LTS: Sau khi cập nhật và đăng tải các bài viết liên quan đến bài văn "Canh gà Thọ Xương", Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, góp ý đông đảo của độc giả. Sau đây, xin đăng tải bài viết của độc giả Hưu Trí. Là một giáo viên, sống và làm việc trong ngành giáo dục nên độc giả đã có những chia sẻ sâu sắc thông qua việc nhìn từ sai sót trong bài ca dao "Canh gà Thọ Xương" đến cách dạy và học hiện nay. Thời điểm này không phải là lúc “an ủi - động viên” hay “chỉ trích - phẫn nộ” món “Canh gà Thọ Xương” vì đó chỉ là một giọt nước cuối cùng làm tràn ly sự phẫn nộ của quần chúng đối với ngành giáo dục. Trước những chỉ đạo chung chung “giảm tải - đổi mới - cải cách”, giáo viên như lạc vào mê cung. Các giáo viên “già” thì tự “pha chế” công thức, còn “giáo viên trẻ” thì lại quá nhiệt tình nên “lạc bước” là điều không thể tránh khỏi.
Bài văn gây xôn xao dư luận. |
Tôi còn nhớ cách đây hơn 20 năm khi tôi phụ trách quản lý chuyên môn ở một trường cấp III ngoại thành, tôi đã từng ái ngại cho những nhiệt tình vô vọng đó. Học sinh ngoại thành, dù chỉ cách thành phố một chuyến đò ngang, học Anh văn mang tiếng là từ lớp 6 nhưng vốn chữ nghĩa cũng vôc cùng ít ỏi. Lên lớp 10 kiến thức chẳng bao nhiêu. Thế mà cô giáo vào lớp cứ thao thao bất tuyệt nói tiếng Anh suốt. Một từ tiếng Anh em không hiểu, cô diễn đạt giải thích bằng một đống từ tiếng Anh khác khó hiểu hơn. Có rất nhiều em cô giáo bảo đứng dậy học thì em cứ ấp úng rồi lắc đầu. Khi tôi góp ý với cô thì cô cho biết ở trường đào tạo cô, người ta bảo dạy như thế! Tôi trao đổi với cô nên đơn giản hóa để học sinh đừng thấy học tiếng Anh là khó và chỉ nên nói tiếng Anh 100% trong giờ đàm thoại và phải tiến hành từ dễ đến khó. Sau đó khi một quan chức đi dự giờ đã phán một câu “Phải dạy theo phương pháp tổng hợp” (từ vựng - ngữ pháp - đàm thoại cho vào chung một nồi!). Đến nay, qua nhiều năm cải cách, qua nhiều thử nghiệm giáo trình với nhiều khoa trương rầm rộ từ Let’s go – Cambridge - Solution… chẳng biết các lãnh đạo có ai chịu trách nhiệm về sự áp đặt việc cải cách theo kiểu khi thì đả kích thái quá, khi lại vồn vã thái quá với các thương hiệu nước ngoài?Liệu phía sau đó có những khuất tất hay tiêu cực gì không? Chỉ thương cho các thầy cô giáo, phụ huynh vất vả và “những con thỏ con tội nghiệp”. Tôi còn nhớ cách đây trên 50 năm khi còn là một học sinh lớp 6, lớp 7, những giờ phát bài kiểm tra 1 tiết là những giờ tôi học được nhiều nhất, ấn tượng nhất. Sau khi đọc điểm số cho cả lớp – cô giáo thường nêu lên bảng những lỗi mà chúng tôi hay mắc phải, rồi bảo cả lớp động não tìm phương án sửa. Cuối cùng, cô tổng kết cho sửa vào tập. Cứ như thế một thời gian sau tôi đạt 6/20 (tức 3/10), cuối năm đã lên 12/20 (6/10) và cứ thế không bao giờ lùi lại. Tôi vô cùng trân trọng và biết ơn những thầy cô giáo dạy theo lối truyền thống đó, vì những lỗi sai của tôi dù nhỏ hay lớn cũng được phân biệt cặn kẽ. 1000 năm đô hộ, 100 năm nô lệ, 20 năm chinh chiến, cha ông ta đã biết chắt lọc những cái tinh hoa từ các nền văn hóa Trung Quốc – Pháp - Mỹ hay Anh để không bị động hóa cũng không bị lai căng. Từ những nền văn hóa đó đã xuất hiện bao nhiêu nhân tài, bao nhiêu học sinh sinh viên đã biết “xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu”. Vậy cốt lõi của vấn đề giáo dục là gì? Giáo dục liên quan đến toàn dân nhưng lại do một bộ phận quyết định và một bộ phận độc quyền nào đó cứ thử nghiệm rồi lại thí nghiệm tùy hứng và đương nhiên không có lộ trình rõ ràng thuyết phục nào cả! Các nhà chuyên môn, các giáo viên đứng lớp, cả phụ huynh và thậm chí các học sinh từ 12 trở lên đều phải được quyền tham gia. Hãy mở một Hội nghị Diên Hồng và hãy lắng nghe lời Bác “Việc gì khó dân bàn cũng xong”. Mỗi người, mỗi bộ phận cũng chỉ là những “người mù sờ voi”. Xin hãy định hướng cụ thể - lộ trình cụ thể, lấy ý kiến từ những người có liên quan. Xin đừng thử nghiệm hay thí nghiệm nữa. Xin để tiếng xấu cho “Thầy – Cô”, những người đưa đò luônđược các em gọi tên một cách trân trọng, trìu mến, thương yêu.
ĐIỂM NÓNG |
|
Độc giả: Hưu Trí