Vì sao em phải chết?

10/10/2016 13:38
Diệu Linh
(GDVN) - Những người còn sống sẽ bị tòa án lương tâm phán xét đến hết cuộc đời, bởi hành động vô cảm của họ là nguồn cơn dẫn đến những cái chết tức tưởi.

1. Sự việc em Bùi Quang Huy (học sinh lớp 8A, Trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái) treo cổ tự tử trong bếp, sau khi bị người thân của một học sinh cùng trường hành hung khiến cho nhiều người bàng hoàng, xót xa.

Chị Nga, mẹ cháu Huy kể rằng, vào khoảng giữa tháng 9, Huy túm tóc lôi một người bạn (tên Đ.) ra khỏi vụ ẩu đả với người anh con nhà bác.

Và, sự việc trở nên nghiêm trọng, vì chỉ 2 ngày sau, mẹ của học sinh Đ. cùng với người anh họ của Đ. đã chặn đánh Huy trên đường em đi học về.

Có lẽ, đối với những đứa con trai, những chuyện nghịch ngợm, hay xích mích đôi khi trở thành chuyện vặt. Nhưng lần này thì khác, Huy không chỉ bị đánh bầm dập mà còn bị bắt quỳ giữa đường để xin lỗi, trước sự chứng kiến của biết bao bạn bè cùng trường.

Nói không ngoa, đó chính xác là hành vi làm nhục con trẻ!

Như lời mẹ em kể lại, Huy rất xấu hổ vì bị bắt quỳ giữa đường và không còn muốn đi học nữa. Rồi clip Huy bị đánh, bị bắt quỳ giữa đường bị tung lên mạng internet khiến em càng xấu hổ hơn.

Ở lứa tuổi mới lớn (13 tuổi), Huy bị mất thăng bằng tâm lý và dẫn tới một hành động dại dột: Kết liễu sự sống của mình!

Cho đến lúc này, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc tự tử của bé Huy. Nhưng những ngày qua, dư luận vô cùng phẫn nộ, đang chờ đợi sự nghiêm minh của các cơ quan thực thi pháp luật, để cái chết tức tưởi (dại dột) của bé Huy không bị rơi vào quên lãng.

Những kẻ đánh đập và làm nhục bé Huy sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình.

Nhưng còn hơn thế nữa, họ sẽ bị tòa án lương tâm phán xét đến hết cuộc đời, bởi hành động vô cảm của họ chính là nguồn cơn dẫn đến cái chết tức tưởi của một sinh linh bé nhỏ.

Cần phải nghiêm trị với những kẻ đã hành hung, nhục mạ học sinh Bùi Quang Huy. ảnh cắt từ clip.
Cần phải nghiêm trị với những kẻ đã hành hung, nhục mạ học sinh Bùi Quang Huy. ảnh cắt từ clip.

2. Câu chuyện đau lòng của em Huy khiến tôi giật mình nhớ lại sự việc đã xảy ra với bạn của mình cách đây 16 năm.

Ngày ấy, chúng tôi bắt đầu vào đại học. Bạn tôi dù học hành rất khá, nhưng như người đời vẫn bảo “học tài thi phận”, bạn tôi trượt đại học 2 năm liên tiếp. Cậu ấy vẫn quyết tâm ôn luyện và thi đại học lần thứ 3.

Nhưng quãng thời gian 3 năm ấy bạn tôi phải chịu quá nhiều áp lực, khiến cho tâm lý sa sút quá mức. Lần thứ 3 thi đại học chưa có kết quả, nhưng bạn tôi vẫn rất lo lắng.

Cũng vừa dịp tôi về thăm nhà và tình cờ gặp bạn. Chúng tôi uống với nhau một cốc trà và trò chuyện rất vui vẻ. Bạn kể, bài làm năm nay tốt hơn hẳn, nhưng rất lo vì nếu lại trượt thêm lần nữa, chẳng biết phải làm gì?

Tôi động viên bạn, rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Nhưng chỉ 2 ngày sau, tôi chết lặng người khi biết tin bạn mình treo cổ tự tử trong bếp.

Tôi được nghe kể lại rằng, cậu ấy đã phải hứng chịu rất nhiều... rất nhiều những lời mắng mỏ thậm tệ của cha mình. Cậu cảm thấy mình như một người thừa trong gia đình. Một kẻ vô dụng! Chỉ có mẹ vẫn luôn bên cạnh động viên cậu.

Và, tôi cũng được nghe kể lại rằng, trước khi dẫn đến hành động dại dột ấy, cậu đã đạp xe vài vòng qua chỗ mẹ làm việc. Dặn mẹ phải ăn nhiều hơn, phải giữ gìn sức khỏe. Có lẽ, cậu thương mẹ nhiều lắm và đang đấu tranh tâm lý khủng khiếp về việc mình chuẩn bị làm.

Vì sao em phải chết? ảnh 2

Vì sao bạo bực học đường chưa có hồi kết?

(GDVN) - Xử phạt không nghiêm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho bạo lực học đường không có hồi kết!

Trong đám tang, người mẹ khóc ngất. Có lúc bà lao thẳng đến chỗ người chồng gào lên: “Anh giết chết con tôi rồi!”. Còn người cha chỉ biết lặng im trong góc nhà. Đôi mắt ông đỏ sọng, thất thần, chốc chốc lại nhìn lên di ảnh của con trai.

Chắn chắn rằng, suốt quãng đời còn lại ông phải sống trong nỗi day dứt, ân hận không gì có thể khỏa lấp nổi.

Càng đau đớn hơn, chỉ ít ngày sau khi cậu lìa xa thế giới, có đến 2 trường đại học gửi thông báo trúng tuyển.

Biết tin ấy, tôi thương bạn nhiều hơn, bởi vì cậu ấy là một người có nghị lực phi thường (thi năm thứ 3 và đã đỗ vào 2 trường đại học). Nhưng cậu lại không thể vượt qua nổi những lời trì triết, đay nghiến của cha mình.

3. Chuyện của bé Huy ngày hôm nay và của bạn tôi cách đây 16 năm đều giống nhau ở một điểm là kết liễu sự sống của mình trong bếp, sau khi phải chịu đựng những tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

Nhưng đó chỉ là hai thí dụ điển hình cho thấy những thay đổi tâm lý bất thường của tuổi mới lớn, và chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều vụ việc đau lòng khác nữa nếu như ngành giáo dục, nếu những người giảng dạy trực tiếp và các ông bố, bà mẹ không thực sự coi đó là việc cần thiết để đồng hành cùng con trẻ ngay từ ngày hôm nay.

Bạo lực học đường ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn đấy thôi! Nhiều người bàng hoàng khi mà cuộc sống ngày càng hiện đại thì nữ sinh lại đánh nhau một cách tàn độc, xé áo của nhau một cách hả hê. Có cả những nữ sinh xúm vào đấm đá bạn, dùng dép đánh thẳng vào mặt bạn như ở Nghệ An mới đây.

Đó chẳng phải là nguồn cơn dẫn tới sự trầm cảm, u uất và dẫn tới những bi kịch như cái chết của bé Huy hay sao?

Thế nên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nói về đổi mới giáo dục, rằng cái ông quan tâm nhất là có làm cho những đứa trẻ trở thành người tử tế được hay không?

2 nữ sinh ở Nghệ An bị 6 nữ sinh khác đánh, quay clip rồi và đưa lên mạng xã hội. ảnh chụp từ clip.
2 nữ sinh ở Nghệ An bị 6 nữ sinh khác đánh, quay clip rồi và đưa lên mạng xã hội. ảnh chụp từ clip.

Trong báo cáo hồi đầu năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, qua khảo sát ở 172 quốc gia thì trung bình 40 giây lại có một người tự tử, chủ yếu tập trung vào các quốc gia Trung Đông và châu Á.

Đây là báo cáo đầu tiên của WHO về số người chết do tự tử, trong đó đáng lưu ý con số này còn cao hơn tất cả nạn nhân của các cuộc chiến tranh và thảm họa thiên nhiên hàng năm.

Những nước phát triển ở khu vực châu Âu ít xảy ra chuyện tự tử, vì ở một trình độ phát triển cao, con người tìm thấy giá trị của chính mình. Họ được dạy từ khi còn rất bé, lúc ngồi trên ghế nhà trường cũng đã được trang bị kiến thức tâm lý đầy đủ.

Vì sao em phải chết? ảnh 4

Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu?

(GDVN) - Diễn biến đạo đức, hành vi của học sinh phổ thông ngày càng phức tạp nên nếu chỉ dựa vào nhà trường thì e rằng khó quản lý các em.

Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng luôn hiểu rằng chính họ là giá trị lớn nhất trong cuộc đời, cho nên họ vượt qua được áp lực xung quanh.

Ở các nước tiên tiến thì ngay từ trường phổ thông trở đi đã có bộ môn tâm lý và còn có riêng một phòng trợ giúp cho học sinh. Em nào căng thẳng có thể tới đó để trao đổi và nghe tham vấn của giáo viên tâm lý.

Điều quan trọng nhất là các nút thắt phải được gỡ ra đúng lúc thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu trên diện rộng về vấn đề này và số vụ tự tử ở lứa tuổi vị thành niên những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng.

Các nhà nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, lứa tuổi vị thành niên (từ 10 - 20 tuổi) là giai đoạn chuyển tiếp của sự phát triển từ tuổi thơ sang người lớn, rất dễ nảy sinh nhiều rối nhiễu tâm lý nhất so với các lứa tuổi khác.

Ở lứa tuổi này, trẻ đặc biệt chú ý đến những tác động từ gia đình trực tiếp đối với bản thân và rất coi trọng các mối quan hệ bạn bè. Dễ xúc động, tràn đầy xúc cảm, dễ bị kích động, nổi nóng, tủi thân... rất khó kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Cách đây gần chục năm, đã có vụ việc nhiều cháu học sinh nữ ở một trường phổ thông tại khu vực Cổ Nhuế (Hà Nội) rủ nhau uống thuốc ngủ tự tử. Lý do chỉ hết sức đơn giản là vì không thể chịu được lúc nào cũng bị phê bình, khiển trách, trong đấy có cả những đay nghiến, trì triết.

Rất may là sau đó sự việc được kịp thời phát hiện và các cháu được cứu sống!

Đấy lại là một thí dụ điển hình diễn biến của tâm lý lứa tuổi (tuổi mới lớn) mà người ta quen gọi là “tâm lý lứa tuổi”.

Ai cũng phải trải qua một giai đoạn như vậy và thực tế hàng ngày ở đâu đó vẫn xảy ra những sự cố đáng tiếc, đấy là vì các em không được chuẩn bị tốt cho tâm lý lứa tuổi, nên gặp phải những chuyện ngược với diễn biến tâm lý thì lập tức nảy sinh suy nghĩ cực đoan.

Bạn tôi, hay bé Huy, nếu nhận được sự quan tâm động viên nhiều hơn nữa từ gia đình, từ bạn bè, từ thầy cô... thì có lẽ tâm lý đã ổn định hơn và không dẫn đến hành động dại dột như vậy.

Nói là dại dột bởi cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì các em nhỏ cũng phải nhớ rằng, sự sống mới là điều đáng quý.

Khi các em lựa chọn cái chết, các em có nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến người thân không? Các em có nghĩ đến công lao sinh thành, nuôi dưỡng và biết bao hy vọng mà bố mẹ chờ đợi ở mình không? Các em có nghĩ rằng, từ hành động dại dột của mình mà cha mẹ đau đớn đến tột cùng và không vượt qua nổi?

Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng sẽ có những lúc gặp khó khăn, đôi khi là cả những điều tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Vào những thời khắc khó khăn ấy, xin hãy nhớ rằng: Không ai thương mình bằng chính mình! Không ai yêu mình bằng chính mình! Không ai có trách nhiệm với mình bằng chính mình!

Diệu Linh