Hướng dẫn kỉ luật, sao không cho học sinh con đường tiến bộ?

12/11/2018 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu thời gian sau các em có tiến bộ không tái phạm cần xóa “án treo” trước đó. Ngược lại, nếu tiếp tục vi phạm nhà trường nên xét kỉ luật và hạ hạnh kiểm.

LTS: Thẳng thắn cho rằng, cần bỏ quy định mức xử lý kỉ luật học sinh vi phạm “dù chỉ một lần” trong Thông tư 08/TT,, cô Phan Tuyết đưa ra quan điểm thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Hiện nay, trong các trường phổ thông vẫn đang áp dụng việc hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/03/2011 và Thông tư số 08/TT của Bộ Giáo dục.

Riêng thông tư 08/TT Hướng dẫn về việc khen thưởng và kỷ luật học sinh đã được ban hành cách đây 30 năm.

Thế nên có khá nhiều điểm đã không còn phù hợp với thực tiễn quản lý, giáo dục học sinh hiện nay. Dẫn đến tình trạng nhiều trường học áp dụng để xử lý học sinh vi phạm một cách cứng nhắc gây khá nhiều bất bình cho xã hội.

Thông tư 08/TT Hướng dẫn về việc khen thưởng và kỷ luật học sinh đã lỗi thời (Ảnh minh họa: nld.com.vn).
Thông tư 08/TT Hướng dẫn về việc khen thưởng và kỷ luật học sinh đã lỗi thời (Ảnh minh họa: nld.com.vn).

Học sinh không có cơ hội sửa chữa

Một số lỗi quy định học sinh chỉ vi phạm một lần là không còn cơ hội để sửa chữa. Thế là một số em trong quá trình học do cố ý hoặc vô tình vướng vào sai phạm.

Các em cũng đinh ninh rằng hạnh kiểm của mình sẽ là như thế. Vì “mình có phấn đấu tốt cỡ nào, có sửa chữa tốt đến đâu thì cũng như “tay đã nhúng chàm” mức kỉ luật đã được ấn định sẵn mà không có cách nào xóa đi được.

Trong Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục có quy định khá rõ về những mức kỉ luật như: khiển trách trước lớp; Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học một tuần lễ; Đuổi học 1 năm…

Ở các mức kỉ luật học sinh, ta bắt gặp khá nhiều cụm từ “Mắc khuyết điểm sai phạm thuộc những điều nhà trường ngăn cấm, dù chỉ là một lần, song đã có tác hại nhất định đến việc giáo dục toàn diện của nhà trường”…

Chính quy định này, đã làm không ít học sinh lỡ vi phạm rồi cũng chẳng buồn phấn đấu. Bởi có nỗ lực phấn đấu thì kết quả kỉ luật vẫn không thay đổi.

Cậu học trò con người bạn học lớp 12 một trường trung học phổ thông, trong giờ kiểm tra (mới vào đầu học kì 2) em vừa quay bài vừa đọc cho bạn bên cạnh chép. Khi bị giáo viên coi thi phát hiện, bài thi đã bị đánh dấu bài.

Hướng dẫn kỉ luật, sao không cho học sinh con đường tiến bộ? ảnh 2Những quy định cứng nhắc có thể gây ra hệ lụy lớn cho tương lai

Theo quy định của Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục, em bị kỉ luật khiển trách trước lớp. Nhận hình thức kỉ luật này, cuối năm đương nhiên em sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm.

Biết mình có cố gắng, có nỗ lực đến đâu thì cái án kỉ luật trên vẫn không được xóa. Nghiệt nỗi hạnh kiểm của học kì 2 cũng chính là hạnh kiểm cả năm học. Thế là, cậu bé tuyên bố “một lần quay bài hay mười lần quay bài cũng thế thôi” và kể từ đó, cậu bé lười học hẳn.

Một học sinh khác cũng mắc lỗi tương tự. Gia đình khuyên nên cố gắng phấn đấu để cuối năm có cơ hội “lấy công chuộc tội”. Bởi mẹ em nói “con có nguyện vọng vào trường công an, nhưng hạnh kiểm loại khá sẽ không được tuyển”.

Dù hết học kì 2, cậu bé được giáo viên nhận xét có nhiều tiến bộ trong học tập và sinh hoạt. Được nhiều bạn bè thương yêu, thầy cô cũng quý mến, thế nhưng cái vi phạm khiển trách trước lớp không thể bỏ.

Và cậu cũng bị xếp loại hạnh kiểm khá đồng nghĩa với việc cái ước mơ trở thành công an chẳng có cơ hội thực hiện.

Một số quy định đã không còn phù hợp

Một số quy định về việc phạm lỗi của học sinh thật sự vô lý và làm khó các em. Ví như “gây mất đoàn kết trong tổ, nhóm học tập, bao che hoặc đồng tình với hành động sai phạm của bạn, không báo cáo với nhà trường những việc làm sai trái của bạn mà mình đã biết để nhà trường có biện pháp ngăn ngừa kịp thời”…

Chuyện học sinh “…không báo cáo với nhà trường những việc làm sai trái của bạn mà mình đã biết để nhà trường có biện pháp ngăn ngừa kịp thời”.

Người lớn chúng ta mà cụ thể là các thầy cô giáo cũng có làm được điều này không? Đương nhiên là không (hoặc vô cùng ít).

Hướng dẫn kỉ luật, sao không cho học sinh con đường tiến bộ? ảnh 3Thông tư 08 của Bộ Giáo dục về khen thưởng, kỷ luật học sinh đã cũ kỹ, lạc hậu

Sao chúng ta lại đòi hỏi những đứa trẻ (chưa ra người lớn) làm cái điều mà chúng ta xem là khó?

Thấy bạn làm sai, các em không làm theo đã là may mắn. Đòi hỏi các em phải báo cáo hay nói đúng hơn là tố cáo bạn đã hợp lý chưa?

Hay như việc quy định học sinh không thuộc bài hoặc làm bài, không chuẩn bị bài đầy đủ do thầy, cô giáo quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng.

Nếu như trước đây, học sinh học yếu sẽ phải ở lại nên quy định này các em rất sợ. Còn bây giờ, thầy cô đâu dám (hoặc không có quyền) cho học sinh ở lại lớp, có em nào nghỉ học giáo viên lại chẳng phải năm lần bảy lượt tới nhà năn nỉ nên quy định trên thật sự chẳng có tác dụng gì.

Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung thêm một số vi phạm của học sinh mà trong Thông tư 08/TT chưa đề cập.

Ví như xăm mình, nhuộm tóc xanh, tóc đỏ; đánh thầy cô, “khủng bố” thầy cô giáo, bạn bè, đặt điều nói xấu, vu khống trên điện thoại, internet; quay clip đánh nhau tung lên mạng, tổ chức đánh bài, cá độ; trao đổi chất kích thích…

Nên xóa mức kỉ luật theo sự tiến bộ của các em

Cần bỏ quy định mức xử lý kỉ luật học sinh vi phạm “dù chỉ một lần” trong Thông tư 08/TT.

Chuyện các em quay bài, gây mất đoàn kết trong tổ, nhóm học tập, ăn cắp bút sách, đồ dùng của bạn hay vi phạm an toàn giao thông…cần phải cho các em cơ hội sửa sai.

Nếu thời gian sau có tiến bộ không tái phạm còn là học sinh gương mẫu cần xóa “án treo” trước đó. Ngược lại, nếu tiếp tục vi phạm tiếp những lần sau mới nên xét kỉ luật và hạ hạnh kiểm.

Khi áp dụng những quy định này, tin chắc các em sẽ ít tái phạm và chuyên tâm phấn đấu.

Có vậy, học sinh mới không buông xuôi vì mặc định vi phạm (chỉ một lần, lần sau dù tốt thế nào) cũng vẫn là hạ hạnh kiểm.

Phan Tuyết