Này, nó là con cô giáo đấy...

03/12/2017 08:00
HỮU SƠN
(GDVN) - Có không ít thầy cô là phụ huynh thích cho con em vào học tại trường, lớp mình. Để có điều kiện gần gũi, nhắc nhở việc học hành, rèn luyện cho con em tốt hơn.

LTS: Từ câu chuyện thực tế mà bản thân được tiếp xúc, trong bài viết lần này tác giả Hữu Sơn đã có những chia sẻ về việc học tập của các em học sinh khi có bố mẹ là giáo viên tại chính nơi mình đang theo học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, một cô giáo dạy môn Văn - Sử  của trường trung học cơ sở thuộc thành phố Q.N (là học trò cũ của tôi) đã đến nhờ tôi xem và cho ý kiến về bài kiểm tra 1 tiết môn Văn của một học sinh lớp 8D được cô giáo cho 8,5 điểm.

Soi xét kỹ bài làm của em học sinh và đáp án của người ra đề thi tôi nhận thấy cô giáo đánh giá, ghi điểm như vậy là hoàn toàn chính xác.

Tuy nhiên, mẹ của em học sinh này, cũng là giáo viên dạy văn cùng tổ Văn với học trò cũ của tôi, lại cho rằng cô giáo chấm chưa đúng, thiệt thòi về điểm số cho con của mình và yêu cầu cô giáo chấm phải nâng thêm 1 điểm nữa, thành 9,5. 

Tất nhiên, cô giáo chấm kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Mẹ của em học sinh còn dọa sẽ kiện thưa cô giáo chấm lên Ban Giám hiệu, đến Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố để biết ai đúng, ai sai.

Này, nó là con cô giáo đấy... ảnh 1Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?

Qua tìm hiểu thực tế, tôi được biết thêm, phụ huynh - cô giáo này luôn mong muốn con mình về điểm số, kết quả học tập phải nhất lớp, không có bạn nào sánh bằng.

Cho nên, năm ngoái, khi phụ huynh - cô giáo được phân công dạy 2 môn thuộc lớp con mình, các cột điểm ở 2 môn ấy của con cô cao ngất ngưởng, toàn 9, 10 điểm khiến các học sinh cả lớp ngỡ ngàng…

Các giáo viên bộ môn lớp của con cô từ lớp 6 đến nay, nhiều lúc cũng cảm thấy bực mình, khó chịu với việc cô giáo này cứ hay hỏi han chuyện điểm số, bài kiểm tra của con mình được bao nhiêu, nếu thấy thấp điểm cô lại xin nâng lên thành điểm khá, điểm giỏi. Ai không nâng điểm cho con cô, cô giáo này ghét ra mặt.

“Những đứa, cái Thủy con cô Lan, cái Trang con cô Hiệp, thằng Trọng con thầy Hưng, Hiệu phó của trường em thật đáng ghét.

Tụi nó ỷ là con em của thầy cô giáo dạy tại trường nên hay coi thường, chảnh chọe, lên giọng, tỏ vẻ ta đây với chúng em.

Tụi nó học thuộc dạng trung bình, yếu, khi thi tuyển sinh lớp 10, các môn đều có giáo viên “gà bài”, đem tài  liệu cho chép, bây giờ lại luôn được nhiều thầy cô giáo quan tâm, cho điểm rất cao.

Chúng em ghét tụi nó một, ghét thầy cô giáo mười, do đối xử thiếu công bằng với học sinh trong trường, lớp. Đến nay, tập thể  lớp chúng em đã tẩy chay, nghỉ chơi luôn với tụi nó rồi”, mấy em học sinh học khá, giỏi ở trường từng tâm sự riêng với tôi như thế.

Ở nơi có nhiều trường để lựa chọn, nhiều giáo viên - phụ huynh không muốn cho con em của mình vào học trường mà mình đang làm việc, vì nhiều lẽ.

Các em sinh ra chủ quan, ỷ lại vào bố, mẹ. Bố mẹ, nếu là làm cán bộ quản lý thì có nhiều thứ khó xử với anh, chị, em, đồng nghiệp khi con em mình chưa ngoan, học còn yếu.

Khi Bố Mẹ là giáo viên dạy trong trường con mình theo học (Ảnh minh họa từ Internet).
Khi Bố Mẹ là giáo viên dạy trong trường con mình theo học (Ảnh minh họa từ Internet).

Song cũng có không ít thầy cô giáo - phụ huynh thích cho con em mình vào học tại trường, lớp của mình. Để có điều kiện gần gũi, quan tâm, nhắc nhở việc học hành, rèn luyện cho con em tốt hơn.

Con em của giáo viên cũng như con em của các đối tượng khác đều có quyền lựa chọn cho mình trường, lớp ưng ý, phù hợp nhất.

Tất nhiên, đã là con em ruột thịt của anh, chị em, đồng nghiệp cùng chung một tổ, một trường với mình thì thường được các thầy cô giáo trong trường quan tâm, giúp đỡ, ưu ái hơn các đối tượng học sinh khác. Âu là chuyện bình thường.

Tâm lý chung ở con người Á Đông là vậy. Thật đáng tiếc, có một số thầy cô giáo - phụ huynh thay vì nhờ gửi đồng nghiệp quan tâm, khuyên nhủ, động viên con em bằng tình cảm, lời nói, nghệ thuật sư phạm, phụ đạo thêm cho con em trong trường hợp nó học còn yếu kém thì lại quá câu nệ, nặng nề, thậm chí ham hố về thành tích, điểm số quá mức, không phản ánh đúng thực lực con em mình khiến các em khác bất bình và đẩy đồng nghiệp của mình rơi vào tình thế khó xử đối với tất cả học sinh, phụ huynh khác.

Lỗi chính là ở người lớn, thầy cô có con em; thầy cô giảng dạy vì tình cảm, nể nang mà dễ dãi với con em giáo viên, thiếu công bằng với các em khác.

Tôi thiết nghĩ, các thầy cô - phụ huynh hãy bớt đi bệnh thành tích, khoe mẽ, cứ để nhà trường, đồng nghiệp thoải mái, vô tư trong đánh giá, chấm điểm, cứ để con em mình tự cố gắng, nỗ lực, không còn tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào người thân nữa.

Môi trường giáo dục hiện đang cần lắm sự gương mẫu, nghiêm túc từ chính tất cả thầy cô giáo chúng ta.  

HỮU SƠN