“Chiêu trò” để trường chuẩn quốc gia “giữ chuẩn”

22/01/2016 07:23
Đỗ Quyên
(GDVN) - Giáo viên trường chuẩn cứ phải quay cuồng với đủ thứ việc ngoài công tác giảng dạy nên bất kì thầy cô nào cũng ngán ngẩm khi dạy ở ngôi trường chuẩn quốc gia.

LTS: Tiếp tục loạt bài viết về chủ đề “chỉ tiêu ảo ở các trường chuẩn quốc gia” của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trong bài viết này cô giáo Đỗ Quyên đã mạnh dạn chỉ ra những “chiêu trò” mà hiện nay các trường đạt chuẩn quốc gia đang thực hiện với mong muốn “giữ chuẩn”. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Đọc bài “Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia” đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/1. Là giáo viên, tôi cũng rất đồng tình với những suy nghĩ của người đồng nghiệp. 

Trong bài viết này, xin được góp thêm một cái nhìn về nỗi khổ, sự áp lực của giáo viên đang giảng dạy ở chính những ngôi trường được khoác trên mình cái danh hiệu vô cùng cao quý đó.

Để được công nhận “trường chuẩn quốc gia”, cũng như sau này khi đã đạt chuẩn muốn được công nhận lại, gọi là “giữ chuẩn”. Có vô vàn tiêu chuẩn, tiêu chí và minh chứng được thể hiện ở những hồ sơ sổ sách lưu giữ suốt 5 năm, phần việc này chủ yếu của Ban giám hiệu. 

“Chiêu trò” để trường chuẩn quốc gia “giữ chuẩn” (Ảnh minh họa của Thùy Linh)
“Chiêu trò” để trường chuẩn quốc gia “giữ chuẩn” (Ảnh minh họa của Thùy Linh)

Ở góc độ một giáo viên, chỉ xin nói về hoạt động giáo dục của các thầy cô để góp phần công nhận và duy trì danh hiệu chuẩn quốc gia phải chịu áp lực như thế nào?

Tỉ lệ thi đua cao ngất ngưởng

Khi trường lên chuẩn đồng nghĩa với việc chất lượng học tập của các em cũng buộc phải nâng lên. Các chỉ tiêu thi đua vì thế cũng tăng cao so với trường khác. 

Chẳng hạn, chất lượng từng môn học như Sử, Địa, Giáo dục công dân...phải đạt trên 90% điểm từ trung bình trở lên, học sinh đạt học lực khá giỏi trên 75%, tỉ lệ lên lớp thẳng phải đạt con số ngất ngưởng gần 99%, không có học sinh đạt hạnh kiểm trung bình.

“Chiêu trò” để trường chuẩn quốc gia “giữ chuẩn” ảnh 2

Chỉ tiêu ảo đâu phải chỉ có ở trường chuẩn quốc gia

(GDVN) - Muốn công bằng trong giáo dục thì phải kiểm tra đánh giá. Nhưng vì chỉ tiêu ảo đã khiến người giáo viên trở thành kẻ “bẻ bút” ray rứt lương tâm.

Và trong những phong trào mũi nhọn như tỉ lệ học sinh tham gia và thi Toán, Tiếng Anh trên mạng, thi giải truyền thống 19/4... hay thi vở sạch chữ đẹp (cấp tiểu học) bao giờ cũng phải vượt trội hơn các trường chưa đạt chuẩn.

Về phía giáo viên các chỉ tiêu cũng luôn là nỗi ám ảnh của các thầy cô. Giáo viên trường chuẩn mỗi năm phải có một Sáng kiến kinh nghiệm hay giải pháp hữu ích để nộp. 

Trường chuẩn buộc phải có đủ 30% giáo viên dạy giỏi các cấp. Vì thế ngoài việc đau đầu lo viết sáng kiến hoặc giải pháp, giáo viên còn phải gồng mình tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi...

Đủ “chiêu trò” để đạt chỉ tiêu

Thực tế, nhiều học sinh đến trường không chú ý học bài, không có sự chuẩn bị bài trước. Vì chỉ tiêu thầy cô cũng không dám thẳng tay cho điểm kém mà xuống nước năn nỉ theo kiểu: “Em học bài đi, mai thầy (cô) kiểm tra lại bài này". Có kiểm tra tới kiểm tra lui đến vài lần mới cho học sinh đó được điểm 5. 

Đến kì kiểm tra định kì, đề cương học phải gói gọn gần hết chương trình học kì 1, nhưng sợ các em bị điểm thấp nên nhiều cô thầy liên tục rút câu hỏi từ 20 câu xuống còn 5, 7 câu. Nếu không làm điều này, cuối năm thầy cô cũng bị hạ bậc thi đua vì “chưa hoàn thành công việc”.

Học sinh hư, vô lễ với thầy cô hay trốn tiết nghỉ học vô lý do, đánh bạn, vi phạm nội quy... giáo viên cũng chẳng dám thẳng tay hạ hạnh kiểm. 

Một số cuộc thi mà học trò không hứng thú tham gia, nhưng vì thành tích, thầy cô buộc phải làm thay. 

“Chiêu trò” để trường chuẩn quốc gia “giữ chuẩn” ảnh 3

Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia

(GDVN) - Chỉ vì 4 chữ “trường chuẩn quốc gia” mà nhiều lúc giáo viên tự hỏi: Tại sao tình thầy trò là có thật, trường thật, dạy học trò là thật…mà đánh giá lại ảo.

Thế mới có chuyện, trong cuộc thi: “Sáng tạo thanh thiếu niên” cấp tỉnh vừa qua ở một tỉnh nọ, sau khi ghi nhận một số sản phẩm đạt giải, phóng viên gọi điện cho tác giả của các sản phẩm ấy hỏi chuyện về ý tưởng, về cách thực hiện, về cảm nghĩ của các em để viết bài báo tôn vinh thế hệ trẻ... Nhưng phũ phàng là học trò ngơ ngác không biết sản phẩm tên gì thì nói gì đến cách làm.

Nhưng có lẽ đau khổ nhất vẫn là việc học sinh hầu như không được phép lưu ban. Đã có một số vị cán bộ phát biểu: “Trường chuẩn mà cũng có học sinh lưu ban sao?”.

Vì thế, sau khi nỗ lực kèm cặp mà các em không tiến bộ, giáo viên liên tục được mời họp để đưa ra các giải pháp hỗ trợ học sinh (mặc dù ban giám hiệu thừa biết những đối tượng này có hỗ trợ cách nào thì kết quả vẫn không thay đổi được gì). 

Có trường, lại đánh giá thi đua vào giáo viên khi lớp chủ nhiệm có học sinh lưu ban. Trước áp lực ấy, nhiều thầy cô cũng buộc các em phải lên lớp nên mới có chuyện có phụ huynh chạy theo năn nỉ thầy, cô: “Cho con tôi được ở lại lớp” mà không được. 

Hay có trường lại dùng “chiêu” biến học sinh bình thường trở thành học sinh khuyết tật như báo chí từng đề cập trong thời gian qua. 

Ban giám hiệu các trường luôn mang chỉ tiêu ra dò xét, áp lực lại đổ lên đầu giáo viên. Nhưng khi có một học sinh nào đó bị báo chí phanh phui rằng ngồi nhầm lớp.

Chắc chắn thầy cô là người gánh hậu quả đầu tiên bởi các xếp đã “phủi tay” sạch rồi. Họ nói không chỉ đạo, cũng chẳng có công văn hướng dẫn...Không có bằng chứng, giáo viên thấp cổ bé họng biết kêu ai?

Giáo viên trường chuẩn cứ phải quay cuồng với đủ thứ việc ngoài công tác giảng dạy mà chế độ đãi ngộ lại chẳng hề tăng nên bất kì thầy cô nào cũng ngán ngẩm khi dạy ở ngôi trường mang tên chuẩn quốc gia. 

Đỗ Quyên