Vì bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt Nam còn thiếu những gì - Kỳ 1: Một siêu sao

09/03/2012 06:09
Hoàng Quân
(GDVN) - Vì sao bóng đá Việt Nam suy thoái bất chấp 10 năm lên chuyên nghiệp? Hãy cùng Giáo dục Việt Nam đi tìm những chỗ yếu căn bản của bóng đá nước nhà.

Lời tòa soạn:

Trong chúng ta không phải ai cũng biết được bóng đá Việt Nam đã phát triển như thế nào trong quá khứ. Đúng, bóng đá Việt Nam hiện tại đang ở trong một mớ bòng bong mà không hiểu lối thoát nào sẽ xuất hiện. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không có khả năng chạm tới vinh quang mà các thế hệ đi trước đã từng đạt được, ngay cả khi đất nước còn bị chia cắt.
Đừng quên rằng, Việt Nam chúng ta từng là một nền bóng đá mạnh. Thể Công đã từng gây tiếng vang ở những giải đấu lớn cấp khu vực như Ganefo (Indonesia năm 1963), và Asian Ganefo (Campuchia năm 1966). Trong khi đó vào cuối thập niên 1950, đội tuyển bóng đá NamViệt Nam là một trong 4 đội mạnh nhất châu Á khi đi tới vòng cuối của AFC Asian Cup 1960 cùng Triều Tiên, Israel và Trung Quốc, đồng thời đoạt Merdaka Cup tại Malaysia năm 1966.

Bóng đá Việt Nam - thăng trầm nhưng không lụi tàn
Bóng đá Việt Nam - thăng trầm nhưng không lụi tàn

* Hãy gửi ý kiến bình luận của bạn cho báo qua hộp thảo luận cuối bài hoặc email thethao@giaoduc.net.vn (Gõ có dấu)! Trân trọng!
Sự sa sút của bóng đá ở Việt Nam (bất chấp sự tăng điểm khá bất ngờ trên BXH FIFA gần đây) đã xuất hiện trong 10 năm qua, thời điểm mà V-League nếm trải không ít những sự kiện đáng nhớ cũng như ĐTQG gặt hái được nhiều thành công lẫn thất bại. Vậy cột mốc của sự sa sút đó là gì? Đó là V-League, là con đường đi lên chuyên nghiệp và sự chầy chật tìm kiếm một mô hình bóng đá để, nói một cách nôm na, kiếm sống.
Dựa trên cột mốc ấy, chúng ta hãy bắt đầu đi tìm nguyên nhân sâu xa của sự trượt dốc mà bóng đá Việt Nam đang phải trải qua.
Siêu sao - Động lực của thể thao
Có những người không yêu thích bóng đá. Họ không hiểu vì sao 22 cầu thủ cứ chạy miệt mài trên sân chỉ để tranh một quả bóng. Nhưng họ vẫn xem bóng đá bởi, bên cạnh việc xem bóng đá là một hoạt động dễ lôi cuốn người xung quanh, họ xem vì bị thu hút bởi các siêu sao.
“Siêu sao” là một thuật ngữ được dùng để chỉ những nhân vật nổi tiếng có sức hấp dẫn và được biết đến rộng rãi, được đánh giá là thành công hoặc nổi bật trong lĩnh vực của mình. Siêu sao chủ yếu đến từ những hoạt động giải trí thu hút sự chú ý của truyền thông như điện ảnh, âm nhạc, thể thao, v.v… Một vài học giả kinh tế đã đưa ra những kết quả nghiên cứu cho thấy, vai trò của siêu sao là rất hữu dụng khi họ mang lại nguồn thu nhập khổng lồ trong lĩnh vực của mình, góp phần cải thiện phúc lợi xã hội một cách gián tiếp.

Cristiano Ronaldo, ngôi sao bóng đá quốc tế ăn khách nhất hiện nay
Cristiano Ronaldo, ngôi sao bóng đá quốc tế ăn khách nhất hiện nay

Hầu như ở môn thể thao nào cũng đều có những ngôi sao, nhưng để có siêu sao thì đó không phải chuyện dễ. Nếu như tennis hơn một thập kỷ trước không có Pete Sampras và Andre Agassi, không có Martina Hingis hay Serena Williams, có lẽ đa số người Việt Nam đã chẳng quan tâm tới môn thể thao vốn được coi là chỉ dành cho “quý tộc” này chứ đừng nói tới việc biết Roger Federer hay Rafael Nadal là ai ngày nay. Siêu sao khiến những người thờ ơ nhất chú ý đến môn thể thao của mình, khiến họ phải dán mắt vào màn hình vô tuyến hoặc thậm chí móc hầu bao ra để đến sân theo dõi mỗi khi thần tượng của họ thi đấu.
Chính vì tầm quan trọng của siêu sao, các môn thể thao đều cố gắng tạo dựng nên những nhân vật đáp ứng những điều kiện để trở thành thần tượng của khán giả. Họ không chỉ có tài năng tầm cỡ như Diego Maradona mà còn phải sở hữu một khuôn mặt khả ái như Anna Kournikova, một sức lôi cuốn tự nhiên từ Michael Jordan và có thể là khiếu hài hước hay nhân cách mạnh mẽ kiểu Eric Cantona để người xung quanh phải nể trọng và sùng bái.
Nếu một thể thao nào đó sở hữu một siêu sao có những phẩm chất như thế, giới truyền thông sẽ biến anh trở thành người của công chúng. Mỗi bước đi hay cách ăn mặc, cử chỉ của anh ta sẽ bị chú ý không thua gì các hoa hậu. Cách ứng xử của anh ta sẽ mặc định trở thành hình mẫu để giới trẻ noi theo. Và quan trọng hơn cả, tài năng của anh ta sẽ thôi thúc những thế hệ đi sau đến với môn thể thao đó và giúp nó phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Nói một cách khác, siêu sao gần như được coi là bộ mặt của môn thể thao, và là người khiến những sự kiện thể thao trở nên ăn khách hơn. Siêu sao đồng nghĩa với tiền bạc.
Bóng đá Việt Nam: siêu sao ở đâu?
Điều đầu tiên mà tôi muốn nói, đó là trong một giải đấu mà rất nhiều giá trị truyền thống đã bị đảo lộn, nạn tham nhũng tràn lan, các CLB vô địch năm nay nhưng năm sau có thể bị bán, bản quyền truyền hình bị xâu xé… thì siêu sao rất khó xuất hiện. Những câu chuyện như thế đã trở thành sự quan tâm chính của người hâm mộ, họ sẽ không còn thời giờ để mà nhìn ra ai đang là cầu thủ hàng đầu Việt Nam.
Hãy nhìn khắp các phương tiện truyền thông ở Việt Nam sẽ thấy: ngày này qua ngày khác, đã nửa năm trôi qua kể từ ngày bầu Kiên gây “động đất” tại cuộc họp tổng kết V-League mùa giải 2011. Những cái chữ viết tắt như VPF, AVG, VFF hay những nhân vật như bầu Kiên, bầu Thắng, ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã chiếm gần như trọn vẹn sự chú ý của người hâm mộ bóng đá nước nhà. Mà sự quan tâm đó được dành cho mặt hành chính của bóng đá chứ không phải bản thân bóng đá, vậy thì chúng ta làm sao có thể nhìn thấy siêu sao của V-League?

Mới đánh đến chữ "bầu" trong trang tìm kiếm Google, tôi đã thấy tên bầu Kiên chiếm trọn trang nhất
Mới đánh đến chữ "bầu" trong trang tìm kiếm Google, tôi đã thấy tên bầu Kiên chiếm trọn trang nhất

Có thể nói để có một siêu sao ăn khách thì truyền thông đóng một vai trò hết sức quan trọng khi mang đến cho công chúng những điều cần biết về một cầu thủ đang lên. Nhưng một khi bầu Kiên, một người không đá bóng, trở thành siêu sao thực sự của V-League (rất ăn khách trên các mặt báo), rõ ràng bóng đá Việt Nam có vấn đề.
Bên cạnh đó, trong môi trường V-League vốn đã bị thống trị bởi các cầu thủ ngoại trong nhiều năm qua, các ngôi sao bản địa rất khó nâng tầm lên thành siêu sao. Họ có thể sẽ nổi bật nếu so sánh với những người bản địa khác, nhưng cũng có thể chìm nghỉm nếu thành tích cá nhân không cao hơn thành tích trung bình một mùa giải của một tuyển thủ quốc gia.
Nói chung, môi trường V-League (không nói tới môi trường đội tuyển quốc gia) thật sự rất khó để một cầu thủ Việt Nam trở thành siêu sao bóng đá ngay tại quê hương mình. Anh ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tài năng nổi bật giữa một rừng các ngôi sao khác mà đa số là ngoại quốc, lại phải vừa tạo dựng được tiếng vang để tên tuổi của mình được nhắc đến nhiều hơn tên của những đại gia chứng khoán hay ngân hàng đi làm bóng đá.
Siêu sao cô đơn
Ai là cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất hiện nay? Đáp án của câu hỏi đó thường là Lê Công Vinh, người đã đưa ĐTVN tới danh hiệu vô địch Đông Nam Á đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất. Công Vinh có những phẩm chất để trở thành siêu sao: tài năng không thể phủ nhận, vẻ ngoài khá lịch lãm, tính cách cởi mở với dư luận, bên cạnh đó là cô bạn gái nổi tiếng Thủy Tiên. Công Vinh giống như một Cristiano Ronaldo của Việt Nam.
Tuy nhiên nếu coi Công Vinh là siêu sao số 1 của môn túc cầu ở đất nước hình chữ S này (đó vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi), có lẽ anh là một siêu sao bản địa cô độc. Ít có cầu thủ nào đã đạt tới tầm vóc mà Công Vinh có được cả về tài năng lẫn sự chú ý, bởi họ chưa có được những phẩm chất để trở thành một siêu sao bóng đá.

Lê Công Vinh, ngôi sao bóng đá bản địa duy nhất có được tài năng tương xứng với sự chú ý của dư luận
Lê Công Vinh, ngôi sao bóng đá bản địa duy nhất có được tài năng tương xứng với sự chú ý của dư luận

Có một thực tế là thế này: một số cầu thủ như Thành Lương hay Trọng Hoàng, họ chỉ được chú ý tới khi thi đấu cho đội tuyển Việt Nam (trừ khi một trong số họ lập gia đình, đi kinh doanh hay trở thành nạn nhân của bạo lực sân cỏ) bất chấp họ đều là những nhân vật có ảnh hưởng rất lớn ở CLB mà mình đang thi đấu hoặc được gắn với những bản hợp đồng tiền tỷ. Ai sẽ xem Tấn Trường chơi ở V-League nếu không phải là người Đồng Tháp? Ai sẽ để ý tới Đình Tùng mỗi khi Thanh Hóa thi đấu?
Giải VĐQG Việt Nam tự nhận là chuyên nghiệp nhưng chưa bao giờ có một chiến dịch tiếp thị để nâng tầm quan trọng của những cầu thủ tài năng. Nếu như VFF làm tốt điều đó, có lẽ chúng ta mỗi mùa sẽ được chứng kiến những trận đấu được lăng xê kiểu “Công Vinh vs Kesley”. Chắc chắn một cuộc chạm trán giữa hai danh thủ, một là người bản địa và một là người ngoại quốc, sẽ thu hút không ít sự quan tâm của người xem cả nước.
Vậy thì tại sao các cầu thủ đã trở nên ngày một xa lạ hơn với người hâm mộ trong môi trường chuyên nghiệp? V-League, thành thực mà nói, cũng giống như các hãng phim quốc doanh, làm phim xong chờ đến dịp kỷ niệm gì đó thì chiếu rồi cất vào kho chứ không cần biết khán giả có đến xem hay không. VFF sẽ không bao giờ chi ra dù chỉ 1 xu để quảng cáo các trận đấu bóng đá quan trọng, để mặc điều đó cho các CLB thực hiện. Về phần các CLB, trừ khi họ được các nhà tài phiệt chống lưng, còn không họ sẽ phải chạy ăn từng bữa cho cầu thủ chứ chưa thể nghĩ được đến việc quảng bá hình ảnh.

"Thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam, một tập hợp những danh thủ rất được mến mộ không phải vì danh hiệu mà vì sự cống hiến
"Thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam, một tập hợp những danh thủ rất được mến mộ không phải vì danh hiệu mà vì sự cống hiến

Các độc giả còn nhớ năm xưa khi Thể Công gặp Công An TP.HCM là chúng ta trông đợi Hồng Sơn sẽ đối đầu Huỳnh Đức? Đó là từ trước khi V-League còn chưa ra đời, bóng đá vẫn còn ở trạng thái bao cấp và chúng ta còn chưa coi những danh thủ đó vào hàng siêu sao. Đã 10 năm nay lên chuyên nghiệp nhưng V-League chưa bao giờ thực sự tạo ra một cuộc đối đầu trong mơ như thế.
"Minh Chiến ra cho Huỳnh Đức vào, anh sút xa ghi bàn thắng 1 đều", nhớ lắm ngày còn bé khi tôi hát những câu hát ấy để cổ vũ SEA Games. Những cầu thủ bóng đá ngày ấy, họ không hào hoa bóng mượt, nhưng chúng ta yêu mến từng bước chạy của những con người mà ta coi như ruột thịt. Những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Đỗ Khải, anh em nhà Văn Sỹ… họ còn hơn cả siêu sao mà không cần người khác phải lăng xê, tiếp thị.
Vậy còn bây giờ?
Điểm nóng
Cuộc chiến bản quyền VPF - VFF - AVG
Những hoạt náo viên quyến rũ
Thế giới các nàng WAGs
Những cái nhất của Thể thao VN 2011
Cuộc chiến Luis Suarez - Patrice Evra
Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam Thảm họa sân cỏ kinh hoàng ở Ai Cập
Biếm họa sao bóng đá Video clip hot - Thể thao
Falko Goetz, Trần Quốc Tuấn mất chức Fabio Capello từ chức HLV đội tuyển Anh
Trụ sở VFF biến thành sàn nhảy Cầu thủ Thái Học chấn thương kinh hoàng
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Tin tức FC Barcelona
Tin tức Manchester City
Tin tức Manchester United Tin tức Real Madrid
Tin tức Arsenal FC
Tin tức Chelsea FC
Chuyển nhượng châu Âu 2012
Tin tức Liverpool FC
Công Vinh - Thủy Tiên
Sir Alex Ferguson
Phạm Văn Mách & Cặp đôi hoàn hảo
Tin tức Sông Lam Nghệ An
'Siêu kinh điển' Real Madrid - Barcelona Thị trường chuyển nhượng hè 2011
Hoàng Quân