Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2013, khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, hàng năm trong báo cáo tổng kết năm học của Bộ giáo dục và đào tạo đều có đánh giá, sơ kết quá trình hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học.
Kết quả sơ kết hàng năm thực hiện Luật Giáo dục đại học cho thấy Luật Giáo dục đại học là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về giáo dục đại học, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển Giáo dục đại học Việt Nam, tạo ra những chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và Giáo dục đại học nói riêng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Luật Giáo dục đại học năm 2012. (Ảnh: Thùy Linh) |
Luật Giáo dục đại học đã quy định các nội dung khá toàn diện về Giáo dục đại học, tạo môi trường pháp lý cho các cơ sở Giáo dục đại học phát triển và khẳng định vị thế trong hệ thống Giáo dục đại học Việt Nam cũng như trên bình diện quốc tế. Đó là:
Thứ nhất, Luật Giáo dục đại học đã nâng các quy định tại các văn bản dưới luật đã được thực hiện kiểm nghiệm thành các quy định có tính pháp lý cao để các cơ sở giáo dục đại học có hướng phát triển ổn định.
Thứ hai, Luật Giáo dục đại học đã đặt nền móng vững chắc cho tự chủ đại học, trong đó Luật Giáo dục đại học, bước đầu, cơ sở giáo dục đại học đã được giao quyền tự chủ trong hầu hết các mặt hoạt động: công tác quản lý tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, về hoạt động tuyển sinh và đào tạo…
Thứ ba, Luật Giáo dục đại học đã đổi mới công tác quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học thông qua các quy định khung để hình thành các quy chuẩn: mở trường, mở ngành, chuẩn giảng viên…
Thứ tư, Luật Giáo dục đại học đã chú trọng công tác bảo đảm chất lượng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo cơ sở pháp lý để từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong các trường để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tại sao cứ mãi phân biệt sinh viên trường công với trường tư? |
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, qua 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học đã bắt đầu một số bất cập làm khó khăn, trở ngại cho các cơ sở giáo dục đại học cũng như các cơ quản lý nhà nước trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đã tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học nhằm tạo cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học.
Trên cơ sở kết quả sơ kết hàng năm và 4 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học trong khối giáo dục đại học, Bộ đã xây dựng hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Ngày 8/6/2017, Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 ban hành kèm theo Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các sự án Luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được điều chỉnh, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Theo đó Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Thực hiện nhiệm vụ này, đến ngày 25/9, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện Bộ đã nhận được 159 báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục đại học.
Tất cả các ý kiến sẽ được tổng hợp, lựa chọn để sử dụng trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của giáo dục đại học.
Tại hội nghị, đại diện nhiều nhóm nghiên cứu ở một số trường đại học trên cả nước đã chỉ rõ những vướng mắc của Luật Giáo dục đại học hiện hành từ vấn đề tự chủ, Hội đồng trường, kiểm định chất lượng, bảng xếp hạng....từ đó đề xuất ở một số nội dung chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học.
Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ trình bày cụ thể, chi tiết quan điểm của một số trường đại học ở những bài viết sau để độc giả tiện theo dõi.