7 ứng viên không đủ tiêu chuẩn xét GS, PGS, Chủ tịch HĐGS liên ngành nói gì?

29/10/2023 06:36
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Chủ tịch HĐGS liên ngành này, năm 2023, tỷ lệ ứng viên đạt đủ tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư cao nhất trong nhiệm kỳ 2018-2023.

Vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách 606 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Đáng chú ý, có 30/37 ứng viên vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa. Còn lại 7 ứng viên không đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có đơn xin rút (chiếm 18,92% so với số lượng ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất vào hồi đầu tháng 9).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa lý giải nguyên nhân 7 giáo sư và phó giáo sư liên ngành này không vượt qua vòng xét duyệt.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc, hội đồng luôn thực hiện phương châm công tâm, minh bạch và đúng quy định để triển khai việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ chức danh giáo sư, phó giáo sư trong nhiều năm qua.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa. Ảnh: website Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa. Ảnh: website Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

“Hàng năm, từng ứng viên chưa đạt chuẩn đều được Hội đồng Giáo sư liên ngành gửi nhận xét, góp ý về những điểm yếu trong hồ sơ, giúp các ứng viên tiếp tục cải thiện cho đợt xét năm sau. Với cách thức triển khai này, chất lượng ứng viên không ngừng được nâng cao trong nhiều năm qua.

Năm 2023, có 18,92% ứng viên chưa đạt chuẩn, đây là tỷ lệ thấp nhất trong 5 năm qua. Chính xác hơn, năm 2023 có tỷ lệ ứng viên đạt chuẩn cao nhất trong nhiệm kỳ 2018 - 2023. Cụ thể tỷ lệ ứng viên đạt chuẩn của Hội đồng liên ngành qua các năm lần lượt như sau:

Năm 2019 là 54,84%; năm 2020 là 58,33%; năm 2021 là 50%; năm 2022 là 63,64% và năm 2023 là 81,08%”, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa nói.

Lý giải về tỷ lệ ứng viên đạt chuẩn năm 2023 cao so với 4 năm trước đó, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc cho biết: “Sở dĩ, năm 2023, tỷ lệ ứng viên đạt chuẩn cao hơn các năm trước là do các ứng viên đã phấn đấu khắc phục các điểm yếu trong hồ sơ sau nhiều năm chưa đạt chuẩn tại liên ngành. Một số ứng viên đã phải nộp hồ sơ đến lần thứ 5 mới đạt chuẩn tại Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa năm nay”.

Năm 2023, liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa có 7 hồ sơ chưa đạt chuẩn. Trong đó, có 2 ứng viên thiếu tiêu chuẩn cứng về tham gia xây dựng chương trình đào tạo và chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ; 5 ứng viên thiếu điểm công trình khoa học theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại quyết định này, tiêu chuẩn và yêu cầu ứng viên đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư bắt buộc phải có bài báo khoa học quốc tế. Trong đó, tiêu chuẩn ứng viên giáo sư, phó giáo sư thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực khoa học sức khỏe phải có ít nhất lần lượt là 12 và 10 điểm công trình khoa học tính từ các bài báo, bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.

Có thể nói, bài báo khoa học, ứng viên là tác giả chính bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích có vai trò quan trọng trong việc xét duyệt ứng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc chia sẻ rằng: “Để đạt chuẩn, vai trò của bài báo đăng trên các tạp chí khoa học nói chung và tạp chí khoa học quốc tế nói riêng là rất quan trọng.

Ngoài ra, số lượng bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, mà ứng viên là tác giả chính sau khi đạt trình độ tiến sĩ đối với ứng viên phó giáo sư hoặc sau khi đạt phó giáo sư đối với ứng viên giáo sư là điều kiện cần và quan trọng, buộc phải đáp ứng đầy đủ”.

Cũng tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nêu đối với tiêu chuẩn chức danh giáo sư: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 05 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích”. Đối với chức danh phó giáo sư là “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích”.

Từ đây, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt điểm từ bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích của các ứng viên giáo sư và phó giáo sư là không dễ dàng. Phải chăng, đây là rào cản khiến nhiều giảng viên không “mặn mà” với việc nâng chuẩn.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa chia sẻ, việc quy định ứng viên phải là tác giả chính của các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín sau khi đạt tiến sĩ hoặc phó giáo sư là phù hợp trong điều kiện thực tế của Việt Nam.

“Mặc dù Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần được cập nhật để hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn hơn. Nhưng những năm qua, các tiêu chí trong quyết định này đều là một thước đo chuẩn và phù hợp khi bước quá trình thực hiện công tác đánh giá, xét duyệt hồ sơ đăng ký chức danh phó giáo sư, giáo sư trên cả nước.

Chúng tôi không cho rằng, các quy định trên là rào cản đối với giảng viên. Bởi, để phấn đấu đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư, các giảng viên cần nghiên cứu kỹ quy định và có lộ trình nghiên cứu, công bố một cách cụ thể. Như vậy, khả năng được công nhận đạt chuẩn là hoàn toàn có khả thi”.

Thảo Ly