Ai đang làm cho học sinh tự đặt ra 'môn chính, môn phụ'?

16/01/2024 06:45
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phân biệt môn chính, môn phụ là quan điểm sai lầm trong giáo dục, càng sai lầm hơn khi thực hiện mục tiêu của Chương trình 2018.

Trong các văn bản của ngành giáo dục hiện nay, không có quy định môn học nào là môn học chính, hay môn học phụ. Nhưng thực tế lại khác, phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên vẫn chia ra môn học chính, môn học phụ.

Trong các môn học hiện nay ở chương trình mới hay chương trình cũ, môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ vẫn là ba môn chủ đạo được coi là môn “chính", với sự chú trọng đầu tư về thời gian, tâm sức rất nhiều.

Môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cũng là ba môn đóng vai trò lớn trong đánh giá, xếp loại học lực của học sinh.

Ngoài ra, môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là ba môn chủ yếu trong thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh lớp 10, là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đến năm 2025, môn Ngoại ngữ mới không còn là môn bắt buộc trong kì thi này.

Bên cạnh đó, môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ có mặt trong nhiều tổ hợp môn xét tuyển đại học. Vì thế, 3 môn này được nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh dành thời gian, đầu tư công sức nhiều hơn cũng không có gì là khó hiểu.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Cô giáo Nguyễn Thị An - đang công tác tại một tỉnh phía Nam sau khi đi họp phụ huynh lớp 12 cho con về chia sẻ với người viết: “Tôi đi họp phụ huynh, chứng kiến phụ huynh phản ánh với giáo viên chủ nhiệm về môn phụ mà thấy buồn.

Có phụ huynh là giáo viên nói: "Lớp 12A1 chủ yếu học sinh sẽ thi tuyển sinh đại học khối A, khối D, vậy mà giáo viên các môn Sinh, Sử, Địa … ép học sinh quá. Các thầy cô hỏi bài cũ buộc các con phải thuộc làu làu, làm bài tập thì đòi hỏi bài nâng cao.

Chúng tôi đề nghị giáo viên chủ nhiệm phản ánh lại với hiệu trưởng, mong giáo viên các môn Sinh, Sử, Địa … nhẹ nhàng với các cháu, để các cháu dành thời gian ôn thi các môn chính phục vụ xét tuyển, thi tuyển đại học và thi tốt nghiệp”.

Có phụ huynh trong lớp nói thẳng: “Giờ xét tuyển đại học bằng xét học bạ nhiều, nên mong giáo viên môn phụ như môn Sinh, Sử, Địa … nhẹ nhàng, tổng kết cho đẹp, tăng cơ hội đậu đại học cho các cháu. Học sinh đậu đại học nhiều cũng làm đẹp mặt cho trường, cho lớp.

Tôi nghĩ, đến phụ huynh đang công tác trong ngành giáo dục còn thế thì khó tránh phụ huynh khác cũng vậy”.

Người viết cũng nhận được chia sẻ tương tự của nhiều phụ huynh khác sau khi tham gia cuộc họp phụ huynh lớp 12 và cả các lớp 10, lớp 11 đang thực hiện chương trình mới.

Phụ huynh chỉ muốn con em mình đầu tư cho các môn chính để thi đại học, xét tuyển đại học, thi tốt nghiệp, còn môn “phụ” học qua loa đại khái, cho có, nhưng muốn giáo viên bộ môn tổng kết điểm phải "đẹp".

Thực tế, ngoài đòi hỏi của phụ huynh muốn con em mình không học “môn phụ” nhưng điểm phải đẹp, giáo viên còn phải chịu sức ép của thành tích nhà trường, trong đó đầu tiên là tỷ lệ tốt nghiệp.

Điểm học bạ cũng là một thành phần tính điểm xét tốt nghiệp thì, yêu cầu điểm học bạ đẹp ngày càng cao, biến đòi hỏi tưởng chừng vô lý của phụ huynh lại trở thành điều bình thường của nhiều cơ sở giáo dục.

Ngoài “thi đua” về tỷ lệ tốt nghiệp, các cơ sở giáo dục còn có “thi đua” về tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng.

Chương trình mới năm 2018 có mục tiêu hết sức cần thiết, phù hợp xu thế phát triển xã hội: phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Muốn đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, phải dựa vào sở thích, sở trường của chính người học: học sinh thấy hứng thú với môn học nào, thích môn học nào, môn học nào học tốt nhất, đó là môn học "chính" của học sinh.

Quan điểm môn chính, môn phụ trong trường học hiện nay không phải do học sinh chia ra mà do chính người lớn áp đặt.

Phụ huynh, giáo viên, đang dùng nhận thức, tư duy của chương trình cũ để giáo dục, áp đặt cho con trẻ, phải học môn này, bỏ lơ môn kia, chẳng khác gì tước đi quyền được là chính mình, quyền được phát triển theo năng lực, phẩm chất của học sinh.

Vô hình trung, chính cha mẹ, giáo viên, đang và sẽ cản đường phát triển của con cái, đi ngược lại xu thế giáo dục tiên tiến của chương trình mới.

Thực tế hiện nay, xu hướng tuyển sinh năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học có chất lượng đào tạo tốt bắt đầu không xét học bạ, tăng cường các kỳ thi riêng, trong đó có thi đánh giá năng lực, một hình thức thi tuyển cần kiến thức cơ bản của tất cả các môn học.

Muốn đạt kết quả tốt trong các kì thi riêng, kì thi đánh giá năng lực, giải quyết các tình huống thực tế của cuộc sống … học sinh không thể bỏ qua kiến thức cơ bản của các môn học mà học sinh đang coi là môn “phụ”.

Phân biệt môn chính, môn phụ là quan điểm sai lầm trong giáo dục, càng sai lầm hơn khi thực hiện mục tiêu của Chương trình 2018.

Mỗi giáo viên phải tự nhận thức, tự giáo dục, làm gương cho xã hội, không phân biệt môn chính, môn phụ; phụ huynh học sinh hãy để con em được làm điều mình muốn, được học môn mình thích, đừng áp đặt, gò ép theo ý muốn của cha mẹ. Lúc đó, các em mới được phát triển phẩm chất và năng lực tốt nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh