Những "thánh phán" trong ngành giáo dục vẫn hành giáo viên

19/04/2019 07:02
THANH AN
(GDVN) - Áp lực đối với giáo viên vẫn không thay đổi dù Bộ đã…thay đổi nhưng cấp dưới của Bộ thì vẫn “hành” giáo viên.

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2019, lãnh đạo Bộ Giáo dục đã có nhiều động thái để giảm áp lực cho giáo viên dưới cơ sở và điều này đã được dư luận đồng tình.

Tuy nhiên, từ thực tế công tác, chúng tôi cảm nhận thấy mọi thứ vẫn y nguyên như cũ.

Nhiều văn bản ban hành, chấn chỉnh để giảm áp lực cho giáo viên của Bộ, Sở thì Ban giám hiệu không triển khai đến Hội đồng sư phạm nhà trường.

Những đợt kiểm tra, sổ sách giáo viên vẫn được duy trì. Việc kiểm tra của Phòng, của Ban Giám hiệu vẫn diễn ra thường xuyên và vẫn máy móc, theo kiểu “hành là chính”.

Áp lực đối với giáo viên vẫn chưa có sự chuyển biến (Ảnh minh họa: Báo Tuổi Trẻ)
Áp lực đối với giáo viên vẫn chưa có sự chuyển biến (Ảnh minh họa: Báo Tuổi Trẻ)

Cuối năm học, khi mà giáo viên đang tất bật chấm bài để hoàn thành các cột điểm định kỳ, điểm thường xuyên, lo làm đề kiểm tra học kỳ, ôn tập trên lớp cho học trò thì nhiều trường học vẫn đưa ra nhiều kế hoạch để hành giáo viên trong trường với rất nhiều kiểu khác nhau.

Công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra chuyên đề vẫn diễn ra bình thường mà nội dung kiểm tra vẫn là mớ hồ sơ sổ sách vô nghĩa đã tồn tại hàng chục năm trời.

Công việc này đã trở nên nhàm chán và nó chẳng có tác dụng gì cho việc phát triển chuyên môn của các nhà trường.

Đa phần việc kiểm tra hành chính này giao cho tổ trưởng chuyên môn đảm nhận nên Ban giám hiệu họ cũng chẳng mất mát cái gì.

Chỉ khổ cho các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên mỗi lần kiểm tra là bê hàng loạt sổ sách, kế hoạch, giáo án vào trường. Rồi, các tổ trưởng chuyên môn lại phải làm biên bản kiểm tra để nộp cho lãnh đạo nhà trường.

Những "thánh phán" trong ngành giáo dục vẫn hành giáo viên ảnh 2Giảm áp lực giáo viên, Bộ quyết tâm nhưng có địa phương vẫn ngó lơ

Bước vào giai đoạn ôn tập học kỳ, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu các tổ trưởng chuyên môn đi dự giờ các tổ viên của mình.

Điều này cũng chẳng có gì là ghê gớm hay sai trái về quy chế chuyên môn nhưng lại yêu cầu sau khi hết đợt ôn tập học kỳ thì phải nộp sổ dự giờ cho Ban giám hiệu kiểm tra.

Điều này thể hiện một tư duy quản lý giáo điều và không có niềm tin với cấp dưới của mình. Tạo nên sự nghi kỵ và khó chịu cho cấp dưới.

Tại sao phải làm vậy khi mà Ban giám hiệu đã có kế hoạch kiểm tra nội bộ để kiểm tra hồ sơ sổ sách của tổ trưởng, khi mà cuối năm học mỗi tổ trưởng phải nộp cho Ban giám hiệu 3 phiếu dự giờ/ giáo viên để xét tay nghề và xét thi đua giáo viên trong tổ?

Những việc làm vô nghĩa và máy móc này chẳng tạo được niềm tin lẫn nhau mà làm cho cấp dưới chán ngán với công việc được giao.

Không chỉ Ban giám hiệu “hành” giáo viên mà năm nào khi đến dịp tổ chức kiểm tra học kỳ thì cán bộ quản lý Phòng, Sở cũng thường về kiểm tra các nhà trường.

Họ dự giờ, dò từng câu chữ trong các đề kiểm tra để bắt bẻ. Họ lật từng trang giáo án để soi giáo án có soạn đúng yêu cầu của họ hay không. Trường dạy theo phương pháp truyền thống nhưng họ lại yêu cầu soạn theo 5 bước của VNEN.

Trong khi, chẳng có văn bản nào yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án theo 5 bước của VNEN.

Điều rất lạ là dự án VNEN các địa phương chỉ giữ lại một số trường nhưng những cán bộ thanh tra chuyên môn từ cấp Phòng đến cấp Sở vẫn yêu cầu một cách trái khoáy vô căn cứ.

Những "thánh phán" trong ngành giáo dục vẫn hành giáo viên ảnh 3Cải cách hồ sơ, giấy tờ, hội họp... đang chẳng tới đâu

Khi dự giờ nhiều lãnh đạo nhà trường, cán bộ thanh tra chuyên môn vẫn đưa ra những nhận định chủ quan là nhiều.

Nhiều lãnh đạo không dạy lớp lâu năm nhưng họ góp ý thì… hay lắm.

Thầy cô đứng lớp có dạy tốt cỡ nào thì vẫn luôn bị góp ý về phương pháp, về nội dung, về việc sử dụng đồ dùng dạy học chưa hiệu quả. Rốt cuộc, nghe góp ý một hồi, giáo viên chẳng rút được tí kinh nghiệm nào.

Những hồ sơ sổ sách, những kế hoạch “trời ơi” cũng được đặt ra tại sao không làm, không có.

Nhiều giáo viên họ nói rằng họ làm đúng theo chỉ đạo của Bộ và Ban giám hiệu nhà trường về những loại hồ sơ sổ sách đã được quy định nhưng giáo viên, tổ trưởng chuyên môn vẫn phải chịu “lép vế” trước những cán bộ thanh tra cấp trên.

Chính cách quản lý máy móc này đang làm thui chột sự sáng tạo và tính tự chủ của giáo viên, khiến giáo viên phải phải co mình lại để đối phó với cách quản lý cứng nhắc.

Những loại hồ sơ sổ sách vô bổ đang chiếm mất rất nhiều thời gian của giáo viên. Càng về cuối năm học thì các loại hồ sơ, kế hoạch phải hoàn tất lại càng nhiều.

Vì thế, áp lực đối với giáo viên vẫn không thay đổi dù Bộ đã…thay đổi nhưng cấp dưới của Bộ thì vẫn “hành” giáo viên.

THANH AN