Chương trình mới sao chép VNEN thì thà giữ chương trình cũ còn hơn

12/02/2018 07:06
Thuận Phương
(GDVN) - “Thà cứ dạy học sinh bằng chương trình hiện hành còn đỡ hơn nhiều cái chương trình sắp chỉnh sửa theo kiểu nửa dơi, nửa chuột ấy".

LTS: Cho rằng, chương trình sách VNEN thực chất là “bình mới nhưng rượu còn tệ hơn rượu cũ”, cô Thuận Phương đã đưa ra những phân tích và quan điểm về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết, mời quý thầy cô và những ai quan tâm đến chương trình sách giáo khoa mới, dự án/mô hình VNEN tham gia phân tích làm sáng tỏ các vấn đề bài viết đặt ra. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.

Nhìn vào những nội dung chi tiết chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt là sau phát biểu của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng "tên gọi mới, nhưng các vấn đề trong chương trình mới không hề xa lạ" thì chúng tôi thực sự thấy lo lắng cho nền giáo dục nước nhà.

Sách giáo khoa Tiếng Việt của Chương trình 2000 biên soạn cẩu thả, sách VNEN chép lại y chang

Chương trình, sách giáo khoa năm 2000 là một sự thất bại nặng nề trong giáo dục.

Bộ sách giáo khoa ra đời chưa lâu đã nhận được khá nhiều lời chỉ trích, phản ứng của các nhà chuyên môn.

Thế nhưng mô hình Trường học mới Việt Nam (viết tắt là VNEN) nhập khẩu từ Colombia về đã sao y bản chính, copy một cách cẩu thả kể cả những lỗi sai về từ, về dấu câu trong sách giáo khoa Chương trình 2000.

Sách giáo khoa VNEN theo chương trình giáo dục mới (Ảnh minh họa: TTXVN).
Sách giáo khoa VNEN theo chương trình giáo dục mới (Ảnh minh họa: TTXVN).

Đơn cử, bài thơ "Tiếng ru" của Tố Hữu (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, tập 1) ở chương trình hiện hành chú thích nghĩa từ "nhân gian": chỉ loài người nhưng nghĩa thực phải là (cõi đời, nơi loài người đang ở).

Chuyện này cũng đã có khá nhiều ý kiến cho rằng giải thích như thế là sai, chưa phù hợp. Thế nhưng khi soạn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 3 VNEN các nhà biên soạn vẫn cứ để nguyên.

Hay như từ “uy nghi” trong bài “Cây và hoa bên lăng Bác” (Tiếng Việt lớp 2 cuốn 2B, trang 53) giải nghĩa là: trang nghiêm. Trong khi từ điển lại giải thích rằng uy nghi: có dáng vẻ tôn nghiêm, gợi sự tôn kính.

Từ “ngẩn ngơ” bài “Cháu nhớ Bác Hồ” (Tiếng Việt lớp 2 cuốn 2B, trang 40) giải nghĩa là: cảm thấy như mơ.

Trong khi đó, từ điển tiếng Việt lại giải nghĩa ngẩn ngơ: ở trạng thái như không còn chú ý gì đến chung quanh, vì tâm trí đang để ở đâu đâu.

Câu “Nơi chôn rau cắt rốn” trong phân môn Luyện từ và câu bài: Mở rộng vốn từ Tổ quốc (Tiếng Việt lớp 5 tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trang 18, số xuất bản 1517/105-05) đã gây sự tranh cãi khá nhiều trên các diễn đàn. Thế nhưng cụm từ này vẫn xuất hiện trong chương trình sách VNEN.

Một ví dụ khác, trong sách Tiếng Việt lớp 3 (tập 2) trang 60 viết về Hội đua voi ở Tây Nguyên (Theo Lê Tấn) có đoạn: "Trường đua là một đoạn rộng phẳng lì, dài hơn năm cây số". 

Chương trình mới sao chép VNEN thì thà giữ chương trình cũ còn hơn ảnh 2Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN?

Khá nhiều người cho rằng "trường đua voi" ở Tây Nguyên không thể có đường đua rộng, phẳng lì dài năm cây số như sách mô tả.

Và còn hàng chục lỗi sai chính tả nằm ở tất cả sách từ lớp 2 đến lớp 5, dù chương trình hiện hành có đính chính nhưng sách VNEN vẫn không hề sửa lại.

Để chứng tỏ rằng chương trình VNEN hoàn toàn mới so với chương trình hiện hành, các nhà biên soạn sách đã làm một cuộc “thay máu” nhưng thực chất chỉ là “bình mới rượu tệ hơn rượu cũ”.

Đó là việc gộp chung các phân môn tiếng Việt thành một tên gọi chung là Tiếng Việt.

Thực chất khi dạy giáo viên vẫn phải dạy nội dung của 6 phân môn nhỏ như trước đây. Cụ thể chương trình hiện hành, giáo viên sẽ dạy các phân môn Tập đọc, Tập làm văn, Tập viết, Luyện từ và câu, Chính tả, Kể chuyện.

Sang sách VNEN họ nói rằng đã giảm bớt một số môn học và tên gọi chỉ còn là môn Tiếng Việt (nội dung dạy vẫn là 6 phân môn giống chương trình hiện hành).

Điều bất cập xảy ra là nội dung của tất cả 6 phân môn ấy trong một tuần được dồn vào 3 bài (ví dụ bài 22A, 22B, 22C) mỗi bài học 3 tiết, một tuần học 9 tiết Tiếng Việt, nội dung học cũng y chang hầu như chẳng khác gì 6 phân môn học trong chương trình hiện hành trước đây.

Ở chương trình hiện hành, từng môn riêng lẻ, từng bài độc lập, giáo viên dễ dạy, học sinh dễ theo dõi bài học. Thì VNEN đã dồn những nội dung ấy chỉ vào 3 bài học được các nhà biên soạn ngăn cách bằng những dấu sao.

Rồi ở bậc trung học hai môn học Lịch sử và Địa lý qua VNEN tích hợp thành Lịch sử và Địa lý, ba môn học ở trung học cơ sở Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên để "đi tắt đón đầu" Chương trình, sách giáo khoa mới.

Chỉ là thay tên gọi chứ thật ra giáo viên dạy những môn học này ở chương trình VNEN nói rằng vẫn là các bài học đứng độc lập từng phần với nhau. Cả năm học chỉ có vài bài về đo độ dài, khối lượng là mang tính tích hợp lấy có.

Nếu tính tên các môn học thì đương nhiên đã giảm được khá nhiều môn (do sự gộp môn) nhưng thực chất học sinh vẫn phải học như thế.

Liệu chương trình mới có phải bản sao của VNEN?

VNEN là "con lai" của Chương trình 2000 (ruột) với mô hình Trường học mới Colombia (vỏ).

Chương trình mới sao chép VNEN thì thà giữ chương trình cũ còn hơn ảnh 3Sách VNEN "đắt xắt ra miếng", vừa in đã hỏng

Việc "lai tạp" này đã phản khoa học, bởi một mô hình khi thay ruột thì nó đã không còn là chính nó.

Trong khi lẽ ra Bộ muốn nhập khẩu mô hình Trường học mới Colombia thì phải giữ nguyên bản chính;

Thực nghiệm trong phạm vi hẹp để xem có phù hợp "thổ nhưỡng" Việt Nam hay không, sau đó điều chỉnh cho phù hợp và triển khai nếu chứng minh được nó thực sự hiệu quả hơn mô hình truyền thống.

Đằng này Bộ chỉ thí điểm ở 6 tỉnh, có tiền tài trợ (thực tế vẫn là 1 loại tiền ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách), lập tức VNEN được triển khai ra 63 tỉnh thành chỉ sau 1 năm mà không có báo cáo tổng kết nào được công khai, để dư luận thấy VNEN thực sự tiên tiến, ưu việt hơn mô hình truyền thống.

Những điều tốt đẹp từ VNEN chỉ đến từ các nhà quản lý giáo dục, dự án và những ai hưởng lợi từ dự án. Thực tế ở không ít địa phương, cha mẹ học sinh phải đấu tranh cho con mình thoát khỏi VNEN.

Công văn số 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/6/2016 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, thông báo: 

"Bộ sách giáo khoa VNEN" sẽ được chỉnh lí, hoàn thiện để trở thành 1 trong những bộ sách giáo khoa phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nếu đúng thế này sẽ là "thảm họa” cho ngành giáo dục của chúng ta. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Phòng đã từng dạy theo chương trình VNEN lại đồng loạt xin rút lui, dừng hẳn;

Còn Thái Bình dừng nhân rộng VNEN một cái là giáo viên như mở cờ trong bụng, khi được chấm dứt chuỗi ngày sáng VNEN cho hài lòng cấp trên quản lý dự án, chiều dạy lại kiểu truyền thống để học sinh có kiến thức, kĩ năng.

Sau thời gian thử nghiệm dạy chương trình VNEN ở nhiều trường học thì điều dễ dàng nhận ra nhất là chất lượng học sinh bị tụt dốc thảm hại.

Chương trình VNEN không chỉ thất bại về phương pháp dạy học mà nội dung kiến thức cũng bị phản ánh là quá nhiều sạn.

Nay chương trình mới lại căn cứ vào đó để chỉnh lí, hoàn thiện liệu việc làm này có đáng tin cậy? Liệu lần chỉnh lí, hoàn thiện này có đi theo bánh xe đổ của chương trình 2000 hay không?

Câu trả lời mà chúng tôi tiên liệu còn thảm hại hơn nhiều. Bởi ngôi nhà được xây mới sẽ vững chắc khi được xây dựng trên một nền móng khá vững chãi. Còn căn nhà được xây dựng từ đống đổ nát sẽ sập đổ bất cứ lúc nào dù có được trang trí lộng lẫy đến đâu.

Thế nên nhiều người lại ước “thà cứ dạy học sinh bằng chương trình hiện hành còn đỡ hơn nhiều cái chương trình sắp chỉnh sửa theo kiểu nửa dơi, nửa chuột ấy".

Thuận Phương