỡ với nhà trường, nhóm giảng viên này đề nghị lấy phiếu tín nhiệm lại áp dụng cho Tiến sĩ Phương Mai, mà nhà trường không đồng ý, thạc sĩ Trần Nam giải thích: Khi giới thiệu bà Mai thì trường đã từng lấy phiếu tín nhiệm, và bà đạt tín nhiệm cao.
Hiện khoa Hàn Quốc học đang phát triển tốt, bà Phương Mai cũng đạt được các danh hiệu giảng viên giỏi, có sự bình bầu của tập thể đơn vị.
Trường nhận thấy hướng phát triển chuyên môn của Khoa Hàn Quốc học hiện nay là tốt, và sẽ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ để khoa phát triển hơn, nên việc lấy phiếu tín nhiệm hiện nay là chưa phù hợp.
Luật sư nói trường giải quyết chưa "thấu tình đạt lý"
Luật sư Phạm Hoài Nam – Hãng luật Giải Phóng sau khi nghe đầy đủ câu chuyện của 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học đã chia sẻ: Trong việc này, trường đã giải quyết theo đúng quy trình, nhưng thực chất nó vẫn chưa “thấu tình đạt lý”, thấu đáo cho các thầy cô.
Luật sư Phạm Hoài Nam giải thích: Trong việc này, khi trường ra văn bản kết luận từ kết quả của tổ xác minh, nếu giảng viên chưa đồng ý thì hoàn toàn có thể khiếu nại lên cấp trên.
Nhưng thực tế thì các giảng viên có những bức xúc, nộp đơn xin nghỉ việc thì nhà trường lại giải quyết cho nghỉ.
Vụ việc này, thực tế là các giảng viên đi kiến nghị, nhưng trường lại làm quy trình giải quyết theo hướng khiếu nại. Trường muốn xác minh vấn đề gì thì phải đa chiều, mời các thầy cô này lên, thậm chí mời cả các giảng viên khác trong cùng khoa.
Trong kết luận giải quyết xác minh của trường, có đến hàng chục nội dung thầy cô phản ánh là đúng, nhưng cuối cùng thì trường lại nói thầy cô đi khiếu nại làm mất uy tín của khoa, trái với đạo lý, trái với nguyên tắc và đánh vào danh dự, uy tín của các giảng viên.
Phóng viên của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai – Trưởng khoa Hàn Quốc học để trao đổi làm rõ xung quanh các vấn đề các giảng viên trong khoa phản ánh, nhưng bà Nguyễn Thị Phương Mai đã không nghe máy.