Thầy cô trên bản Cò Cài đã không còn bị cô lập nữa

06/11/2017 08:01
XUÂN QUANG - HỮU LÊ
(GDVN) - "Chẳng ai bảo ai, các thầy cô giáo, dân bản tự nguyện "góp gạo" ăn liên hoan để chào mừng sự kiện trọng đại này", thầy Hiệp chia sẻ.

Trạm phát sóng di động tại bản Cò Cài (xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) vừa chính thức đi vào hoạt động hôm 1/11. 

Dân bản nơi đây dần cảm nhận được sự thay đổi trong cuộc sống từ khi thông tin liên lạc được thông suốt - điều mà nhiều năm về trước có nằm mơ người dân cũng chẳng dám nghĩ tới.

Câu chuyện thầy cô giáo cắm bản tại Trường tiểu học Trung lý 2 "thèm" sóng điện thoại hơn thèm cơm cũng vì thế mà xa dần vào dĩ vãng.

Thầy cô trên bản Cò Cài đã không còn bị cô lập nữa  ảnh 1

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 1): Niềm vui chưa trọn vẹn

Thầy Nguyễn Tiến Hiệp (Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Lý 2, Mường Lát) không giấu được niềm vui khi Cò Cài chính thức có sóng điện thoại:

"Từ lúc sóng điện thoại về bản, bà con dân bản từ trẻ tới già - ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi ra mặt.

Chẳng ai bảo ai, các thầy cô giáo, dân bản tự nguyện "góp gạo" ăn liên hoan để chào mừng sự kiện trọng đại này. 

Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của người dân nơi đây", thầy Hiệp vui mừng.

Trạm phát sóng đặt trên đồi Cò Cài vừa chính thức hoạt động từ hôm 1/11. Ảnh: Hữu Chí.
Trạm phát sóng đặt trên đồi Cò Cài vừa chính thức hoạt động từ hôm 1/11. Ảnh: Hữu Chí.

Cũng nhờ có sóng điện thoại mà từ nay trở đi, thầy cô giáo cắm bản hết phải chịu cảnh cô lập về mặt thông tin.

Trước đây, khi cần liên lạc gấp thì giáo viên phải chạy xe vài km đường rừng núi, từ điểm trường chính Cò Cài tới gò đất cao nhất gần bến đò sông Mã để "hứng" sóng.

Còn thông thường tất cả các tin báo từ dưới xuôi lên đều phải thông qua khâu trung gian để truyền tin.

Có khi là người lái đò sông Mã, hoặc một hộ dân bản cách trường vài cây số đường - nơi có thể đón được sóng điện thoại.

Thầy cô trên bản Cò Cài đã không còn bị cô lập nữa  ảnh 3

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 2): Mưu sinh và những cung đường đau khổ

Tin báo của gia đình từ dưới xuôi lên tới bản ít nhất cũng mất một tháng mới đến nơi vì đường khó đi.

Vất vả nhất là mỗi khi cần hoàn thiện báo cáo, công văn, thì thầy cô phải chạy ra tận huyện để nhờ vả.

"Giờ đây, khi có sóng điện thoại, giáo viên cũng không phải lội suối băng rừng như trước để thông báo họp hành, khai giảng, tổng kết năm học nữa.

Việc xử lý văn bản, giấy tờ, báo cáo chuyên môn cũng vì thế mà thuận lợi hơn trước rất nhiều...

Các thầy cô giáo cũng chủ động hơn về mặt thời gian mỗi khi gia đình dưới xuôi có công việc", thầy Hiệp cho biết. 

Ngày đầu tiên khi Cò Cài có sóng điện thoại, cũng là lúc điện thoại của thầy Nguyễn Xuân Minh liên tục trong tình trạng nóng máy. 

"Hôm đầu tiên có sóng điện thoại, vợ, con, họ hàng dưới xuôi liên tục gọi điện để hỏi thăm tình hình công việc, sức khỏe anh em trên này.

Họ chia sẻ, động viên chúng cố gắng khắc phục khó khăn, sau khi tiếp cận được thông tin báo chí phản ánh về cuộc sống, công việc của giáo viên cắm bản.

Mấy đứa nhỏ dưới xuôi cũng háo hức điện thoại cho bố mỗi lần gặp phải những bài toán khó. Khi đó, có cảm giác như mình được gần gũi gia nhiều đình hơn. 

Cũng từ khi có sóng điện thoại mà thầy cô giáo biết đến mạng xã hội Facebook, Zalo... nhiều hơn", Thầy minh chia sẻ.

Thầy Tống Hồng Bắc tâm sự: "Không thể kể hết niềm của người dân khi sóng điện thoại về bản.

Rồi đây, cuộc sống của bà con dân bản chắc sẽ có nhiều đổi thay.

Hy vọng cái đói, cái nghèo của bà con dân bản sẽ dần đi vào quá khứ sau khi dân bản có sóng điện thoại và con đường vào bản sắp hoàn thành...".

XUÂN QUANG - HỮU LÊ