Báo cáo tài chính của Trường ĐH Y tế công cộng không đúng biểu mẫu của Bộ GDĐT

11/01/2024 06:31
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại diện nhà trường cho biết, biểu mẫu về thu chi tài chính trường công bố theo mẫu chung của Bộ Y tế nên có sự khác biệt so với Thông tư 36.

Trường Đại học Y tế công cộng tiền thân là Trường Cán bộ Quản lý Y tế được thành lập năm 1976. Ngày 26/4/2001, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 65/2001/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Y tế công cộng. Đến tháng 10/2016, trường chính thức đổi tên tiếng Anh thành Hanoi University of Public Health (HUPH).

Nhà trường tọa lạc tại số 1A, đường Đức Thắng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Hiện tại Trường Đại học Y tế công cộng do Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thu Hà là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường; Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Minh là Hiệu trưởng.

Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: Nhật Lệ)

Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: Nhật Lệ)

Một số nội dung báo cáo không theo mẫu quy định

Căn cứ theo Điều 7, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT quy định Công khai đối với cơ sở giáo dục đại học bao gồm các nội dung:

1, Công khai cam kết chất lượng giáo dục (Theo Biểu mẫu 17)

2, Công khai chất lượng giáo dục thực tế (Theo Biểu mẫu 18)

3, Công khai thông tin về cơ sở vật chất (Theo biểu mẫu 19)

4, Công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên (Theo Biểu mẫu 20)

5, Công khai thu chi tài chính (Theo Biểu mẫu 21)

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Y tế công cộng lại không tuân thủ theo đúng các biểu mẫu ở Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Nhà trường chỉ thực hiện công khai 3 nội dung (ảnh chụp màn hình)

Nhà trường chỉ thực hiện công khai 3 nội dung (ảnh chụp màn hình)

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 29/12/2023, nhà trường công khai 3 nội dung: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính.

Ở nội dung công khai thu chi tài chính, nhà trường không công bố nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, nhà trường có 11 đề tài nghiên cứu khoa học đã hoàn thành trong năm 2021; 31 đề tài đã hoàn thành trong năm 2022.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và khảo thí (Trường Đại học Y tế công cộng) cho hay: Trong báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, ở nội dung công khai thu chi tài chính, nhà trường đã công bố nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nằm trong mục “Nguồn sản xuất, kinh doanh dịch vụ và thu khác” theo Quyết định số 1589/QĐ-ĐHYTCC ngày 30/12/2022 Quyết định về việc công bố công khai Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 (công khai theo Quyết định số 3486/QĐ-BYT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023).

Kinh phí thực hiện được sử dụng theo đúng dự toán được phê duyệt, tuân theo các quy định hiện hành và được các nhà tài trợ, Bộ Y tế giám sát định kỳ. Chi tiết danh sách các đề tài, bao gồm cả chi tiết về kinh phí của từng đề tài nhà trường đã công khai ở mục I của báo công khai thông tin chất lượng đào tạo theo thực tế (trang 122).

Ở nội dung công khai thu chi tài chính nhà trường cũng không thực hiện theo biểu mẫu 21 của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT mà chỉ công bố công khai dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo đó, tổng số thu, chi, nộp ngân sách phí, lệ phí bao gồm: Số thu phí, lệ phí: 144.500 triệu đồng. Trong đó, thu từ nguồn dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, viện phí là 3.500 triệu đồng; Thu từ học phí là 69.000 triệu đồng; Nguồn sản xuất, kinh doanh dịch vụ và thu khác là 72.000 triệu đồng.

Chi từ nguồn thu phí được để lại là 130.500 triệu đồng. Số tiền này được dùng cho kinh phí nhiệm vụ thường xuyên.

Về dự toán chi ngân sách nhà nước, nguồn ngân sách trong nước là 1.730 triệu đồng; Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề là 1.730 triệu đồng; Chi bảo đảm xã hội là 260 triệu đồng; Nguồn vốn viện trợ là 30.530 triệu đồng.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh, sở dĩ báo cáo 3 công khai của trường có sự khác biệt so với các biểu mẫu ở Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT là do trường công khai theo mẫu của Bộ Y tế. Bởi, ngoài chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhà trường còn chịu sự quản lý của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, khối ngành Y dược có những đặc thù riêng nên cũng có sự khác biệt nhất định.

Ngoài nội dung về công khai tài chính, theo cô Thanh, hiện tại báo cáo 3 công khai nhà trường đang công khai đầy đủ các nội dung theo đúng các biểu mẫu của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT quy định Công khai đối với cơ sở giáo dục đại học và chia theo nhóm để các bên liên quan (đặc biệt là đối tượng người học, phụ huynh người học) dễ theo dõi.

Cụ thể, cùng một biểu 18 (từ 18A đến 18K) có nội dung đều là công khai chất lượng giáo dục, thực tế được gắn trong 1 file theo thứ tự rất rõ ràng, dễ theo dõi. Tương tự, biểu 20 (từ 20A đến 20C) có nội dung đều là công khai thông tin về đội ngũ giảng viên nên được gắn trong 1 file theo đúng thứ tự, rất rõ ràng, dễ hiểu.

Đối sánh bảng báo cáo về thu chi tài chính của Trường Đại học Y tế công cộng so với biểu mẫu tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Đối sánh bảng báo cáo về thu chi tài chính của Trường Đại học Y tế công cộng so với biểu mẫu tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Quy mô đào tạo và đội ngũ giảng viên cơ hữu

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, Trường Đại học Y tế công cộng đang đào tạo 44 tiến sĩ khối ngành VI, 696 thạc sĩ khối ngành VI.

Ở hệ đại học chính quy, nhà trường đào tạo 24 sinh viên khối ngành V, 1354 khối ngành VI, 80 sinh viên khối ngành VII. Ở hệ vừa học vừa làm, nhà trường đào tạo 1128 sinh viên khối ngành VI.

Cũng theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, nhà trường có tổng số 187 giảng viên cơ hữu (8 giáo sư, 46 phó giáo sư, 65 tiến sĩ, 55 thạc sĩ, 13 cử nhân). Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỉ lệ cao nhất (34,76%).

Cơ cấu đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Y tế công cộng. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Cơ cấu đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Y tế công cộng. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Theo Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và khảo thí, Trường Đại học Y tế công cộng: Nhà trường có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với các giảng viên trình độ thạc sĩ để nâng cao trình độ. Ví dụ: giảng viên được hỗ trợ 100% học phí theo quy định, ngoài ra giảng viên còn được hỗ trợ thêm kinh phí nghiên cứu theo Thông tư 30/2022/TT-BTC.

Nhà trường có chính sách hỗ trợ xuất bản quốc tế, hội thảo quốc tế, trong nước, nghiên cứu khoa học để giảng viên có cơ hội triển khai các đề tài nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu khoa học, đồng thời giúp cho giảng viên có đủ điều kiện để đăng ký xét chuẩn học hàm phó giáo sư, giáo sư.

Ngoài ra, Trường Đại học Y tế công cộng luôn tạo môi trường làm việc minh bạch, cởi mở, hiện đại, tạo điều kiện để cho giảng viên có cơ hội được học tập và phát triển. Từ đó, tạo động lực cho các giảng viên có học hàm học vị gắn bó với nhà trường để phát triển chuyên môn và xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu theo ngành của Trường Đại học Y tế công cộng năm học 2022-2023. (Ảnh chụp màn hình)

Đội ngũ giảng viên cơ hữu theo ngành của Trường Đại học Y tế công cộng năm học 2022-2023. (Ảnh chụp màn hình)

Giáo trình đã xuất bản hơn 20 năm

Cũng theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, ở nội dung công khai thông tin về giáo trình, tài liệu tham khảo do cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn có một số cuốn giáo trình đã xuất bản từ năm 2001, 2002 như:

Quản lý y tế dự phòng tuyến tỉnh và huyện: tài liệu giảng dạy cho cán bộ quản lý y tế dự phòng tuyến tỉnh và huyện (xuất bản năm 2001); Quản lý dược bệnh viện (xuất bản năm 2001); Quản lý an toàn - vệ sinh lao động ngành y tế: tài liệu đào tạo chuyên ngành (xuất bản năm 2001); Quản lý tài chính y tế: tài liệu tham khảo dành cho cán bộ quản lý y tế (xuất bản năm 2002); Những vấn đề cơ bản của kinh tế y tế: tài liệu tham khảo dành cho cán bộ quản lý y tế (xuất bản năm 2002).

Căn cứ theo khoản 1, Điều 6 Thông tư 35/2021/TT-BGDĐT yêu cầu đối với tài liệu tham khảo trong giáo dục đại học như sau:

Tài liệu tham khảo phải có đầy đủ tên tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản hoặc có chú thích về nguồn gốc cụ thể, rõ ràng và có nội dung phù hợp với ngành đào tạo, chương trình đào tạo; được bổ sung tài liệu mới thường xuyên, giúp cho giảng viên và người học có thể tìm hiểu, bổ sung nội dung kiến thức hoặc tìm hiểu thêm đối với từng phần hoặc các học phần liên quan trong chương trình đào tạo.

So với thời điểm xuất bản đến hiện tại đã trôi qua hơn 20 năm mà sinh viên vẫn sử dụng giáo trình từ năm 2001, 2002 liệu có đảm bảo tính bức thiết của thực tế?

Lý giải về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh cho biết: Hiện nay, Thông tư 35/2021/TT-BGDĐT và các văn bản khác về tài liệu phục vụ đào tạo không đề cập đến thời gian xuất bản của tài liệu vì vậy nhà trường vẫn để các tài liệu này lưu trữ trên thư viện cho người học tham khảo các khái niệm, lịch sử, mô hình quản lý qua các thời kỳ (nếu cần), còn hiện tại đối với các nội dung này nhà trường đã có các tài liệu/giáo trình cập nhật.

Ví dụ: Chủ đề về kinh tế y tế, quản lý y tế, quản lý vệ sinh lao động,… nhà báo vừa nêu trong danh mục nhà trường công khai đã có nhiều cuốn tài liệu mới xuất bản năm 2016, 2019 và 2020, cụ thể là các cuốn giáo trình đại cương về kinh tế học và kinh tế y tế; đánh giá kinh tế y tế cơ bản và nâng cao; Giáo trình tài chính y tế (xuất bản năm 2019); Giáo trình an toàn vệ sinh lao động (xuất bản năm 2020)…

Thư viện nhà trường có rất nhiều tài liệu chuyên ngành mới và các tài liệu tham khảo đều được cập nhật, bổ sung thường xuyên vào mỗi kỳ học, dựa trên việc rà soát của thư viện và đề xuất của cán bộ, giảng viên, người học, đảm bảo đầy đủ nguồn học liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhật Lệ