Trao quyền tuyển giáo viên cho hiệu trưởng, cần có quy chế để tránh lộng hành

11/09/2018 06:41
Thùy Linh
(GDVN) - Chắc chắn, không thể nào lại giao quyền tuyển giáo viên, nhân viên cho một hiệu trưởng đã từng có tiêu cực trong quá trình công tác.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ giai đoạn năm 2017 – 2020, thành phố sẽ phân cấp tuyển dụng giáo viên  đối với các trường chuyên, năng khiếu và 24 trường trung học phổ thông.

Dự kiến, sau năm 2020, toàn bộ các trường trung học phổ thông sẽ được tự chủ hoàn toàn về mặt nhân sự.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngay trong năm học 2018-2019, Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa sẽ bắt đầu được phép tự chủ tuyển dụng giáo viên, nhân viên. Sau đó, sẽ có tiếp 7 trường có mô hình lớp chuyên, trường tiên tiến. 

Trước thông tin này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của Thành phố Hồ Chí Minh. 

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, quá trình tuyển chọn giáo viên, không thể chỉ dùng bằng cấp để đánh giá mà cần phải có quá trình giảng dạy, lên lớp để từ đó Hội đồng đánh giá đưa ra ý kiến. (Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, quá trình tuyển chọn giáo viên, không thể chỉ dùng bằng cấp để đánh giá mà cần phải có quá trình giảng dạy, lên lớp để từ đó Hội đồng đánh giá đưa ra ý kiến. (Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc)

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hiện nay chúng ta đã giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong đó có quyền tự tuyển chọn giáo viên tuy nhiên trên thực tế không phải trường nào cũng đủ “tự tin” để tiếp thu quyền này. 

Tuy nhiên để hoàn thành tốt quyền tự tuyển chọn giáo viên, thầy Lâm cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần đưa ra quy định, quy chế chặt chẽ, dân chủ, công bằng tránh tình trạng buông lỏng để rồi giao quyền này cho người không có trình độ, năng lực và khiến chủ trương bị biến tướng. 

Cụ thể, theo thầy Lâm, quy chế phải quy định, muốn được giao quyền tự tuyển chọn giáo viên thì hiệu trưởng cần phải đáp ứng năng lực, phẩm chất ra sao? Qúa trình quản lý nhà trường từ trước đến nay như thế nào?

“Chắc chắn, không thể nào lại giao quyền này cho một hiệu trường đã từng có tiêu cực”, thầy Lâm nhấn mạnh. 

Hơn nữa, cũng theo Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, quy chế cũng cần xác định các tiêu chuẩn mà giáo viên cần đáp ứng khi tuyển dụng nào là trình độ, năng lực, phẩm chất ra sao, tránh tình trạng Hiệu trưởng muốn đưa ai vào thì vào. 

Trao quyền tuyển giáo viên cho hiệu trưởng, cần có quy chế để tránh lộng hành ảnh 2Tuyệt đối không nên giao cho địa phương tự thi, tự chấm tuyển dụng giáo viên

Còn trong quá trình tuyển chọn giáo viên, không thể chỉ dùng bằng cấp để đánh giá mà cần phải có quá trình giảng dạy, lên lớp để từ đó Hội đồng đánh giá đưa ra ý kiến. 

Vậy Hội đồng đánh giá đó gồm những ai cũng phải được nêu ra trong quy định. 

Tiến hành các bước như trên, cuối cùng Hiệu trưởng nhà trường là người đưa ra quyết định, chịu trách nhiệm về việc tuyển chọn giáo viên cho cơ sở giáo dục đó.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng phải công khai dự kiến dự tuyển đó để giáo viên, phụ huynh, học sinh được biết, nếu ai có thắc mắc, ý kiến gì về kết quả đó thì cần phải kiểm tra, giải thích. 

Trong trường hợp, có thắc mắc, Hiệu trưởng đã giải thích nhưng chưa được đồng thuận thì cần có cơ quan cấp trên đứng ra kiểm tra, đánh giá để kết quả tuyển chọn được đảm bảo. 

Từ những điều này, thầy Lâm cho rằng: “Khi tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần phải có nội dung giao quyền tự chủ cho các nhà trường, đồng thời chỉ rõ với quyền đó thì hiệu trưởng nhà trường sẽ làm cụ thể những gì?”. 

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh rất tốt.

Tuy nhiên, lâu nay ngành giáo dục chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục còn đội ngũ nhân sự là do Bộ Nội vụ quản lý, do đó nếu thí điểm thành công thì cần áp dụng đại trà và cần đưa ra kiến nghị để Quốc hội xem xét thay đổi một số điều, khoản ngay tại Luật Giáo dục sửa đổi lần này. 

Đồng thời nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh, muốn hiện thực hóa tốt chủ trương đó thì khi thí điểm phải tìm ra hiệu trưởng có đạo đức, năng lực với những nhiệm vụ cụ thể và có cơ quan cấp trên kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng khoán trắng cho hiệu trưởng để rồi họ tự lộng hành, tiêu cực.  

Đặc biệt, nếu hiệu trưởng làm sai thì phải chịu trách nhiệm và tùy vào mức độ để có hình thức kỷ luật tương ứng. 

Thùy Linh