LTS: Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã triển khai, đăng tải loạt bài nhìn lại 3 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về những thuận lợi, khó khăn từ đó có kiến nghị gửi tới Chính phủ, cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc.
Để có thông tin cụ thể về việc giám sát, đôn đốc cũng như hiệu quả khi triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Tạp chí có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ phận chức năng tạo điều kiện cung cấp một số thông tin liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 35.
Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản của Tạp chí tới Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét.
Ngày 3/10, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản hồi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để rộng đường dư luận, Toà soạn trích dẫn nguyên phần trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kể từ khi ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP đến nay, Chính phủ tiến hành quán triệt, giám sát, đôn đốc các bộ, địa phương thực hiện như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Từ khi Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 được ban hành (Nghị quyết số 35/NQ-CP), các bộ, ngành đã tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP như sau:
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đã ban hành kế hoạch số 1237/KH-BGDĐT ngày 28/11/2019 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP để tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, giáo viên ngành giáo dục và toàn thể xã hội đối với công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo.
Chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Trong đó, việc đào tạo nâng chuẩn trình độ của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm của các địa phương; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non;
Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, trong đó đã cụ thể hoá nội dung rà soát, đơn giản hoá đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách trong nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến học bổng khuyến khích, học bổng chính sách và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên thuộc nhóm quy định, thủ tục hành chính rà soát trọng tâm năm 2020;
Ảnh minh hoạ: L.H |
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm;
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã quy định các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, ở vùng kinh tế xã hội khó khăn;
Ngoài ra, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và dự toán ngân sách nhà nước gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố, trong đó có nội dung yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và các văn bản đôn đốc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP (gồm công văn số 1145/BGDĐT-KHTC ngày 31/3/2020; công văn số 2143/BGDĐT-KHTC ngày 25/5/2021; công văn số 2155/BGDĐT-KHTC ngày 24/5/2022; công văn số 1839/BGDĐT-KHTC ngày 7/5/2021 về việc đôn đốc, báo cáo tình hình huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo).
Đối với Bộ Tài chính: Chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định đã có những thay đổi căn bản so với Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 theo hướng tăng quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thực hiện hạch toán theo mô hình doanh nghiệp, trong đó cụ thể hoá chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW; theo đó, sửa đổi với cơ chế tính toán, chi trả tiền lương; tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính;
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó có chỉ đạo mở rộng cơ cở thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế. Hiện nay Bộ Tài chính đang trong quá trình tổng kết, đánh giá các Luật thuế (trong đó có nội dung ưu đãi thuế) để nghiên cứu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các Luật thuế vào thời điểm thích hợp;
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ). Ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 06/4/2022 hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước (hướng dẫn Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021);
Đang rà soát sửa đổi bổ sung Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện Dự thảo.
Đối với Bộ Ngoại giao: Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng đối với các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ của Học viện Ngoại giao theo chức năng được quy định tại Quyết định số 07/2019/QĐ-TTg ngày 15/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao; tăng cường phối hợp và chịu trách nhiệm giải trình giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong việc lập kế hoạch, phân bổ, sử dụng và quản lý ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục cũng như việc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo.
Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì trình Chính phủ ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp. Nội dung dự thảo nghị định được xây dựng theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, minh bạch các bộ phận cấu thành của thủ tục hành chính bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, đặc biệt đối với các thủ tục chưa quy định đầy đủ thời gian giải quyết, thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai, số bộ hồ sơ phải nộp, trình thực hiện, trách nhiệm giữa các cơ quan trong quá trình phối hợp, tham gia giải quyết để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.
Ngoài ra, thực hiện việc bãi bỏ các quy định thành phần hồ sơ, các yêu cầu, điều kiện không cần thiết, không hợp lý; bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục “con”; tăng ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công cấp độ 3-4; bãi bỏ hoặc sửa đổi văn bản quy định thủ tục hành chính còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, không phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông: Chủ động và tích cực triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP; đã định hướng, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về chính sách xã hội hóa giáo dục, về công bằng trong tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục giữa các cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó lĩnh vực giáo dục đào tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
Ngày 27/3/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với nội dung bao gồm đưa một số bài giảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo lên truyền hình, internet. Các cơ quan báo chí sẽ tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến mọi người dân liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành giáo dục và đào tạo.
Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí hệ sinh thái đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học. Các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một máy điện thoại thông minh kết nối 4G/5G. Đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông Việt Nam cho ngành giáo dục.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 35/NQ CP, một số địa phương cho biết gặp những khó khăn, vướng mắc, Chính phủ đã cùng tháo gỡ ra sao?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” được tổ chức theo hình thực trực tiếp tại Hà Nội và kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước (Báo cáo số 5617/BC-BKHĐT ngày 10/8/2022), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đối với các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới như sau:
“a) Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại chưa được giải quyết triệt để, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đồng thời đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Các tỉnh/ thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch của tỉnh, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trong đó quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong liên kết, hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sau đào tạo.
Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học Công nghệ đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong tình hình mới; tham mưu cơ chế, chính sách thiết thực để huy động và sử dụng hiệu quả mạng lưới tri thức người Việt Nam trong và ngoài nước, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hàng năm triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp.”
Sau 3 năm triển khai chúng tôi ghi nhận, nhiều ý kiến chuyên gia, Đại biểu quốc hội kiến nghị Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về đề xuất này?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 được ban hành ngày 04/6/2019.
Đến nay, Nghị quyết số 35/NQ-CP mới triển khai hơn 3 năm, hơn nữa thời gian qua đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện những biện pháp gì để bảo đảm các cơ quan, địa phương được phân cấp thực thi rốt ráo, hoàn thành mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 35/NQ-CP vào năm 2025?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, trong đó tập trung công tác thể chế, rà soát ban hành chính sách tổng thể về cơ chế tài chính, tín dụng, đất đai, thuê, phí tạo hành lang pháp lý, giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động, đầu tư cho giáo dục đào tạo;
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách về xã hội hóa để tất cả các đối tượng liên quan (các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, đơn vị công lập, ngoài công lập và toàn xã hội) nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục, khắc phục và tiến tới xóa bỏ những định kiến, phân biệt đối xử giữa khối công lập và ngoài công lập;
Phổ biến, tuyên truyền và tập huấn cho các nhà đầu tư, người quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập về các chính sách của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tài trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục; Thực hiện các hình thức ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, tổ chức có đóng góp, tài trợ cho giáo dục, tuyên dương và phát động nhân rộng những gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.