Sau gần 3 tháng Thông tư số: 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực, nhiều địa phương trong cả nước đang tiến hành bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Ngày 14/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Tuy nhiên, giáo viên ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết, việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới của nhiều thầy cô gặp khó do vẫn còn cách hiểu khác nhau về Thông tư 08.
Không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên không được bổ nhiệm sang hạng mới
Thầy giáo Hồ Minh Quý, giáo viên Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết: “Gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, gần 30 năm làm cán bộ quản lý giáo dục. Hiện tôi đang là giáo viên tiểu học hạng II được bổ nhiệm theo Thông tư liên tịch 21/2015/TT-BNV-BGDĐT.
Trong đợt xét bổ nhiệm hạng chức danh lần này, tôi không được xét chuyển sang giáo viên tiểu học hạng II mới, vì không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp".
Ảnh giáo viên cung cấp. |
Thầy giáo Tô Văn Liêm, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (huyện Chư Sê) cho biết, thầy hiện đang là giáo viên tiểu học hạng II. Thầy được bổ nhiệm theo Thông tư liên tịch 21/2015/TT-BNV-BGDĐT.
Thầy Liêm cho biết: "Tôi có hơn 10 năm là chiến sĩ thi đua cơ sở, có Bằng khen của ủy ban nhân dân tỉnh, tham gia Thanh tra Giáo dục cấp huyện, tham gia chấm thi giáo viên giỏi cấp huyện, chấm sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, làm giám thị và giám khảo Hội thi học sinh giỏi cấp huyện, được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cử tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi đi thi tỉnh đạt giải cao và được Ủy ban nhân dân huyện và Công đoàn Giáo dục huyện tặng giấy khen. tham gia Thanh tra Giáo dục cấp huyện.
Trong đợt xét bổ nhiệm hạng chức danh lần này, tôi không được xét chuyển sang giáo viên tiểu học hạng II mới, với lý do không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp".
Thầy Tô Văn Liêm nói tiếp: “Tôi đã có ý kiến với nhà trường, trong quy định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên chuyển từ hạng cũ sang hạng mới. Và, nhiều địa phương khác khi thực hiện chuyển xếp hạng cho giáo viên cũng không yêu cầu".
Tuy nhiên, nhà trường đã trả lời: “Không yêu cầu có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm (hạng 1,2,3) nhưng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học (tức phải có 1 trong 3)”.
Giáo viên nêu, văn bản số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/8/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông cũng đã hướng dẫn rất cụ thể.
Đối với quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và chuyển hạng chức danh nghề nghiệp: Khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ các Thông tư liên tịch số 20/2015/TT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TT- BGDĐT-BNV, 22/2015/TT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT- BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm.
Khi thực hiện chuyển hạng chức danh nghề nghiệp cho các trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển.
Sau khi được bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp, nếu giáo viên có nhu cầu đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định. [1]
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê nói gì?
Để có thêm thông tin khách quan về vấn đề này, Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê.
Trả lời phóng viên, ông Phạm Văn Hoàng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê cho biết, mọi thủ tục, quy trình liên quan đến xếp lương giáo viên đều được thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai.
“Sau khi có văn bản của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Phòng Nội vụ đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện một văn bản để triển khai cho các trường trên địa bàn huyện. Theo đó, việc tiến hành họp xét, rà soát chuyển xếp lương đều được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và Thông tư 08”, ông Hoàng nói.
Chia sẻ thêm, vị Trưởng phòng cho biết, hiện các trường đã hoàn tất danh sách ở cơ sở và đã gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê.
Theo ông Hoàng, đến nay Phòng vẫn đang rà soát lại các hồ sơ và chưa nhận được ý kiến thắc mắc nào của các trường. Nếu các đơn vị có ý kiến băn khoăn về các điều kiện bình xét, Phòng sẽ có tổng hợp ý kiến và gửi lên lãnh đạo cấp trên.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-huong-dan-thuc-hien-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-thay-co-can-biet-post237353.gd