Cách đây vài ngày, truyền thông Trung Quốc được tiếp cận, đồng loạt đăng tải những thông tin, hình ảnh về hoạt động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh khi tiến xuống Biển Đông tiến hành các hoạt động huấn luyện, diễn tập mang tính chất phô trương và cũng công khai thừa nhận những yếu kém, hạn chế của nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của mình.
Hai biên đội tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ chạy trên biển |
Ngay sau đó, ngày 5/1/2014, Hải quân Ấn Độ cũng đã phát đi những hình ảnh đầu tiên về tàu sân bay INS Vikramaditya, hàng không mẫu hạm vừa được Nga bàn giao cho nước này. Tàu sân bay của Ấn Độ có trọng lượng 40 ngàn tấn, dài 284 mét và cao 60 mét.
INS Vikramaditya đang trên đường từ xưởng đóng tàu Sevmash ở miền Bắc nước Nga về cảng Karwar ở duyên hải phía Tây Ấn Độ.
Hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya của Ấn Độ được hộ tống bởi các chiến hạm gồm khinh hạm lớp Talwar - INS Trikand, khu trục hạm lớp Delhi - INS Delhi, tàu tiếp liệu INS Deepak. Tất cả các tàu chiến này đều được xem là hiện đại và uy lực nhất của Hải quân Ấn Độ.
Hiện tại, biên đội hộ thống tàu sân bay INS Vikramaditya đã tiếp cận địa bàn hoạt động truyền thống của hải quân này ở Tây Bắc Biển Arập, nơi đã được các tàu chiến của Hạm đội phía Tây, có tàu sân bay INS Viraat, 2 khu trục hạm lớp Delhi, 3 khinh hạm tàng hình lớp Trishul, 1 khinh hạm lớp Godavari và các tàu tác chiến ven bờ đón đợi.
Trong khi Bắc Kinh vừa khoe hạm đội tàu sân bay mới, New Delhi cũng không muốn "thua chị kém em", công bố những hình ảnh ấn tượng hơn về các tàu chiến mới của mình, không chỉ có vậy, trong một số hình ảnh người ta cũng thấy các chiến đấu cơ Sea Harriers xuất hiện cùng các tàu chiến đang hành tiến dưới biển trong quá trình hộ tống hàng không mẫu hạm của mình từ Nga về nhà mới.
Không giống như Trung Quốc, Hải quân Ấn Độ đã sở hữu các đơn vị hỗ trợ có khả năng thực hiện các hải trình dài, bộc lộ năng lực hải quân tầm xa mạnh hơn Trung Quốc ít nhất là qua các hoạt động thực tế trong những năm gần đây.
Hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya cũng là một tàu sân bay lớp Kiev được đóng từ năm 1987, nó từng là một tàu chiến trong biên chế của Hải quân Liên Xô với tên gọi là Baku. Năm 1996 tàu bị loại khỏi biên chế và Ấn Độ đã quyết định mua lại của Nga năm 2004 với giá 2,3 tỷ USD.
Tàu sân bay INS Vikramaditya dự kiến sẽ vận hành các máy bay tiêm kích hải quân Mig-29K (số lượng khoảng 30 chiếc). Tiêm kích Mig-29K Fulcrum do Nga sản xuất đã được thử nghiệm bay trên chính tài mẹ INS Vikramaditya trước khi được bàn giao cho Ấn Độ.
Trong tương lai rất gần, tàu sân bay INS Vikramaditya sẽ được biên chế cùng tàu sân bay đội địa do Ấn Độ đang chế tạo ở Kochi - INS Vikrant. Dự kiến thời điểm này sẽ trong giai đoạn 2018 và 2019.
Đáng chú ý hơn, các tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ sẽ được các máy bay săn ngầm (8 chiếc) tầm xa mới nhất P-8I Poseidon được nhập từ Mỹ bảo vệ mỗi khi hoạt động trên biển.