“Nhiều khi tôi không hiểu lý do gì mà tôi vẫn còn tiếp tục đi dạy”
Trao đổi với các giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện Mỹ Đức. Phóng viên có cảm tưởng các thầy cô có thể khóc bất cứ lúc nào khi nhắc đến hai chữ "nghề giáo".
Xin được kể câu chuyện của một giáo viên hợp đồng đi dạy 10 năm nhưng hiện nay chỉ đang hưởng mức lương 1.210.000 đồng/ 1 tháng.
Chị Nguyễn Thị Phượng Anh “sống mòn” với mức lương tối thiểu trong suốt 10 năm qua.
Những ngày đầu sau khi ra trường, chị Anh cùng nhiều giáo viên hợp đồng được chào đón như “người hùng” bởi khi đó huyện còn đang thiếu giáo viên.
Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải |
Những giáo viên hợp đồng như chị Anh với tình yêu con chữ và trách nhiệm của người thầy, người cô đã quyết định gắn bó với giáo dục huyện Mỹ Đức.
Họ ngày đêm cống hiến, ngày đêm hy vọng.
Hi vọng vào 2 từ biên chế hoặc chí ít là được nâng lương, ký hợp đồng dài hạn.
Thế nhưng năm này qua năm khác, câu chuyện về bản hợp đồng dài hạn vẫn chỉ dừng lại ở chót lưỡi, đầu môi kèm theo những lời hứa hẹn của các thế hệ lãnh đạo.
Vậy là đã hơn 10 năm kể từ ngày viết những nét chữ đầu tiên trên giảng đường, chị Anh cùng hàng trăm giáo viên hợp đồng nơi đây vẫn chỉ được ký hợp đồng...3 tháng với mức lương tối thiểu nhất.
Chị Anh tâm sự trong nỗi cay đắng:
“Từ ngày về đây dạy hợp đồng đã hơn 10 năm. Toàn bộ giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức đều chỉ được ký hợp đồng 3 tháng.
Hết hợp đồng huyện tự gia hạn. Nếu mình không dạy và chấp nhận bỏ thì thôi còn nếu tiếp tục dạy thì chỉ được ký hợp đồng 3 tháng với mức lương tối thiểu.
Cho dù là giáo viên có thâm niên 10 năm hay 20 năm thì cũng chỉ được nhận hợp đồng 3 tháng”.
Nói thêm về chế độ của giáo viên hợp đồng, chị Anh cho biết:
“Tôi chỉ được tính lương cơ bản thôi còn các chế độ khác không được hưởng bất kỳ một chế độ nào. Bảo hiểm chúng tôi cũng không được đóng.
Kể cả chế độ thai sản giáo viên hợp đồng 3 tháng như bọn chị cũng chỉ được nghỉ 3 tháng thôi.
Trong khi đó giáo viên được ký hợp đồng dài hạn thì sẽ được nghỉ 6 tháng”.
Theo tìm hiểu, hiện nay tại huyện Mỹ Đức, giáo viên hợp đồng tại các trường tiểu học và trung học cơ sở chỉ được ký hợp đồng 3 tháng.
Nhiều giáo viên dù thâm niên đến 20 năm trong ngành nhưng vẫn phải sống lay lắt qua ngày với mức lương tối thiểu và chờ mong đến một ngày được ký hợp đồng dài hạn:
“Mỗi năm, giáo viên hợp đồng lại nghe phong phanh và tự động viên nhau: Thôi có lên có khi năm nay được ký hợp đồng dài hạn đấy.
Thế là chúng tôi cứ hy vọng, hy vọng rồi chờ đợi mòn mỏi. Đó là lý do vì sao nhiều người hỏi tôi sao còn chưa nghỉ dạy.
Chúng tôi cứ cống hiến và chờ đợi sẽ đến lượt mình sẽ được ký hợp đồng dài hạn. Sự chờ đợi đó đã kéo dài đến hơn 10 năm rồi”.
Mức lương mà chị Anh nhận được hiện nay là 1.210.000 đồng/ 1 tháng. Sống thế nào với chỉ hơn 1,2 triệu đồng/ một tháng.
Chị Anh dùng một câu nói của người chồng để diễn tả sự vất vả, khó khăn của giáo viên hợp đồng:
“Từng ấy năm tôi đi dạy là từng ấy năm chồng tôi động viên tôi...bỏ nghề.
Anh ấy bảo lương chỉ hơn một triệu/ một tháng còn không đủ cả tiền xăng xe thì em đi dạy làm gì?
Bạn bè, người thân thì bảo: Mọi người thực sự phục cái Anh. Vì sao nó có thể đi dạy mà chỉ nhận hơn 1,2 triệu đồng mà vẫn tiếp tục công việc này.”
Thanh xuân bỏ lại của những giáo viên hợp đồng rồi sẽ đi về đâu? (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Chẳng là nhà chị Anh cách trường đến 15 km. Những ngày đi dạy tổng cộng chị phải đi 30km đường đất. Chị tính toán:
“Nói thật tiền lương của tôi chẳng đủ đổ xăng. Chồng tôi nói rất đúng.
Nếu bỏ nghề kiếm công việc gì mà chẳng kiếm được hơn 1,2 triệu đồng/ 1 tháng”.
Đến thời điểm này khi nguy cơ bị cắt hợp đồng hiển hiện trước mắt, chị Anh mới chua xót tự vấn mình:
“Thật! Nhiều khi tôi cũng tự hỏi mình không hiểu động lực gì khiến tôi có thể đi dạy trong suốt hơn 10 năm qua vì một mức lương như thế”.
Hồi lâu chị lại thở dài: “Cái nghề giáo, trông vậy mà bạc bẽo thật!”
Tương lai nào cho những giáo viên hợp đồng
Những ngày qua, tâm trạng của nhiều giáo viên dạy hợp đồng tại huyện Mỹ Đức rối như mối bòng bong.
Thời gian đầu họ bức xúc, họ giận dữ, họ cay đắng thì đến thời điểm này, qua nhiều ngày, tâm trạng nguôi ngoai phần nào. Chị Anh thấy lòng mình thanh thản đến lạ:
“Nhiều khi cũng nghĩ, đây có thể là cơ hội để mình có thể dứt khoát bỏ nghề - điều mà tôi đã không thể làm trong suốt 10 năm qua”.
Chung tâm trạng của chị Anh, thầy Hà Hồng Minh tặc lưỡi:
“Có lẽ cái đợt thi này là giúp chúng tôi dứt khoát bỏ được cái nghề này. Phải chăng thuốc đắng thì mới giã tật.
Nhưng cái tật của chúng tôi là cái tình quá lớn đối với nghề giáo này.
Thanh xuân đã qua mất rồi, đường sống nào cho giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn? |
Đến thời điểm này nhiều anh em cũng tự động viên nhau: Có lẽ cái lương duyên với nghề giáo đến đây đã cạn rồi”.
Trầm ngâm một lúc thầy Minh tâm sự:
“Tôi đi dạy được gần 20 năm, thâm niên cũng thuộc dạng nhất trường.
Cả thời trai trẻ tôi sống trong sự dằn vặt.
Sự dằn vặt đó giữa một bên là tình yêu nghề giáo với một bên là gánh nặng gia đình.
Cả nhà tôi, vợ tôi, con tôi đã phải sống khổ sở với tình yêu của tôi. Lương của tôi từ khi đi dạy chỉ có vài trăm nghìn, dần dần tăng theo mức tăng của lương cơ bản.
Đến giờ khoảng hơn 1,2 triệu đồng. Với đồng lương như thế tôi gần như chẳng giúp gì được gia đình mình. Thậm chí không muốn nói thân tôi tiêu còn chẳng đủ.
Nói ra nhiều người sẽ nghĩ tôi kể lể nhưng thực sự nếu có ai trong hoàn cảnh như tôi đến tháng cầm hơn một triệu mới thấy cay đắng đến nhường nào”.
Nỗi niềm ấy không chỉ của riêng thầy Minh, cô Anh mà là nỗi niềm chung của nhiều giáo viên hợp đồng trên địa bàn Hà Nội.
Trở lại Sóc Sơn với 256 giáo viên hợp đồng trước nguy cơ mất việc. Cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ: Bản thân mình đã nguôi ngoai phần nào.
“Thôi không thi thì bỏ nghề em ạ. Chị cũng đã xác định kỹ rồi. Mấy ngày đầu tâm trạng còn bức xúc đến bây giờ thì cũng đã nguôi ngoai phần nào.
Có lẽ cái nghề nó đã bạc với mình như vậy thì mình còn ôm lấy nó làm gì. Thà đau một lần rồi dứt khoát còn hơn sống lay lắt, sống mòn mỏi kiểu này”.
Cô Nga, thầy Minh, cô Anh cùng nhiều giáo viên hợp đồng khác sau nhiều ngày bình tâm, họ suy nghĩ nhiều hơn. Họ nghĩ xa hơn, nhìn thấy gốc rễ của vấn đề theo đúng kiểu người ta thường gọi “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Cô Nga phân tích: “Ban đầu mình thấy bức xúc vì có nguy cơ bị mất hợp đồng. Nhưng sau mình nghĩ đến cái cao hơn, sâu hơn đó chính là cơ chế.
Nếu năm nay không xử lý, không tìm được một con đường ra cho vấn đề này thì năm sau, năm sau nữa tình trạng lại tái diễn.
Những giáo viên hợp đồng như chúng tôi cứ bị cái gông cùm trên đầu, trên cổ vậy”.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội có nguy cơ mất việc (Ảnh: Vũ Ninh) |
Những giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức thì lại mong muốn: Nếu chúng tôi không bị cắt hợp đồng cũng kiến nghị xem xét chế độ cho giáo viên.
Cô Anh cho biết: “Với chế độ cho giáo viên như hiện nay thì việc chúng tôi có được giữ lại hợp đồng cũng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Tại sao các huyện khác giáo viên hợp đồng lại được hưởng lương và chế độ như viên chức còn huyện Mỹ Đức bao nhiêu năm nay giáo viên chỉ được ký hợp đồng 3 tháng?
Chúng tôi cho rằng việc thay đổi cơ chế xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng thâm niên và thay đổi mức đãi ngộ cho giáo viên phải được tiến hành đồng thời. Có như thế mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề”.