Kỉ luật cán bộ ngành giáo dục có con được nâng điểm khó thế sao?

30/04/2019 07:06
Phan Tuyết
(GDVN) - Phải chăng kỉ luật cán bộ khó hơn kỉ luật những giáo viên bình thường? Hay ông chủ tịch của 3 tỉnh thành trên còn có điều gì lấn cấn, khó giải quyết đến vậy?

Sau hơn một năm xảy ra vụ gian lận điểm thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 chưa từng có tiền lệ đến nay, ngoài một số cán bộ liên quan trực tiếp đến việc sửa điểm, nâng điểm bài thi bị khởi tố vẫn còn không ít cán bộ ngành giáo dục có con được nâng điểm vẫn bình yên vô sự.

Gian lận điểm thi năm 2018 là vụ bê bối điểm thi chưa từng có trong các kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018. (Ảnh: Vietnamnet)
Gian lận điểm thi năm 2018 là vụ bê bối điểm thi chưa từng có trong các kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018. (Ảnh: Vietnamnet)

Có thể kể đến những chức danh trong ngành giáo dục mà bình thường mỗi khi nhắc đến họ, giáo viên, cán bộ công nhân viên trong đơn vị không ai không biết tới như Phó giám đốc Sở, Chánh Thanh tra, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng một số trường học…

Họ có con được nâng điểm từ vài điểm đến hơn 20 điểm.

Nếu chỉ tính vai trò là những người chỉ đạo kỳ thi, là thanh tra giám sát, là những cán bộ chấm thi, quản lý bài thi…khi kỳ thi xảy ra sự cố họ vẫn phải chịu trách nhiệm.

Huống chi, chính họ lại có con cháu trong diện được hưởng khống số điểm mà mình không xứng đáng nhận được. Có thể nói, trách nhiệm này phải được nhân đôi.

Vậy mà họ vẫn ung dung tự tại, có người vẫn tiếp tục được giao trọng trách chính, được phân công làm thanh tra, giám sát kỳ thi năm học 2019 này thì không tài nào hiểu nỗi.

Dư luận vẫn đang sục sôi, trông chờ cách xử lý những cán bộ liên quan đến vụ gian lận điểm chưa từng có này.

Ngược lại với làn sóng dư luận chỉ trích như vũ bão, chính quyền nơi đây vẫn cứ im lặng, tảng lờ, bỏ ngoài tai tất cả.

Bệnh ung thư giáo dục, ai chữa?

Câu hỏi được nhiều người quan tâm, vì sao không thể xử lý cán bộ giáo viên trong ngành có con trong diện được nâng điểm? Khó đến mức thế sao?

Dư luận hẳn chưa quên vụ học sinh đánh nhau ở Hưng Yên, giáo viên chủ nhiệm lớp đã bị đuổi khỏi ngành.

Ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải xử thật nghiêm vụ việc.

Việc xử lý này rất buồn và đau đớn, nhưng không thể không làm, vì còn để làm gương, làm bài học cho các vụ việc khác. Từ nay trở đi, trường nào để xảy ra bạo lực học đường thì xử lý cũng tương tự như vậy".

Cô giáo bị đuổi khỏi ngành mặc dù lỗi của cô chỉ là không kiểm soát nổi hành vi của những học sinh cá biệt trong lớp chủ nhiệm.

Xét về lỗi vi phạm chỉ là gián tiếp, thế mà một tiếng đuổi của vị Chủ tịch tỉnh, cô giáo ấy vĩnh viễn không còn cơ hội đứng trên bục giảng.

Trở lại vụ gian lận điểm thi, không phải bỗng dưng điểm “lạc” vào bài thi mà không có sự tác động của các vị.

Không đơn giản là tác động bằng chức quyền, có người còn phải bỏ ra cả một khoản tiền lớn để chạy.

Phải chăng ngành giáo dục Sơn La đã hết cán bộ?

Hành vi này được Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Thế nên chính Bộ trưởng cũng đã nêu rõ quan điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình.

Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ này.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, những cán bộ, giáo viên trong ngành có con trong vụ gian lận điểm vẫn chưa bị ai động tới.

Chúng tôi cứ thắc mắc, sao lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình không làm kiên quyết, cho ra khỏi ngành những cán bộ có con được nâng điểm?

Phải chăng kỉ luật cán bộ khó hơn kỉ luật những giáo viên bình thường?

Phan Tuyết