LTS: Trước thực trạng, hiện nay, chất lượng giáo dục phổ thông rất cao nhưng nhiều sinh viên ra trường không soạn nổi văn, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thầy Nhật Khoa đã có bài viết đưa ra quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thực trạng hiện nay, chất lượng giáo dục ở các bậc học phổ thông hàng năm rất cao, theo thống kê học sinh giỏi, khá ở bậc phổ thông luôn chiếm tỷ lệ lớn.
Học sinh đỗ vào các trường đại học thường có học lực khá, giỏi trở lên nhưng sinh viên ra trường vừa thiếu chất lượng, thiếu kỹ năng, thiếu phẩm chất…là một nghịch lý có thật nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để.
Trong phiên họp Quốc hội ngày 15/11, nhiều đại biểu băn khoăn về chất lượng giáo dục đại học bởi tình trạng sinh viên ra trường không soạn nổi một văn bản, không đáp ứng nhu cầu của xã hội về tuyển dụng và cả kiến thức, kỹ năng, thái độ…sinh viên ra trường thất nghiệp không còn là hiếm.
“Tốt nghiệp là thất nghiệp” không còn là những câu đùa, câu cửa miệng của sinh viên mà nó đang là những nỗi lo sợ thật sự của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường, nó không chỉ là trách nhiệm của trường đại học, của sinh viên mà phải nói đến cả trách nhiệm của việc dạy học ở bậc phổ thông.
Chất lượng phổ thông rất cao nhưng nhiều sinh viên ra trường không soạn nổi văn (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Không phải xã hội, doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng mà thật sự có rất nhiều sinh viên chưa đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng, không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.
Chất lượng phổ thông cao chót vót
Hiện nay, trong các báo cáo thì chất lượng học sinh đạt tỷ lệ học sinh giỏi, khá ở phổ thông hầu như rất cao.
Trong những năm gần đây, ở bậc tiểu học, học sinh hoàn thành chương trình lên lớp thẳng gần như 100%, tỷ lệ tương tự ở bậc trung học cơ sở học sinh xếp loại trung bình trở lên trên 95%, xét tốt nghiệp trung học cơ sở (xét kết quả học tập ở lớp 9) gần như 100%, đến bậc trung học phổ thông tỷ lệ cũng rất cao, học sinh lớp 12 đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và được xét tốt nghiệp gần như 99%.
Dựa vào những con số trên, chúng ta nhận thấy chất lượng giáo dục Việt Nam đạt rất cao.
Nếu chỉ dựa vào các con số trên có thể nghĩ rằng học sinh Việt Nam học quá giỏi, khó có một nơi nào mà tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng, học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi như ở nước ta nếu dựa vào các con số trong các báo cáo.
Đánh giá chất lượng học sinh phổ thông thì yếu về kiến thức, thái độ nhưng chất lượng lại rất cao là do đâu?
Nó cho thấy một sự thật rằng, thống kê kết quả trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhiều cơ sở giáo dục chỉ dựa trên thành tích, chạy theo thành tích, thi đua giữa các tổ, cá nhân, của trường chỉ dựa trên báo cáo thành tích của các trường, nên đã đẩy tỷ lệ học sinh khá, giỏi lên rất cao.
Nhìn vào tỷ lệ trên, cho thấy sự ảo tưởng về năng lực thật sự của học sinh hiện nay, đi đâu cũng nghe bàn tán về chất lượng giáo dục, ai cũng bàn về những bất cập của giáo dục, giáo viên ai cũng than về chất lượng học sinh học ngày càng yếu.
Nhiều học sinh vào lớp 6 lại có em không đọc nổi một bài thơ, chưa viết rành chữ, học sinh lớp 9 thì có em chưa giải được phưng trình bậc 1, có học sinh lớp 9 mà 10 chia cho 2 nếu không dùng máy tính thì không tính được kết quả là bao nhiêu.
Phải thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu để đưa quốc gia lên hùng cường |
Tôi đã có một cuộc khảo sát dựa trên học sinh lớp 9 khi tôi cho phương trình bậc 1 kiểu: 3 – x = 10 hay phương trình 3/x = 6 thì rất nhiều em không giải ra được x là bao nhiêu? Đó chính là hệ quả của việc chạy theo thành tích.
Học sinh học như một cái máy, sự tư duy, nhận thức động cơ, thái độ học tập của học sinh không được xây dựng một cách nghiêm túc từ gốc, rễ cho các em phát triển đúng năng lực thật sự mà chỉ làm cho các em ảo tưởng về kết quả, ảo tưởng về năng lực bản thân dẫn đến mất hứng thú, mất động cơ và thái độ học tập đúng đắn.
Người thầy chạy theo chỉ tiêu thi đua, mất quyền tự chủ, sáng tạo,…dẫn đến thụ động chấp hành, chạy theo kết quả giả tạo, đối phó không tập trung vào chất lượng dạy học.
Cuối năm không cần biết trường học đó làm điều gì tốt, trường đó có vi phạm không, chỉ cần báo cáo kết quả đẩy lên càng cao càng tốt, thì sẽ được xếp loại trường tiên tiến, cao hơn nữa thì xếp loại xuất sắc, được khen thưởng.
Bởi vậy mới có nghịch lý trường nào càng gian dối trong việc lùa chất lượng, tỷ lệ học sinh giỏi càng cao thì được khen thưởng.
Do đó, có việc ở một ngôi trường mà mọi thứ đều lẹt đẹt nhưng nhờ làm láo, báo cáo láo thì được khen thưởng; trường làm thật thì bị cắt thi đua, phê bình, nên không ai dại tự bắn vào chân mình, “nước lên thì thuyền phải lên”, “chất lượng năm sau cao hơn năm trước” là 2 câu mà các vị Hiệu trưởng thường bắt buộc học sinh phải ghi nhớ và phải thực hiện theo.
Nhiều sinh viên ra trường không soạn nổi văn bản
Chúng ta có những ngôi trường đại học có uy tín, sinh viên ra trường có chất lượng cao, giỏi đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhưng bên cạnh đó cũng còn một số trường đại học khi đào tạo thì sinh viên không theo kịp chương trình, khi ra trường thì không đáp ứng nhu cầu của xã hội, có sinh viên ra trường không soạn nổi một văn bản.
Không phải đó chỉ là ý kiến của các nhà giáo, các đại biểu Quốc hội mà còn là thông tin nhiều doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng của các công ty trong nước và ngoài nước “than” về tình hình chất lượng, kiến thức, kỹ năng, thái độ, trình độ ngoại ngữ…của sinh viên khi ra trường.
Chất lượng phổ thông cao như học sinh giỏi nhiều, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao chót vót thế nhưng khi vào đại học thì mới bộc lộ sự yếu kém về năng lực, phẩm chất, kỹ năng, nhiều sinh viên không theo kịp chương trình.
Nhiều doanh nghiệp khi nhận sinh viên mới ra trường phải tốn thời gian, kinh phí để đào tạo lại, tương tự sinh viên được học Anh văn từ phổ thông, lên đại học tiếp tục học anh văn, khi ra trường có đủ chứng chỉ này chứng chỉ nọ nhưng không nói nổi một câu giao tiếp bằng tiếng Anh.
Không chỉ có trình độ ngoại ngữ, theo đánh giá của các doanh nghiệp sinh viên khi ra trường về tinh thần, thái độ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác nhóm,…đều yếu.
Nhiều doanh nghiệp “nản” với chất lượng sinh viên, theo dự tính đến nay tình hình kinh tế Việt Nam phát triển khá, bền vững, các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng đầu tư nhiều vào thị trường chúng ta.
Điều đó chứng tỏ, nhu cầu về lao động, lao động chất lượng cao còn rất nhiều nhất là các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện – điện tử,…nhưng có một sự thật là sinh viên ra trường còn yếu nên các doanh nghiệp khó tuyển dụng vào làm việc.
Do đó, nghịch lý là nhiều sinh viên có bằng đại học, thạc sĩ loại khá, giỏi thì thất nghiệp nhưng các công ty lại thiếu người làm việc nên một số công ty có yếu tố nước ngoài phải tuyển dụng nhân viên của nước họ vào làm việc.
Hiện tượng trong vài năm gần đây có khá nhiều sinh viên bị buộc thôi học do không theo nổi chương trình, do ý thức tổ chức kỷ luật kém,…là một minh chứng cho việc chất lượng học sinh ở bậc phổ thông còn “ảo” rất nhiều.
Khi học đại học một số em không theo kịp chương trình, nên phải bị đào thải, nhiều sinh viên quay lại trách giáo viên phổ thông đã làm cho mình ảo tưởng về năng lực thật sự.
Đây thật sự là vấn đế không dễ giải quyết khi một số trường đại học chưa chú trọng chất lượng đầu ra cho sinh viên, gần đây trên Báo Lao động có loạt bài viết kèm theo clip ở Trường đại học Công Nghiệp Hà Nội nghi vấn nơi đây tổ chức thi đầu ra theo gói “chống trượt”.
Theo đó, sinh viên muốn có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn đầu ra phải đóng 1,9 triệu đồng.
Điều này, không chỉ làm chất lượng sinh viên ngày càng yếu kém hơn mà còn làm sụt giảm uy tín, xói mòn lòng tin vào chất lượng đào tạo của ngôi trường đó, dư luận cũng “râm ran” về một số trường khác cũng có hành vi tương tự.
Phải mạnh dạn cởi trói áp lực thành tích cho giáo viên phổ thông
Để giải quyết thực trạng sinh viên yếu kém không thể chỉ có các trường đại học nỗ lực, cố gắng mà ở bậc phổ thông phải đánh giá đúng chất lượng thật của học sinh, không thể có việc tồn tại thành tích ảo như hiện nay.
Để sinh viên mới ra trường đáp ứng kỳ vọng của xã hội, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng,…theo như suy nghĩ của bản thân tôi việc làm hiện nay là mạnh dạn cởi trói áp lực về thành tích, chỉ tiêu thi đua cho giáo viên, quyết liệt chống tiêu cực ở bậc học phổ thông.
Những mâu thuẫn và nghịch lý của giáo dục vẫn đang thoải mái tồn tại |
Vì áp lực thành tích nên giáo viên không dám cho học sinh ở lại, dẫn đến hệ lụy nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”, có việc giáo viên dạy thật, cho điểm thật thì cuối năm bị cắt thi đua, giáo viên làm láo, báo cáo láo thì được khen thưởng.
Áp lực thành tích ở bậc phổ thông làm xói mòn niềm tin, sụt giảm uy tín của cơ sở giáo dục, làm tê liệt sự sáng tạo của người thầy, mất đi tinh thần yêu nghề, mất đi năng lực sư phạm,..
Việc cần làm ngay bây giờ là bãi bỏ ngay các chỉ tiêu thi đua, các áp lực thành tích, việc thi đua theo hình thức “kết quả năm sau phải cao hơn năm trước” trao quyền tự chủ trong việc đánh giá học sinh cho các nhà giáo để trả lại chất lượng thật, trả về lớp thật của các học sinh ngồi nhầm lớp.
Chỉ khi nào giải phóng được cho giáo viên về áp lực thành tích, chỉ tiêu thi đua một cách thực chất thì mới tạo động lực cho giáo viên trong giảng dạy, trả lại niềm tin cho nhân dân về giáo dục.
Thà một lần đau cũng mong lãnh đạo các ban ngành, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm làm để nâng cao chất lượng thật của học sinh một cách thực chất.
Nó cũng chính là cơ sở để sinh viên vào các trường đại học có chất lượng thật, đảm bảo sinh viên ra trường đạt các phẩm chất, năng lực của nhà tuyển dụng, đất nước ngày càng có nhiều nhân tài, làm cho đất nước phát triển một cách xứng tầm trong khu vực và trên thế giới.