Chiều nay, giờ tan tầm, trong dòng người đổ về thị trấn nhỏ bé mang cái tên “Chợ ngựa mới” – Si Ma Cai, tôi bất giác nhận ra một dáng hình quen thuộc đến gần gũi, “Thầy…. thầy Hào… thầy Hào ơi!”, bước chân tôi chạy nhanh dần, cố với theo trong cơn mưa mù là lạ đầu tháng ba. Người đàn ông nghe thấy tiếng gọi quay đầu lại, mỉm cười, nhưng tôi chợt tỉnh, ông không phải thầy Hào. Tôi bước chân đi tiếp trên con đường, hình ảnh một người thầy mà tôi ấn tượng nhất lại trở về trong tôi.
Thầy có cái tên thật giản dị - Thầy Hào, một dáng đi không hoàn thiện, một bộ quần áo bộ đội cùng một đôi dép quai hậu nhựa đã làm lên hình ảnh thầy khác hẳn với các thầy, cô giáo trong trường. Tôi là lưu học sinh của trường THPT số 1 huyện Bảo Thắng. Ngày đó, tôi ghét học môn toán lắm, vì vậy mà tôi ghét luôn cả thầy, cô dạy môn toán.
Năm lớp 12, thầy được phân công dạy môn toán lớp tôi, giờ đầu tiên lên lớp, với dáng vẻ bước thấp bước cao của thầy, cả lớp tôi đã cười ầm lên, thầy vẫn mỉm cười lại, gật đầu chào chúng tôi. Được thể, chúng tôi đắc trí lắm, những “tư tưởng lớn” của các cô cậu học trò tự thấy mình không cần thiết phải tôn trọng người đứng trên bục giảng kia. Cả tôi, tôi cũng nghĩ một người không hoàn thiện về dáng hình thì sao có đủ trình độ và kiến thức để dạy chúng tôi cơ chứ! Sau lời giới thiệu ngắn gọn cùng một số yêu cầu về bộ môn của thầy, chúng tôi bắt đầu bài học.
Giờ học trôi qua thật nhanh, 45 phút mà tôi cứ ngỡ chỉ vài phút, không phải vì thầy giảng hiểu bài bởi chúng tôi đâu có chú ý, mà đó là một tiết học (trong đầu óc non nớt của tôi khi đó) tôi cảm thấy rất thoải mái, chúng tôi có thể nói chuyện, làm việc riêng và thầy Hào đã không hề biết.
Sáng hôm sau, vừa bước vào lớp, cái Luân đã mang đến một thông tin mới mẻ và càng ngạc nhiên hơn trong câu chuyện mà nó cam đoan là thật 100%: thầy Hào đã li thân vợ. Hàng loạt những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra: “Vì sao thầy lại li thân vợ?”, “Vợ thầy có vấn đề hay chính thầy có vấn đề?” v..v và v..v, rồi cùng theo đó là hàng loạt các dự đoán cho câu trả lời. Cuộc thảo luận đang rôm rả, sẽ không thể kết thúc nếu… cô giáo chủ nhiệm tôi xuất hiện. “Thầy Hào phải đi cấp cứu, hôm nay lớp sẽ được nghỉ tiết 5 và học bù vào thứ 6”, cô còn nói thêm “thầy, cô giáo cũng là con người, cũng có cuộc đời và số phận riêng, các em hãy biết tôn trọng điều đó!”. Chúng tôi đều đồng thanh “vâng” nhưng dường như tiếng “vâng” trong tôi không thoát ra ngoài được. Một ngày học nặng nề trôi qua, cả lớp không một ai dám nhắc đến hai tiếng “Thầy Hào” nữa.
Thầy ốm, phải nằm viện tỉnh, chúng tôi cũng không đủ điều kiện để đi thăm thầy. Thứ 4, thứ 5, rồi đến thứ 6, thầy Hào xuất hiện. Vẫn dáng vẻ ấy, nhưng tôi cảm nhận đôi chân thầy bước khó khăn hơn. Một giờ học tiết 5 mà chẳng ai trong chúng tôi cảm thấy đói hay mỏi mệt. Là vì, giờ học đó, chúng tôi không những được thầy dạy về kiến thức, mà từ thầy, chúng tôi hiểu thầy đang cố gắng chống trọi với bệnh tật để lên lớp với chúng tôi.
- Thưa thầy…, - lớp trưởng đứng lên - Chúng em muốn xin lỗi thầy về giờ học đầu tiên ạ… chúng em chưa thật sự tôn trọng thầy…
Với giọng nói nhẹ nhàng, thầy Hào đã chấp nhận lời xin lỗi của chúng tôi. “Thầy hi vọng các em sẽ không bao giờ tái phạm nữa nhé!”. Tất cả tập thể lớp tôi đều vui vẻ ra về.
Học kỳ một kết thúc, tôi được hơn sáu phẩy môn toán, một sự nỗ lực lớn nhất mà hơn 11 năm học qua tôi đạt được. Hôm sơ kết học kỳ, thầy Hào cũng có mặt. Tôi vinh dự được đứng trong số những học sinh đạt thành cao trong học tập. Được trao giấy khen và phần thưởng, tôi còn được nhận thêm nụ cười rạng rỡ, ấm áp động viên, khích lệ của thầy. Kết quả mà tôi đạt được, từ đáy lòng mình, là lời xin lỗi chân thành nhất của tôi đối với thầy.
Qua học kỳ một, thầy vẫn tiếp tục dạy môn toán chúng tôi. Thỉnh thoảng, căn bệnh cũ của thầy tái phát, tôi thấy khuôn mặt thầy nhăn lại, chỉ chút ít thôi, nhưng tôi hiểu cơn đau đang chiếm hữu cơ thể thầy. Vậy mà, thầy tôi vẫn miệt mài, miệt mài mang đến cho chúng tôi một khoảng trời kiến thức, tận tụy giảng từng bài toán khó hay dạy học sinh cách làm một dạng bài. Quan niệm trong hơn 11 năm qua của tôi đã thay đổi. Trước với tôi môn toán là khô khan, là khó hiểu, thì giờ nó thật đơn giản và dễ dàng.
Từ phương pháp dạy của thầy mà tôi thấy rất hiểu bài. Thầy không yêu cầu qúa cao ở một học sinh trung bình như tôi, với thầy một học sinh trung bình chỉ cần nắm và giải quyết được các bài tập cơ bản trong sách giáo khoa. Thầy còn dạy chúng tôi sống phải có niềm tin vào chính bản thân mình. Và, từ cách động viên của thầy, tôi đã dám giơ tay lên bảng. Lần 1, lần 2, rồi lần 3 tôi cũng đã tự mình làm đúng được một bài toán. Điểm 9 ấy là niềm vui mà mãi đến giờ tôi không thể nào quên.
Thế rồi chúng tôi cũng phải bước vào kỳ ôn thi tốt nghiệp. Thời tiết mùa hè, cái nắng oi ả như muốn thiêu muốn đốt muôn loài. Vẫn bộ quần áo ấy, dáng đi ấy, thầy tận tình trong những buổi ôn luyện cho chúng tôi, cố gắng rèn cho chúng tôi những kỹ năng và dạng bài cơ bản nhất. Dường như cái nóng nực không đủ sức làm vơi đi bầu nhiệt huyết với nghề, tình yêu với lũ học trò. “Thầy hy vọng tất cả thành viên của lớp 12A6 đều đỗ tốt nghiệp, để các em được bước vào con đường tương lai mà mình đã chọn”, “Mai này, các em có thể là người thợ, công nhân, bộ đội, giáo viên, bác sỹ hay tiến sỹ, thầy vẫn mong các em biết yêu nghề và quý trọng con người”. Lời thầy dạy chúng tôi ở buổi học cuối cùng vần khắc mãi trong tâm khản tôi.
Tốt nghiệp lớp 12, tôi đăng ký thi vào ngành sư phạm. Năm thứ nhất, tôi bị thiếu 1 điểm nên không đỗ. Tôi tiếp tục ôn luyện năm thứ hai, nhờ quyết tâm và nỗ lực theo đuổi mục đích của mình, tôi đã đỗ trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Ra trường, tôi được nhận công tác lên huyện Si Ma Cai - một huyện mới được thành lập và còn gặp rất nhiều khó khăn. Ở đây, mọi thứ đều thiếu thốn, ngày đầu tiên lên lớp nhìn những chiếc váy, những bộ quần áo nhuốm đất, những khuôn mặt lấm lem của các em học sinh, những đôi mắt tròn ngây thơ nhìn tôi như ngày xa lạ khiến tôi ứa nước mắt. Phong tục và cách sống, sinh hoạt của người dân bản địa cũng khác hẳn những gì mà tôi tưởng tượng, chán nản tôi đã muốn bỏ về nhà với bố mẹ. Nhưng rồi tôi đã không làm thế, “…các em hãy biết yêu nghề và quý trọng con người”, lời dạy của thầy đã giữ tôi lại, kịp ngăn chặn và xoá bỏ cái ý nghĩ xấu xa tồi tệ kia trong đầu tôi.
Năm thứ hai ở vùng cao là năm thứ hai tôi thấy mình càng gắn bó với mảnh đất này, con người nơi này, đặc biệt là với lũ học trò nhỏ của tôi. Tôi đã, đang và sẽ vượt qua mọi khó khăn để truyền đến các em học sinh những con chữ, những bài học, giống như năm xưa, thầy tôi đã làm với chúng tôi.
Tôi với tay bật lại bài hát “Người thầy” mà từ lâu tôi đã thuộc làu cả phần lời lẫn phần nhạc. “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy…”. Chính sự “lặng lẽ” của thầy đã dạy nên trong tôi bao bài học, bài học về sự tha thứ, bao dung học sinh; Bài học về lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề; và hơn cả là bài học về “tình yêu nghề và quý trọng con người”.