Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản số 1062/KH-SGD&ĐT, thay thế cho văn bản cũ (văn bản 925/KH- SGD&ĐT ngày 7/3/2016) về kế hoạch tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành giáo dục, giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, ngày 7/3, Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản số 925/KH-SGD&ĐT về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.
Bỏ quy định buộc thôi học 1 tuần nếu tái phạm luật Giao thông (Ảnh: baogiaothong.vn) |
Trong đó có quy định học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.
Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương cư trú.
Trường hợp được giáo dục nhưng tái phạm sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý.
Tuy nhiên, quy định về buộc học sinh thôi học 1 tuần đã gây phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Bên cạnh luồng ý kiến đồng tình với biện pháp xử phạt mang tính răn đe này thì nhiều người thậm chí giới luật gia lại cho rằng nhà trường không có quyền buộc thôi học vì vi phạm giao thông.
Đến chiều 14/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản số 1062/KH-SGD&ĐT về "Tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành giáo dục, giai đoạn 2016-2020", thay thế cho văn bản số 925. Lý do sửa được nêu là để thống nhất việc triển khai theo đúng quy định tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và văn bản pháp luật liên quan.
Trong văn bản này, quy định xử phạt học sinh tái vi phạm lỗi giao thông nhiều lần với hình thức cao nhất là buộc thôi học một tuần đã được lược bỏ.
Văn bản mới quy định: Về xử lý kỷ luật đối với học sinh, căn cứ mức độ và số lần vi phạm, học sinh sẽ bị xử lý về hạnh kiểm, kỷ luật theo quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học; Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT về đánh giá xếp loại học sinh và các văn bản pháp luật có liên quan.
Kế hoạch này được thực hiện từ năm học 2016 đến năm 2020.
Thông tư 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/3/2011 về Điều lệ trường THCS, THPT và trường Phổ thông có nhiều cấp học ở điều 42, mục 2 có nêu: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn. Thông tư 58 Bộ GD&ĐT ban hành ngày 12/12/2011 về Đánh giá xếp loại học sinh, ở điều 4: Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm có nêu: 1. Loại tốt: a) Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; b) Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu; c) Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình; d) Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập; đ) Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; e) Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; g) Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn Giáo dục công dân. 2. Loại khá: Thực hiện được những quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đạt đến mức độ của loại tốt; còn có thiếu sót nhưng kịp thời sửa chữa sau khi thầy giáo, cô giáo và các bạn góp ý. 3. Loại trung bình: Có một số khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng mức độ chưa nghiêm trọng; sau khi được nhắc nhở, giáo dục đã tiếp thu, sửa chữa nhưng tiến bộ còn chậm. 4. Loại yếu: Chưa đạt tiêu chuẩn xếp loại trung bình hoặc có một trong các khuyết điểm sau đây: a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa; b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác; c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi; d) Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông; gây thiệt hại tài sản công, tài sản của người khác. |