Lương HLV nội 200 triệu/tháng quá lãng phí!

06/01/2013 10:16
Trịnh Thế Nam
(GDVN) - 'VFF cũng từng trả lương như vậy với HLV Calisto, Falko Goetz và Phan Thanh Hùng, nhưng đội tuyển Việt Nam được những gì thì ai cũng đã rõ.'
LTS: Ngay sau khi thông tin HLV Hoàng Anh Tuấn chuẩn bị lên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam với bản hợp đồng có thời hạn 3 năm cùng với mức lương 200 triệu/tháng được đăng tải, Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc. Nhiều người hâm mộ cho rằng thời hạn hợp đồng mà VFF sẽ ký với HLV Hoàng Anh Tuấn là quá dài và mức lương 200 triệu/tháng là quá cao trong bối cảnh bóng đá nước nhà đang mất niềm tin trầm trọng của người hâm mộ. Sau đây, Giáo dục Việt Nam xin trích đăng phản hồi từ bạn đọc có tên Trịnh Thế Nam.
Bóng đá Việt Nam thời đại khủng hoảng, đội tuyển Việt Nam thì thành tích bết bát ở các đấu trường khu vực, người hâm mộ chúng tôi thất vọng và mất niềm tin là điều dễ hiểu. Nhưng không hẳn vì thế mà chúng tôi quay lưng lại với bóng đá nước nhà. Chúng tôi cũng nôn nóng muốn các vị lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam thực hiện cái gì đó gọi là to tát để vực dậy nền bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng các vị lãnh đạo VFF cần ‘bình tĩnh’ ngồi lại với nhau để thống nhất một kế hoạch dài hơi, quy hoạch và xây dựng lực lượng cho đội tuyển quốc gia, nhất là ở vị trí huấn luyện viên trưởng.
Là người luôn dõi theo đội tuyển thân yêu của chúng ta gần 2 chục năm qua, tôi nhận thấy các vị lãnh đạo VFF đang có phần lúng túng trước sức ép từ Tổng cục TDTT cũng như từ người hâm mộ trong việc lựa chọn HLV cho tuyển Việt Nam.

HLV Hoàng Anh Tuấn
HLV Hoàng Anh Tuấn

Được biết, VFF sắp hoàn thành bản hợp đồng 3 năm với HLV Hoàng Anh Tuấn, kèm theo đó là mức lương hơn 200 triệu/tháng. Lương một HLV bóng đá 200 triệu/tháng thì có cần thiết không? Theo tôi, mức lương ấy thực sự là con số quá ‘khủng’. Nhất là trong hoàn cảnh kinh tế đang khủng hoảng trầm trọng, thành tích của đội tuyển thì bết bát khỏi nói, các giải đấu không thể diễn ra đúng như dự kiến do các CLB bỏ giải hoặc giải thể, hàng trăm cầu thủ thất nghiệp phải về quê… làm nông. Liệu với mức lương ấy thì thành tích của tuyển Việt Nam có cải thiện được hay không? Trong quá khứ, VFF cũng từng trả lương như vậy với HLV Calisto, Falko Goetz và Phan Thanh Hùng, nhưng đội tuyển Việt Nam gặt hái được những gì thì ai cũng đã rõ.
Không phải có tiền mới có thành tích. Hãy nhìn sang đội tuyển nữ thì thấy thầy trò ông Trần Vân Phát gần như bị bỏ rơi nhưng vẫn vô địch Đông Nam Á và SEA Games đều đều. Không những thế, các cô gái Việt Nam còn đang tràn trề cơ hội được dự World Cup 2015 được tổ chức ở Canada. Thế nhưng, mức lương ông Trần Vân Phát đang nhận được chỉ 5.000 USD, thử hỏi có công bằng hay không?
Tôi cũng không hiểu nguyên do gì mà VFF lại ký hợp đồng có thời hạn những 3 năm với ông Hoàng Anh Tuấn. Ngay cả thầy phù thủy Calisto đưa tuyển Việt Nam đến ngôi vô địch AFF Cup 2008 cũng chỉ được ký 2 năm. Ông Hoàng Anh Tuấn là huấn luyện viên trẻ, tài năng và cá tính nhưng nếu đem ông Tuấn ‘con’ lên bàn cân so với các HLV nội khác thì còn lâu vị HLV người Khánh Hòa này mới bì được. Ngoài việc dẫn dắt K. Khánh Hòa 1 lần cán đích ở vị trí thứ 4 V-League thì ông Tuấn chưa thật sự tạo được nhiều ấn tượng trên cương vị huấn luyện. Hơn nữa, K. Khánh Hòa của ông Hoàng Anh Tuấn mấy mùa gần đây đều phải vật lộn trụ hạng và được người ta gắn cho cái biệt danh không lấy gì làm tự hào, ‘Vua trụ hạng’. Nhìn lại những lần ông Tuấn ‘giúp’ đội bóng phố Biển trụ hạng thành công có thể thấy được không ít những hoài nghi và tai tiếng.
Về thời gian ăn cơm tuyển, ông Hoàng Anh Tuấn sao có thể so được với những HLV Mai Đức Chung, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ… Ông Hoàng Anh Tuấn có bằng A huấn luyện viên do AFC cấp ư, tôi còn nhớ ông Falko Goetz còn có bằng do FIFA cấp, nhưng thất bại thì vẫn cứ thất bại đấy thôi.
Thiết nghĩ, tuyển chọn HLV cho tuyển Việt Nam là một vấn đề tầm vóc quốc gia, những người đứng đầu của bóng đá Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình để rồi khi đội tuyển ‘lỡ có’ thất bại thì người hâm mộ chúng tôi không phải thêm một lần phải nghe những lời xin lỗi và ‘đổ thừa’ bị sức ép từ nhiều phía.
Trịnh Thế Nam