Việt Nam - giấc mơ 2035 (phần cuối): Con đường phía trước

10/11/2016 09:00
Xuân Dương
(GDVN) - Con đường phía trước của Việt Nam phải là con đường tắt, con đường đón đầu chứ không phải là con đường mà nhân loại đã trải qua nhiều thập niên trước.

“Con đường phía trước” (Tr. 109) là phần cuối cùng trong 4 nghiên cứu thuộc Trụ cột thứ 3 của Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 (Vai trò của chất lượng thể chế đối với tăng trưởng và phát triển; Thực trạng chất lượng thể chế Việt Nam; Rào cản thể chế đối với sự phát triển tại Việt Nam; Con đường phía trước).

Con đường phía trước mà đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam hướng tới là “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. 

Đó không phải là ước vọng đặc thù của riêng người Việt, đó là đích đến của tất cả các dân tộc trên hành tinh này và có thể cho rằng một vài quốc gia đã phần nào chạm tới mục tiêu cao đẹp đó. 

Nền dân chủ của Việt Nam là “dân chủ xã hội chủ nghĩa” và chắc chắn nó không giống nền dân chủ theo kiểu tư bản chủ nghĩa, bởi nếu giống chúng ta không cần thêm phần “xã hội chủ nghĩa” sau từ “dân chủ”.

Việt Nam - giấc mơ 2035 (phần cuối): Con đường phía trước ảnh 1
Ảnh minh họa con đường phía trước (Ảnh: anhdep.net)

Có thể sẽ cần những nghiên cứu sâu rộng hơn nữa để phân biệt sự giống và khác nhau giữa “công bằng, dân chủ, văn minh” theo hướng xã hội chủ nghĩa với tư bản chủ nghĩa, cũng như nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giống và khác thế nào với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa… 

Đây là những vấn đề lý luận cao cấp chỉ dành cho những bộ óc chiến lược, người dân với tầm nhìn hạn chế, “thấy cây mà chẳng thấy rừng” nên chỉ có thể nghĩ sao nói vậy, cùng lắm là một vài góp ý theo kiểu vụn vặt!

Nhận định về nền “dân chủ xã hội chủ nghĩa” nước ta hiện nay, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam viết:

Nền kinh tế thi trường, nền kinh tế tri thức đang trong giai đoạn hình thành và chưa phát triển, nguy cơ rủi ro do cơ chế thị trường tạo ra còn lớn,... là những yếu tố cản trở và thách thức quá trình thực hiện dân chủ.

Nhiều nhóm dân cư ngày càng mất tư liệu sản xuất, phải làm thuê và có nguy cơ mất đi quyền làm chủ trong thực tế của mình”. [1]

Nhóm cư dân “mất tư liệu sản xuất, phải làm thuê” rõ nhất là giai cấp công nhân và nông dân. Tại tất cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tư liệu sản xuất đều thuộc giới chủ. 

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần chuyển đổi quyền sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân và biến công nhân thành người làm thuê, việc thu hồi đất nông nghiệp giao cho các dự án mà tư nhân làm chủ đầu tư là minh chứng rõ nhất cho việc mất tư liệu sản xuất của nhiều gia đình nông dân Việt Nam.

Bài “Thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay” đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị - Cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - ngày 25/4/2014 nêu các số liệu thống kê 10 năm trước (năm 2005): 

Số lượng công nhân trong các doanh nghiệp và cơ sở kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta là 11,3 triệu người, chiếm 13,5% dân số, 26,46% lực lượng lao động xã hội. 

Trong đó, 1,84 triệu công nhân thuộc các doanh nghiệp nhà nước, 2,95 triệu trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, 1,21 triệu trong các doanh nghiệp FDI, 5,29 triệu trong các cơ sở kinh tế cá thể
”. [2]

Tỷ lệ công nhân không có tư liệu sản xuất, làm thuê cho tư nhân là 9,45/11,3 chiếm 82,7%. 

Việt Nam - giấc mơ 2035 (phần cuối): Con đường phía trước ảnh 2

Việt Nam - giấc mơ 2035

(GDVN) - Người Việt ngày nay có giấc mơ của riêng mình?

Hiện nay, theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, số lượng công nhân cả nước là 12,6 triệu người, số lượng công nhân tăng chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Điều này có nghĩa là tỷ lệ nhóm người (công nhân) không có tư liệu sản xuất phải làm thuê thực tế cao hơn con số 82,7%.

Bên cạnh số lượng thì chất lượng chính trị giai cấp công nhân cũng là vấn đề đã được nghiên cứu rất nghiêm túc. 

Bài báo trên báo điện tử Đangcongsan.vn ngày 30/9/2015 nêu nhận định: “Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế”. [1]

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (sửa đổi năm 2011) ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”. 

Có thể thấy có một độ trễ nhất định giữa lý luận và thực tiễn, nếu Điều lệ khẳng định vai trò nòng cốt của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thì các nghiên cứu đã dẫn trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tạp chí Lý luận Chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lại cho thấy chất lượng giai cấp công nhân hiện nay vừa “không đồng đều” vừa “còn nhiều hạn chế”.

Trong khi nền kinh tế tri thức đang dần xác định vai trò thống trị thế giới, liệu chúng ta đã có đầy đủ cơ sở khoa học, lý luận để khẳng định, rằng với những gì đã lựa chọn chúng ta có đủ lực lượng (vật chất và tinh thần) để hoàn thành “Con đường phía trước” như Báo cáo tổng quan 2035 kỳ vọng.

Khẳng định “giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều, sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế” có phải là một cách đánh giá gián tiếp vai trò của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà thế giới đã bắt đầu, trong công cuộc cải tổ thể chế chính trị và bộ máy nhà nước mà đất nước không thể không tiến hành.

Trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0, loài người đang chuyển hướng sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. 

Đã xuất hiện những tranh luận quanh câu hỏi về sự trường tồn của loài người dưới hình hài sinh học như hiện nay quan trọng hơn hay là sự tồn tại trí tuệ của con người dưới bất kỳ dạng thức vật chất nào - chẳng hạn các robot bán sinh học - quan trọng hơn?

Lao động cơ bắp của những người làm thuê trong các doanh nghiệp tư nhân không thể tạo động lực cho sự phát triển xã hội, lượng của cải vật chất (do lao động cơ bắp) tạo ra chỉ có một phần nhỏ đóng góp vào ngân sách, phần chủ yếu là làm giàu cho các ông chủ tư bản. 

Thậm chí có doanh nghiệp như tư bản như Coca Cola Việt Nam cả chục năm không nộp một đồng thuế nào cho ngân sách nhà nước? 

Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá một cách khoa học vai trò của đội ngũ trí thức, phải chăng đây mới chính là lực lượng đi đầu trong vai trò khai phóng nhận thức, làm thay đổi tầm vóc và sức mạnh của con người với tự nhiên. 

Một khi công nhận điều này thì có nghĩa là phải tập trung cho giáo dục, cho việc hình thành một thế hệ công dân mới, được trang bị đầy đủ kiến thức vừa tự nghiên cứu, sáng tạo, vừa đủ năng lực tiếp thu các thành tựu khoa học tiên tiến của nhân loại.

Con đường phía trước mà Báo cáo tổng quan đề cập vẫn chỉ là những vấn đề mà thế giới đã đi qua từ nhiều thập niên trước, chẳng hạn:

“Xây dựng một hệ thống hành chính hợp lý, Cải cách mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương;

Củng cố vai trò trung tâm của chính phủ; Áp dụng nguyên tắc thị trường đối với các quyết sách kinh tế; Tăng cường trách nhiệm giải trình của nhà nước,…”.

Việt Nam - giấc mơ 2035 (phần cuối): Con đường phía trước ảnh 3

Việt Nam - giấc mơ 2035 (Phần 2)

(GDVN) - Đầu thế kỷ 19, Việt Nam từng là nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia, hoặc Philippine, giờ đây chúng ta tụt hậu hơn họ...

Hai mươi năm nữa, tới năm 2035 thì nhân loại có thể đã đặt chân tới sao Hỏa, sao Diêm Vương, trong khi đó tầm nhìn của người Việt mới chỉ là: 

Việt Nam sẽ hướng tới mức thu nhập trung bình cao, một xã hội hiện đại, sáng tạo, bình đẳng, công khai và dân chủ với bầu trời trong xanh, nước sạch và tiếp cận công bằng về cơ hội đối với mọi công dân.

Tầm nhìn này cũng dự báo một nhà nước thượng tôn pháp luật với vai trò rõ ràng của nhà nước, công dân, và thị trường”. (Tr. 122) 

Dự báo phải 20 năm nữa chúng ta mới có một “nhà nước thượng tôn pháp luật với vai trò rõ ràng của nhà nước, công dân, và thị trường” có phải là quá rụt rè, có phải là một bước lùi so với mong mỏi của dân chúng?

Và có phải với những bộ óc chiến lược tham gia soạn thảo báo cáo (cả người Việt và chuyên gia nước ngoài), dù rất tự tin, dù rất lạc quan cũng không dám chắc trong vòng 10 năm nữa, chúng ta sẽ có một nhà nước thượng tôn pháp luật? 

Đâu là rào cản khiến các chuyên gia không dám đưa ra lời khẳng định mà chỉ là: “Tầm nhìn này cũng dự báo một nhà nước thượng tôn pháp luật” vào năm 2035? 

Rõ ràng các nhà hoạch định chiến lược được Chính phủ tập hợp đã nhận thấy sức cản quá lớn của thể chế hiện hành, đã không dám mơ ước một “con đường phía trước” thênh thang rộng mở. 

Họ không hề lạc quan như một bình luận trên bbc.com ngày 25/2/2016 rằng: “Báo cáo Việt Nam 2035 do các chuyên gia World Bank và Việt Nam thực hiện quá lạc quan, không đi sâu vào những trở lực khiến kinh tế chậm phát triển”. [3]

Trong vòng 20 năm nữa khi mà chúng ta còn loay hoay với việc xây dựng một nhà nước thượng tôn pháp luật thì robot sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn sản xuất, giới chủ tư bản không cần đến nhân công giá rẻ nữa, hệ quả tất yếu của quá trình này là lực lượng lao động cơ bắp sẽ mất việc, sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. 

Nếu không đưa chất xám vào sản xuất, nghiên cứu, giáo dục, nếu chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, liệu 20 năm nữa rừng có còn là vàng, biển có còn là bạc và lao động giá rẻ có còn là động lực thu hút đầu tư nước ngoài?

Khi được khai phóng, con người tại các quốc gia tiên tiến sẽ dành thời gian cho sáng tạo khoa học, âm nhạc, văn học, hội họa, cho việc tìm hiểu sự sống ngoài vũ trụ,… còn người Việt vẫn lẽo đẽo trên mặt đất với mơ ước “bầu trời trong xanh” và “nước sạch”?

Việt Nam - giấc mơ 2035 (phần cuối): Con đường phía trước ảnh 4

Việt Nam - giấc mơ 2035: Phần 3 - Vì sao tụt hậu?

(GDVN) - Người Việt cần bao lâu để gột rửa sạch những “tập nhiễm xấu” đã di truyền “từ trước đến nay” và bao lâu nữa để bắt kịp nhịp điệu sáng tạo của nhân loại?

Nếu chỉ có thế thì bao giờ chúng ta mới “sánh vai được với các cường quốc năm châu”?

Nếu chỉ có thế thì có nên coi đó là tương lai mà toàn dân tộc hướng tới?

Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập cho thấy loài người đang sống trong một thế giới hai mặt, một mặt cố gắng tiếp cận chân lý và mặt khác, tìm đủ cách lừa dối đồng loại?

Trong khi các nhà khoa học tự nhiên (Toán học, Vật lý, Hóa học,…) luôn tìm lời giải chính xác cho các hiện tượng, quy luật vũ trụ thì giới chính trị lại xem lừa dối là một phần không thể thiếu của xã hội loài người.

Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc (Read Barack Obama’s Final Speech to the United Nations as President) [3], ông Obama nói: 

“Tôi cho rằng lịch sử kể với chúng ta một câu chuyện khác xa so với những gì tôi nói ở đây hôm nay. Toàn cảnh lịch sử cho thấy nhiều mảng đen tối và hoài nghi mà chúng ta có thể (đang) vận dụng. Loài người (rất) thường xuyên bị thúc đẩy bởi lòng tham và quyền lực. 

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, các nước lớn luôn bắt nạt các quốc gia nhỏ bé quanh mình. Các chủng tộc, các nhóm sắc tộc và các nhà nước dân tộc chủ nghĩa luôn luôn tìm thấy những lý do để biện minh cho những gì họ căm ghét thay vì những ý tưởng kết nối nhân loại với nhau” (*).

Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga là những quốc gia phát động hoặc tham gia nhiều cuộc chiến nhất thời hiện đại. Trung Quốc là nước gây chiến với hầu hết các quốc gia có chung biên giới. 

Nếu năm quốc gia có quyền phủ quyết tại Liên hợp quốc liên thủ để cưỡng bức các quốc gia nhỏ bé thì đó là nỗi bất hạnh của toàn nhân loại.

Trong mỗi quốc gia, nếu các lực lượng chính trị liên thủ để đàn áp dân chúng thì đó là nỗi bất hạnh của dân tộc.

Tuy nhiên thế giới không chỉ có Liên hợp quốc mà còn nhiều tổ chức khác mà tiếng nói của các chủ thể này ngày càng có trọng lượng như Liên minh Châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhóm các quốc gia mới nổi BRICS (Brasil, Russia, India, China, South Africa),… 

Sự tồn tại của các nhóm quốc gia ngoài Liên hợp quốc phản ánh tính quy luật rằng không có gì là độc tôn, không một tổ chức nào, một học thuyết nào hoặc một quốc gia hùng mạnh nào có thể giữ vị trí thống lĩnh mà không có sự phản kháng từ các chủ thể khác. 

Sự khác nhau có chăng là ở chỗ người Mỹ thừa nhận “các nước lớn luôn bắt nạt các quốc gia nhỏ bé” còn người Trung Quốc thì luôn chối cãi, rằng họ không phải là kẻ bắt nạt.

Thế nhưng họ lại có điểm chung, đó là hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới hiện tại.

Những năm cuối của thế kỷ 20, người Trung Quốc làm nên điều thần kỳ khiến thế giới sửng sốt bởi với họ, màu sắc của mèo không quan trọng, miễn là bắt được chuột

Điều quan trọng là giới lãnh đạo Trung Quốc đã khiến cho người dân của họ tự hào về sức mạnh quốc gia, khiến những nơi phồn hoa đô hội nhất thế giới vẫn phải mở cửa đón du khách Trung Quốc dù họ vứt rác bừa bãi ở sân bay và làm ầm ĩ nơi công cộng. 

Quá quan tâm đến màu sắc của mèo có phải chính là sự cản trở tiến trình phát triển của xã hội mà ông Đặng Tiểu Bình đã sớm nhận ra, đã sớm từ bỏ qua câu nói đã thành chiến lược hành xử của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc: “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”?

Con đường phía trước của Việt Nam phải là con đường tắt, con đường đón đầu chứ không phải là con đường mà nhân loại đã trải qua nhiều thập niên trước.

Dập khuôn cung cách của mấy chục năm qua chúng ta mãi sẽ chỉ nhìn thấy lưng của những người khổng lồ.

Xóa bỏ rào cản thể chế, khai phóng tư tưởng dân chúng chính là con đường giúp chúng ta không phải chờ đợi 20 năm để có một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Giữ nguyên cách nghĩ, cách làm và cách nói như hiện nay, người Việt sẽ không bị đói, sẽ có thể dẫn đầu thế giới về lúa gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu,… nhưng các thế hệ tương lai sẽ không thể không nêu câu hỏi, rằng vì sao có lúc dân tộc mình đứng chót bảng về cống hiến cho nhân loại?.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/lich-su-dang/doc-4930201510484046.html

[2]http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/655-thuc-trang-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-hien-nay.html

[3]http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/160225_vn_2035_world_bank

[4]http://time.com/4501910/president-obama-united-nations-speech-transcript/

(*) nguyên văn tiếng Anh:

Let me conclude by saying that I recognize history tells a different story than the one that I’ve talked about here today. There’s a much darker and more cynical view of history that we can adopt. Human beings are too often motivated by greed and by power. Big countries for most of history have pushed smaller ones around. Tribes and ethnic groups and nation states have very often found it most convenient to define themselves by what they hate and not just those ideas that bind them together.

Xuân Dương