Những sai lầm thường thấy trong đổi mới giáo dục lịch sử

14/08/2016 08:22
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Sẽ là một sai lầm lớn nếu như chỉ chú ý tới đổi mới phương pháp dạy học lịch sử mà quên đi mối quan tâm tới mục tiêu và nội dung giáo dục.

LTS: Hiện tượng“hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử”, “học sinh nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em”… dù chỉ là bề nổi của vấn đề nhưng đã nói lên mức độ nghiêm trọng của giáo dục lịch sử trong các trường phổ thông hiện nay. 

Trong bối cảnh đó, rất nhiều người đã đưa ra các giải pháp để tìm hướng đi mới cho giáo dục lịch sử. 

Tuy nhiên, theo nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản) Nguyễn Quốc Vương, nhiều giải pháp đưa ra không những không có tác dụng giải quyết tận gốc vấn đề mà còn làm cho các vấn đề ngày một trầm trọng hơn. Tác giả chỉ ra một vài ví dụ tiêu biểu. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


“Giảm tải chương trình - sách giáo khoa” 

Học sinh chán học Lịch sử vì chương trình - sách giáo khoa quá tải”- mệnh đề này thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Đi sau mệnh đề này sẽ là giải pháp “giảm tải chương trình và sách giáo khoa”. 

Những người tán thành mệnh đề này cho rằng, sách giáo khoa và chương trình hiện tại chứa đựng quá nhiều sự kiện với vô vàn con số buộc học sinh phải nhớ, phải hiểu và điều đó làm cho học sinh “quá tải”. 

Chính bản thân các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông cũng kêu lên rằng sách giáo khoa quá nhiều con số, mỗi một trận đánh lại có biết bao nhiêu con số như tiêu diệt được bao nhiêu tên địch, làm bị thương bao nhiêu tên, bắn cháy bao nhiêu xe tăng, máy bay….

Vì vậy biện pháp giải quyết là “giảm tải” là logic tất yếu và trên thực tế Bộ Giáo dục và đào tạo trước áp lực của dư luận đã từng tiến hành biện pháp này. 

Tuy nhiên, theo tôi, sách giáo khoa và chương trình hiện tại “quá tải” không hẳn vì lượng thông tin mà nó cung cấp. 

Những sai lầm thường thấy trong đổi mới giáo dục lịch sử  ảnh 1

Muộn còn hơn không!

(GDVN) - Đã đến lúc, chúng ta thực sự lo ngại về sự sa đà, lãng quên lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ở giới trẻ hiện nay.

Bởi khi so sánh sách giáo khoa Lịch sử của Việt Nam và sách giáo khoa Lịch sử của nhiều nước khác trên thế giới sẽ thấy độ dày của sách giáo khoa Lịch sử ở Việt Nam vẫn thua xa. 

Sách giáo khoa lịch sử các nước cũng có các số liệu thống kê, bảng biểu được đưa vào với tần suất dày hơn, dung lượng lớn hơn và toàn diện hơn. 
Vậy tại sao sách giáo khoa (là tài liệu cụ thể hóa chương trình) lại gây cho người dùng cảm giác nặng nề và quá tải? 

Vấn đề thực sự nằm ở chỗ quan niệm của người biên soạn, người dùng đối với sách giáo khoa. 

Nếu chúng ta coi sách giáo khoa là tập hợp các kiến thức và người dạy có nhiệm vụ truyền đạt, người học có nhiệm vụ lĩnh hội các kiến thức đó thì đương nhiên, sách giáo khoa sẽ trở nên nặng nề khi có kèm theo các con số. 

Những sai lầm thường thấy trong đổi mới giáo dục lịch sử (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Những sai lầm thường thấy trong đổi mới giáo dục lịch sử (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Ngược lại, nếu coi sách giáo khoa là một trong những tài liệu tham khảo giúp cho giáo viên thiết kế nên nội dung và các hoạt động học tập thì sách giáo khoa dày hay mỏng không còn là vấn đề quan trọng. 

Khi quan niệm như thế, cuốn sách giáo khoa nào càng nhiều tư liệu, đặc biệt là tư liệu gốc, số liệu thống kê, sự kiện… sẽ càng phục vụ tốt cho giáo viên và học sinh. 

Bởi vì trong quan niệm này giáo viên sẽ không chú trọng tới việc truyền đạt những gì được viết trong sách giáo khoa mà dựa trên những gợi ý từ chương trình và sách giáo khoa, giáo viên sẽ thiết kế nên các chủ đề học tập sử dụng các tư liệu làm phương diện trung gian để học sinh thông qua các hoạt động học tập tự chủ (tìm kiếm tư liệu, xử lý thông tin thu được từ tư liệu, phỏng vấn, điều tra thực địa, thảo luận, tranh luận…) mà nắm được các kiến thức cơ bản và rèn luyện được tư duy, phương pháp sử học. 

Cách học này có mối liên hệ chặt chẽ với việc quan niệm giáo dục lịch sử không chỉ sử dụng nội dung mà còn sử dụng cả các phương pháp của sử học. 

Những con số, số liệu thống kê, sự kiện ở trong sách không phải trở thành thứ để học sinh buộc phải nhớ, phải học thuộc lòng mà nó sẽ trở thành “nguồn thông tin”, thành “nguyên liệu” để học sinh sử dụng và tái cấu trúc chúng theo yêu cầu của vấn đề mà nhiệm vụ học tập đề ra. 

Trong quá trình học đòi hỏi sự tự chủ và tư duy cao đó, một cách tự nhiên, học sinh sẽ “nhớ” được những gì cần thiết. 

Những gì được ghi nhớ có chủ đích và chủ động ấy sẽ là nền tảng để giúp học sinh biết tra cứu các dữ liệu khác khi cần. 

Đương nhiên, việc tinh tuyển nội dung giáo dục để đưa vào chương trình, sách giáo khoa là việc làm rất cần thiết. 

Trong chương trình và sách giáo khoa hiện tại cũng có rát nhiều thứ phải “giảm tải” thậm chí mạnh dạn bỏ hẳn đi. 

Tuy nhiên, cốt lõi của hiện tượng quá tải là nằm ở quan niệm đối với sách giáo khoa và tư duy về mối quan hệ giữa sử học và giáo dục lịch sử

“Tăng cường kể chuyện, sử dụng phim ảnh sinh động” 

Trong ký ức của nhiều người có thiện cảm với môn Lịch sử khi còn đi học thì hình ảnh giáo viên kể chuyện lịch sử rất đậm nét. Hiện tại cũng vậy, những giáo viên có tài kể chuyện cũng sẽ cuốn hút học sinh hơn những giáo viên không có kĩ năng này. 

Những sai lầm thường thấy trong đổi mới giáo dục lịch sử  ảnh 3

Giáo sư Phan Huy Lê: Vì lợi ích dân tộc, không để môn Lịch sử trở nên vô nghĩa

(GDVN) - “Triển khai ra sao thì chúng tôi tiếp tục đấu tranh để duy trì môn Sử, nhưng không phải là duy trì môn Sử như hiện nay vì nó rất vô nghĩa?”.

Tuy nhiên, lối dạy học lịch sử dựa vào “kể chuyện” không hẳn đem lại toàn những điều hay. Môn Lịch sử trong trường phổ thông là một môn khoa học. 

Sự tồn tại của nó là dựa trên tiền đề này. Nếu như nó không phải là một khoa học, chắc chắn nó sẽ không thể tồn tại lâu dài. 

Một khi là khoa học thì người giáo viên phải dạy nó bằng các phương pháp khoa học và dựa trên tiêu chí khoa học. 

Một khi đã là “câu chuyện” sẽ có những sự hư cấu vượt ra ngoài sử liệu thậm chí là bịa đặt hoặc xuyên tạc lịch sử. 

Trong khi đó, tiêu chí khoa học của môn học này lại đặt ra yêu cầu phải dựa trên sử liệu và phương pháp xử lý dữ liệu nghiêm ngặt. Việc nhấn mạnh vai trò của “kể chuyện” sẽ hạ thấp tính khoa học của môn Lịch sử

Những “hình ảnh lịch sử” giàu cảm tính do lối dạy học này tạo ra ở học sinh mặc dù có tác dụng tức thời làm thỏa mãn cả người dạy và người học ở mặt cảm xúc nhưng ở bình diện lâu dài và xét ở phạm vi là một cộng đồng lớn sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ dẫn đến những nhận thức và hành động đầy cảm tính.

Nếu như trong suốt quãng đời đi học, học sinh chỉ được tiếp xúc với cách dạy học lịch sử kiểu “kể chuyện” (đặc biệt là lối kể chuyện hấp dẫn, xúc động, truyền cảm…), khi trở thành người trưởng thành, các em sẽ ít có khả năng nhận thức và giải thích các hiện tượng xã hội quanh mình, vốn là sản phẩm của lịch sử, một cách khoa học. 

Từ chỗ nhận thức và giải thích sai lầm, các cá nhân sẽ có thái độ và hành động sai lầm dẫn tới hệ quả kéo lùi sự phát triển của cộng đồng đó. 

Việc sử dụng các hình ảnh sinh động trong dạy học cũng vậy. Nếu như các hình ảnh đó không phải là tư liệu lịch sử và được sử dụng hướng vào việc kích thích tư duy sử học, rèn luyện phương pháp sử học của học sinh, việc dạy học cho dù sinh động hơn, hấp dẫn hơn vẫn chưa ra khỏi lối mòn hiện tại. 

Đó là kiểu dạy học minh họa, diễn giải các kết luận có sẵn và truyền đạt tri thức. 

“Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học lịch sử” 

Đổi mới phương pháp dạy học là chuyện đương nhiên trong quá trình cải cách giáo dục. Tuy nhiên nếu chỉ nhấn mạnh và tuyệt đối hóa vai trò của phương pháp dạy học mà quên đi mục tiêu giáo dục và nội dung giáo dục sẽ là một sự sai lầm lớn. 

Cả mục tiêu và nội dung giáo dục cũng sẽ luôn cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của thời đại, xã hội. Nếu không, giáo dục sẽ bị đào thải hoặc trở thành lực cản của phát triển. 

Những sai lầm thường thấy trong đổi mới giáo dục lịch sử  ảnh 4

Ông Dương Trung Quốc: "Bộ Giáo dục nên cẩn trọng, có thiện chí và dân chủ hơn"

(GDVN) - "Bộ quyết tâm trên nền tảng nào, quyết tâm để làm một dự án là chuyện khác, nếu quyết tâm làm thay đổi giáo dục lịch sử thì chúng tôi hết sức ủng hộ".

Giáo dục lịch sử trong thời đại hiện nay cần phải chú ý hơn đến sự phát triển của cá nhân-công dân. Giáo dục lịch sử phải hướng đến giúp cho các cá nhân có năng lực ứng phó với sự biến đổi nhanh chóng và sâu sắc của xã hội. 

Cụ thể hơn nó phải giúp cho học sinh có được năng lực tự mình phát hiện vấn đề, tự mình tìm kiếm và xử lý thông tin hướng tới giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. 

Khi nhìn nhận tác dụng của giáo dục lịch sử từ phương diện “cá nhân-công dân” như vậy, nội dung của giáo dục lịch sử sẽ phải quan tâm hơn nữa đến lịch sử của “đại chúng” của những người thường dân, những người vốn vô danh trong những sự kiện lịch sử được lưu lại, chú ý nhiều hơn nữa đến lịch sử xã hội với trung tâm là lịch sử ăn, mặc, ở, đi lại, đến tâm tình và trạng thái tinh thần của các cộng đồng từng tồn tại trong lịch sử. 

Sẽ là một sai lầm lớn nếu như chỉ chú ý tới đổi mới phương pháp dạy học lịch sử mà quên đi mối quan tâm tới mục tiêu và nội dung giáo dục. 

Và cũng sẽ tai hại hơn nữa khi quan niệm đổi mới phương pháp dạy học lịch sử chỉ là việc thay đổi các phương thức truyền đạt để sao cho các phương thức mới đạt hiệu quả truyền đạt cao hơn. 

Nghĩa là học sinh ghi nhớ, hiểu nhanh một lượng kiến thức lớn hơn trong một lượng thời gian như cũ hay thậm chí ngắn hơn.

Đây là tư duy sai lầm dẫn tới những hành động làm cho các vấn đề của giáo dục lịch sử ở trường phổ thông ngày càng trở nên trầm trọng hơn và các giáo viên cảm thấy bế tắc khi càng đổi mới càng thấy...chán. 

Trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ tư này, thành công hay thất bại của nó sẽ được phản ánh không nhỏ trong môn Lịch sử. 

Bản thân sự thay đổi đáng kể trong Bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành một năm về trước xoay quanh môn Lịch sử đã phần nào thể hiện rõ điều ấy. 

Để cải cách giáo dục lịch sử thành công, các giáo viên dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông phải dũng cảm nhìn sâu vào thực tại để thay đổi nhận thức và thoát ra khỏi những lối mòn định sẵn.

Nguyễn Quốc Vương