Trường ĐH nêu sự khác biệt giữa Công nghệ kỹ thuật ô tô và Công nghệ ô tô điện

07/07/2025 06:28
An Vy
Theo dõi trên Google News

GDVN - TS.Dương Hoàng Long cho rằng, đào tạo phân nhánh từ sớm sẽ giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp và tạo ra nguồn nhân lực chuyên sâu thích ứng công nghệ.

Trước làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô từ xe điện, xe tự hành đến các công nghệ thân thiện môi trường, nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực ô tô như Công nghệ ô tô, Kỹ thuật ô tô và Công nghệ kỹ thuật ô tô đang ngày càng thu hút sự chú ý của đông đảo thí sinh và phụ huynh.

Đây cũng là một trong những nhóm ngành được đánh giá sẽ có tốc độ phát triển bền vững trong những năm tới, khi xu hướng chuyển đổi năng lượng và công nghệ đang dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong ngành ô tô toàn cầu.

Sự khác biệt giữa 2 chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và Công nghệ ô tô điện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Hoàng Long - Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, không chỉ cần nắm vững kiến thức kỹ thuật truyền thống, kỹ sư ô tô thế hệ mới còn phải làm chủ được các công nghệ điện, điện tử, lập trình, điều khiển thông minh.

Nắm bắt xu thế đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hiện đang đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô theo định hướng ứng dụng, gắn sát thực tế sản xuất, vận hành. Chương trình học được thiết kế dựa trên khảo sát nhu cầu từ doanh nghiệp, với mục tiêu đào tạo ra đội ngũ kỹ sư, cử nhân có khả năng bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô hiện đại.

Sinh viên có thể lựa chọn giữa hai chuyên ngành là Công nghệ kỹ thuật ô tô (đào tạo về ô tô sử dụng động cơ đốt trong) và Công nghệ ô tô điện. Điểm nổi bật của chương trình đào tạo tại trường là sự linh hoạt trong lựa chọn lộ trình học. Sinh viên có thể chọn học hệ cử nhân trong 3,5 năm (127 tín chỉ), hoặc tiếp tục học thêm 30 tín chỉ chuyên sâu để nhận bằng kỹ sư sau 4 năm. Việc phân tầng chương trình theo định hướng ứng dụng và nghiên cứu giúp người học chủ động trong định hướng nghề nghiệp tương lai.

Với triết lý “học tập thông qua trải nghiệm”, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành dành gần 50% thời lượng cho học phần thực hành. Sinh viên được tiếp cận các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành được đầu tư hiện đại; đồng thời tham gia các đợt kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp trong ngành. Đây cũng là yếu tố giúp nâng cao khả năng tuyển dụng và thích ứng nhanh với thực tế công việc sau tốt nghiệp.

ts-duong-hoang-long.png
Tiến sĩ Dương Hoàng Long - Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Website nhà trường.

Chia sẻ về sự khác biệt giữa hai chuyên ngành, Tiến sĩ Dương Hoàng Long cho biết, điểm mấu chốt nằm ở định hướng đào tạo. Trong đó, chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tập trung vào hệ thống động cơ đốt trong, hộp số, hệ thống lái, hệ thống phanh, điện ô tô cơ bản và các tiêu chuẩn khí thải. Còn chuyên ngành Công nghệ ô tô điện đưa người học tiếp cận với kiến thức mới về pin lithium-ion, động cơ điện, quản lý năng lượng, hệ thống sạc nhanh - sạc chậm, điện áp cao trên xe điện và kỹ thuật lập trình điều khiển, tạo nền tảng vững chắc để bước vào lĩnh vực xe điện, xe tự hành trong tương lai.

Việc đào tạo phân nhánh ngay từ giai đoạn này không chỉ giúp sinh viên định vị rõ con đường phát triển nghề nghiệp, mà còn tạo ra nguồn nhân lực chuyên sâu, sẵn sàng cho sự dịch chuyển công nghệ đang diễn ra ngày càng nhanh trên toàn cầu.

Song song với hoạt động học tập chính khóa, sinh viên còn được khuyến khích tham gia các cuộc thi tay nghề, sân chơi kỹ thuật được tổ chức định kỳ trong và ngoài trường. Không chỉ là cơ hội để cọ xát, đây còn là dịp để người học rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của chương trình là một lợi thế đáng kể. Nhiều giảng viên tốt nghiệp từ nước ngoài hoặc có kinh nghiệm thực tiễn dày dặn trong ngành công nghiệp ô tô, đảm nhận vai trò giảng dạy lý thuyết lẫn hướng dẫn thực hành. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn truyền cảm hứng và kinh nghiệm nghề nghiệp cho người học.

ntt1.png
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong một buổi học thực hành. Ảnh: Website nhà trường.

“Hiện nay, khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô đang sở hữu 28 phòng thực hành và nghiên cứu phục vụ cho sinh viên và giảng viên. Trong đó, nhiều phòng được đầu tư hiện đại, đáp ứng trực tiếp yêu cầu đào tạo các ngành mũi nhọn như Robot và Trí tuệ nhân tạo (AI).

Tiêu biểu có thể kể đến các phòng gồm: thực hành Kỹ thuật Robot, thực hành Robot và Trí tuệ nhân tạo, phòng máy tính Server, thực hành Thiết kế số, thực hành Vi điều khiển, thực hành Điện - Điện tử, thực hành PLC, thực hành Khí nén - Thủy lực, thực hành CNC và phòng Nghiên cứu khoa học sinh viên. Tất cả đều được trang bị thiết bị công nghệ mới nhất, bảo đảm môi trường học tập thực hành hiện đại, sát thực tiễn và hỗ trợ tối đa cho việc nghiên cứu, sáng tạo của người học”, Tiến sĩ Dương Hoàng Long cho hay.

Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô không giới hạn về giới tính đối với người học. Dù truyền thống ngành học này thu hút đông nam sinh do đặc thù kỹ thuật và môi trường làm việc, nhưng những năm gần đây, ngày càng có nhiều nữ sinh theo đuổi lĩnh vực này. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt trong các mảng lập trình hệ thống điều khiển thông minh, xe tự hành hay các vị trí như cố vấn dịch vụ, bán hàng kỹ thuật… đang mở ra nhiều cơ hội, nữ giới sẽ có những lợi thế nhất định so với nam giới.

Cơ hội việc làm đa dạng, rộng mở

Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng ngày càng gia tăng. Sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô vì thế đang sở hữu nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn sau khi tốt nghiệp.

“Với kiến thức và kỹ năng chuyên môn được đào tạo bài bản, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực kỹ thuật và dịch vụ ô tô. Cụ thể, họ có thể đảm nhiệm vai trò kỹ sư bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa tại các gara, trung tâm chăm sóc xe hoặc hệ thống đại lý chính hãng của các thương hiệu ô tô lớn.

Bên cạnh đó, sinh viên còn có thể làm việc tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan quản lý phương tiện giao thông với vị trí kỹ sư kiểm định, đăng kiểm. Ở mảng thương mại - dịch vụ, nhiều sinh viên lựa chọn trở thành nhân viên kỹ thuật, cố vấn dịch vụ hoặc chuyên viên bán hàng kỹ thuật tại các showroom, đại lý phân phối xe ô tô. Các vị trí này đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức kỹ thuật và kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng.

Những sinh viên có thế mạnh về thiết kế và tư duy sáng tạo có thể tham gia vào các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô với vai trò kỹ sư thiết kế cơ khí, hệ thống truyền động hoặc nội - ngoại thất xe. Một số khác có định hướng học thuật tiếp tục theo đuổi nghề giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề hoặc trung tâm đào tạo kỹ thuật ô tô. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể tự khởi nghiệp bằng cách mở gara, kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng hoặc phân phối phụ tùng, linh kiện ô tô.

Đặc biệt, trong xu hướng chuyển đổi sang xe điện và ứng dụng công nghệ cao trong ngành ô tô, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ ô tô điện hoặc các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo, hệ thống điều khiển tự động… còn có thêm lựa chọn làm việc tại các công ty phần mềm, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ điều khiển thông minh. Đây là các vị trí đòi hỏi năng lực lập trình, phân tích dữ liệu, tích hợp hệ thống và thường có mức thu nhập hấp dẫn”, thầy Long cho biết.

ntt2.png
Ảnh minh họa: Website nhà trường.

Để học tốt và phát triển lâu dài trong ngành, sinh viên cần trang bị những kỹ năng toàn diện. Về chuyên môn, cần thành thạo việc sử dụng thiết bị chẩn đoán hiện đại, công cụ tháo lắp và phần mềm kỹ thuật. Về kỹ năng mềm, sinh viên cần có khả năng làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng giao tiếp tốt để phối hợp trong môi trường gara hoặc khi tiếp xúc khách hàng.

Ngoài ra, kỹ năng tư duy logic và giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng để có thể phân tích lỗi, đưa ra giải pháp kỹ thuật phù hợp trong thời gian ngắn. Khả năng sử dụng tin học và tiếng Anh chuyên ngành sẽ giúp sinh viên tiếp cận tài liệu kỹ thuật tiên tiến, nhanh chóng cập nhật xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Đặc biệt, với đặc thù của ngành ô tô - nơi công nghệ thay đổi liên tục theo từng năm, người học cần nuôi dưỡng tinh thần ham học hỏi và đam mê đổi mới để không bị tụt lại phía sau.

Với nền tảng đào tạo ngày càng được cải thiện, cùng tiềm năng lớn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô hoàn toàn có thể tự tin về triển vọng nghề nghiệp rộng mở, cả trong nước lẫn quốc tế.

Đánh giá về chương trình đào tạo và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên, em Trần Công Thành - sinh viên khóa 2021, đồng thời là trợ giảng khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Trong suốt quá trình theo học, giảng dạy và hỗ trợ sinh viên, em nhận thấy chương trình đào tạo của nhà trường có sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành.

Học phần lý thuyết có tính hệ thống, thường tập trung vào nền tảng cơ bản, từ cấu tạo động cơ, hệ thống truyền động,hệ thống điện đến các công nghệ tiên tiến trong ô tô hiện nay. Trong khi đó, phần thực hành được phân bổ hợp lý với các buổi thực hành trên mô hình động cơ và các loại xe ô tô phổ thông giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp với công nghệ và quy trình thực tế.

Với vai trò trợ giảng, em nhận thấy chương trình giảng dạy có tính ứng dụng cao, bám sát thực tế ngành công nghiệp ô tô hiện nay. Các kiến thức mà sinh viên tiếp thu không chỉ giúp họ hiểu sâu về chuyên môn mà còn hỗ trợ tốt cho công việc sau này.

Trong một số trường hợp, đơn vị tuyển dụng có thể tổ chức đào tạo bổ sung để giúp nhân sự làm quen với môi trường làm việc cụ thể, nhưng về cơ bản, nền tảng mà nhà trường cung cấp là rất hữu ích và phù hợp với yêu cầu của ngành”.

ntt3.png
Ảnh minh họa: Website nhà trường.

Ngoài ra, theo bạn Trần Công Thành, trong suốt quá trình học tập tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã rèn luyện được nhiều kỹ năng quan trọng, từ kỹ năng chuyên môn đến kỹ năng mềm.

“Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà em đã được học hỏi là khả năng phân tích và đánh giá kỹ thuật, giúp em hiểu sâu hơn về cấu tạo động cơ, hệ thống truyền động và các công nghệ ô tô hiện đại. Ngoài ra, em cũng rèn luyện được tư duy sáng tạo và cải tiến, không chỉ học cách sửa chữa mà còn tìm kiếm phương án nâng cao hiệu suất động cơ và hệ thống xe.

Tuy nhiên, lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật ô tô có khối lượng kiến thức rất lớn, đòi hỏi sự kiên trì và phương pháp học tập hiệu quả. Một trong những khó khăn em gặp phải là việc ghi nhớ và hiểu sâu các nguyên lý hoạt động của từng hệ thống trong ô tô. Ban đầu, việc tiếp thu cùng lúc nhiều khái niệm kỹ thuật khiến em gặp chút thử thách nhưng em đã tìm ra cách khắc phục bằng cách kết hợp lý thuyết với thực hành, sử dụng hình ảnh minh họa, mô hình động cơ và các tài liệu tham khảo.

Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô hiện đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam và thế giới liên tục đổi mới. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng ô tô, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch sang xe điện, công nghệ xanh cùng với những bước tiến vượt bậc trong tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người học. Đây là lĩnh vực không chỉ đòi hỏi kiến thức kỹ thuật truyền thống mà còn yêu cầu năng lực tiếp cận công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển bền vững và thông minh của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn được trở thành giảng viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô. Em tin rằng, với nền tảng kiến thức được học ở trường cùng sự đam mê và tinh thần cầu tiến, em có thể truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho các thế hệ sinh viên, đồng thời đóng góp vào việc phát triển ngành ô tô ở Việt Nam”, em Trần Công Thành chia sẻ.

ntt4.png
Ảnh minh họa: Website nhà trường.

Còn theo em Đặng Thị Bảo Hà - sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô khóa 2022, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, lý do khiến nữ sinh lựa chọn theo học ngành này là bởi bản thân có niềm đam mê đặc biệt với ô tô, mong muốn được hiểu rõ về cấu tạo, nguyên lý vận hành cũng như kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng xe.

Đây cũng là ngành học được đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, khi ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ.

“Em đặt mục tiêu trở thành kỹ sư ô tô có chuyên môn vững vàng, đủ năng lực làm việc tại các hãng xe lớn hoặc các trung tâm dịch vụ kỹ thuật cao. Ngành học này không chỉ giúp em theo đuổi đam mê mà còn mở ra cơ hội nghề nghiệp ổn định và lâu dài trong tương lai.

Ngoài ra, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại trường đã cung cấp khá đầy đủ kiến thức lý thuyết về động cơ, hệ thống truyền động, điện - điện tử ô tô và các hệ thống điều khiển hiện đại.

Trong quá trình học tập, em đã được tham gia nhiều học phần thực hành như sửa chữa động cơ, hệ thống điện - điện tử, hệ thống phanh và điều hòa không khí. Ngoài ra, em còn được rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua các buổi học chuyên đề, bài tập nhóm, thực tập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển kỹ năng nghề tốt hơn, em đã tự tìm kiếm cơ hội thực tập thêm tại các gara ô tô để rèn luyện tay nghề. Em thấy rằng việc kết hợp giữa học trên lớp và trải nghiệm thực tế là rất cần thiết để sinh viên có thể tự tin làm việc ngay sau khi tốt nghiệp”, nữ sinh chia sẻ.

An Vy