Người hâm mộ V-League và tình yêu thời thổ tả

19/03/2012 19:10
Theo TTVH
Ngộ nhỡ vài vòng tới ca sỹ Ngọc Sơn không còn mặn mà, hoặc lượt về cầu thủ đổ đốn, thì liệu hình ảnh chùa Bà Đanh trên sân Thống Nhất có tái hiện?
So về tiềm lực tài chính, bóng đá bây giờ ăn đứt thời bao cấp vài chục lần. Thế mà “tinh thần thể thao” sao lại ngoảnh mặt làm ngơ? Cả trăm tỷ đồng đầu tư một năm, các ông bầu vẫn không thể có được sự thiện cảm từ truyền thông, lẫn tình yêu từ khán giả. Mùa giải 2012 đã đi qua 9 vòng đấu, gần 50 vạn khán giả đã đến sân, song nỗi nhớ những biểu tượng như Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn, Hải Quan... vẫn âm vang trong lòng người hâm mộ.

V-League 2012 thể hiện bước ngoặt quan điểm làm bóng đá chuyên nghiệp, yêu cầu thứ bóng đá trong sạch, vị nghệ thuật thúc bách, để rồi VPF ra đời như là sự tất yếu.

Trách nhiệm nâng tầm giải đấu quốc nội, kéo khán giả trở lại khán đài càng đốt nóng VPF. 9 vòng đấu nhiều biến động, trong đó vấn nạn trọng tài chưa giảm so với các năm, nhưng VPF vẫn thành công trên phương diện thống kê sân cỏ. Vòng 5, vòng 8, vòng 9, số lượt khán giả đến sân  nếu chia đều cho 7 sân thi đấu, đạt gần 1 vạn người/trận. Con số trong mơ ấy như chiến công đầu tiên của bộ sậu VPF trong buổi đầu nhiếp chính thay VFF. Có điều, sân cỏ thời VPF lại nhang nhác…liveshow ca nhạc !

Lắm chiêu, nhiều trò nhất để kéo khán giả ra sân chính là thiếu gia Sài Gòn FC. Dù mới lần đầu tiên hít thở không khí chuyên nghiệp, đội bóng Sài thành vẫn tìm mọi cách chiều lòng  thượng đế. CLB sẵn sàng phát thẻ VIP cho số cựu danh thủ, còn mỗi trận tốn vài chục triệu thuê một phi đội chân dài lên sân cổ vũ nhiệt tình. Chưa dừng lại đó, bầu Thụy còn mời ca sỹ Ngọc Sơn, diễn viên lẫn cả danh hài lên sân, để tăng phần xôm tụ.

Kết quả, đội bóng mới gia nhập làng bóng đá TP.HCM thu hút gần 4,9 vạn khán giả đến sân Thống Nhất kể từ đầu giải đến nay. Có thể đội bóng lần đầu bước lên ngôi đầu V-League có dàn cầu thủ chất lượng, tạo ra sự tò mò cho giới hâm mộ. Cộng thêm đó, là những chiêu câu khán giả rất... sến của bầu Thụy. Ngộ nhỡ vài vòng tới ca sỹ Ngọc Sơn không còn mặn mà, hoặc lượt về cầu thủ đổ đốn, thì liệu hình ảnh chùa Bà Đanh trên sân Thống Nhất có tái hiện? Nói thế bởi nếu có hỏi tình cảm thật sự cho đội bóng mới 2 năm tuổi đời này, có lẽ đại đa số khán giả Sài Gòn sẽ trả lời không, hoặc chưa. Bởi tình yêu cần phải có thời gian để thử thách.

Người hâm mộ V-League và tình yêu thời thổ tả ảnh 4
Sân Hàng Đẫy chỉ đông khán giả khi Sông Lam Nghệ An làm khách ở đây. Ảnh: VSI

Người thấu hiểu vấn đề này nhất có lẽ là bầu Đỗ Quang Hiển. Suốt 2 năm vừa qua, Hà Nội T&T luôn cống hiến lối chơi đẹp và thu về thành tích kỳ vĩ nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng mùa giải nào, số khán giả lên sân Hàng Đẫy cũng chưa vượt qua con số 5.000 người. Vòng 9 đá với Đồng Tháp chỉ có một nhúm khán giả lèo tèo, trông thật thảm hại. Ai cũng nói đội bóng bầu Hiển có lối chơi đẹp, cống hiến nhất, thế mà khán giả lại ngoảnh mặt làm ngơ. Thái độ lạnh nhạt khán giả thủ đô chứng tỏ đồng tiền lẫn tham vọng đánh chiếm trái tim người hâm mộ từ ông các bầu không dễ thành hiện thực.

Tình yêu bắt đầu từ quá khứ

Đã có một thời không xa, hình ảnh khán giả đội nắng, đội mưa lên sân coi các đội bóng, cầu thủ thân thương của mình thi đấu. Hình ảnh những “chảo lửa” như Lạch Tray, Vinh, Hàng Đẫy, Chi Lăng, Quy Nhơn, Cao Lãnh... khán giả xếp hàng từ giữa trưa, để vào sân xem đá bóng giờ được kể cứ như... huyền thoại.

Những câu chuyện đẹp ấy không phải tự nhiên mà có. Thời bao cấp, đời sống còn khó khăn, bóng đá là thức ăn tinh thần giúp quần chúng vượt qua cuộc sống khó khăn lúc ấy. Khi đội bóng đá đẹp, xây dựng truyền thống rõ ràng, cảnh khán giả sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để mua tấm vé vào sân là điều dễ hiểu. Đó là thứ tình yêu một biểu tượng được sinh ra từ tiềm thức, khi sự đam mê cái đẹp được đáp trả đúng nghĩa.

Còn lúc này, bóng đá nội luôn tràn ngập hình ảnh các CLB thay tên, đổi họ xoành xoạch. Giải đấu diễn ra với bao bất cập hỗn mang như thế, khán giả như phải chơi trò ú tim tìm một nơi gieo gửi tình yêu.

V-League bây giờ không thiếu đội bóng biệt danh “đội bóng trăm tỷ”. Dù vậy, chưa đội bào dám vỗ ngực tự tin nói rằng mình có vị trí vững chắc trong lòng người hâm mộ. Ngoài câu chuyện bản sắc, truyền thống, đa số những đại gia hiện nay đều chưa gợi một thứ cảm xúc như thời bao cấp từng có, đủ khiến khán giả đam mê và đi theo tiếng gọi của trái tim.

Và đâu phải cho không

Từ lâu, lòng hâm mộ túc cầu của người Việt Nam được xếp vào top trong khu vực, thậm chí có tiếng khắp thế giới. Vậy nên, việc việc người hâm mộ vẫn quay lưng với các đội bóng ở đây gợi ra nhiều suy nghĩ, trong đó có hai trung tâm là Hà Nội và TP.HCM. Bởi khi bầu Kiên, bầu Thọ hay bầu Hiển thành lập CLB, họ đã xóa đi những nền tảng truyền thống, có tính tiếp nối để người hâm mộ đeo đuổi. Sự trống vắng từ khán đài là lời đáp trả của khán giả với cách đầu tư ngắn hạn từ các ông bầu.

Người hâm mộ V-League và tình yêu thời thổ tả ảnh 5
Ngộ nhỡ vài vòng tới ca sỹ Ngọc Sơn không còn mặn mà, hoặc lượt về cầu thủ đổ đốn, thì liệu hình ảnh chùa Bà Đanh trên sân Thống Nhất có tái hiện?

Suốt 12 năm bóng đá chuyên nghiệp, sân Lạch Tray không bao giờ thiếu đi khán giả. Dù nhiều nhà tài trợ xuất hiện, cái chất riêng bóng đá Hải Phòng vẫn được giữ lại. Chẳng thế, khán giả đất Cảng trận nào cũng lũ lượt lên sân, cổ vũ nhiệt tình và biến sân đấu trở thành lễ hội của âm thanh và màu sắc. Mới đây, khán giả Hải Phòng kéo hơn 1.000 người sang Thanh Hóa cổ vũ. Đá bóng trong môi trường như thế, cầu thủ mới chơi thứ bóng đá đỉnh cao, hấp dẫn người xem được.

Nhìn lại các đội bóng chuyên nghiệp như Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa, Cao su Đồng Tháp, họ luôn giữ được số lượng khán giả đông đảo trên sân. Bởi các đội bóng dù chịu sự ảnh hưởng từ các doanh nghiệp, nhưng huyết mạch của lối đá, con người vẫn mang tính địa phương rõ nét. Cổ động viên Sông Lam Nghệ An từng đi xe máy cả nghìn km từ TP.HCM lên Pleiku rồi trở về để chung lưng với đội nhà.

Không đơn thuần tính cục bộ tạo ra duy trì tình yêu trong lòng khán giả. Cái quan trọng nhất dòng chảy bản sắc vẫn không bị phai nhòa, dù CLB có gắn với nhà tài trợ nào đi nữa. Hai phẩm chất ấy như bến neo đỗ cuối cùng của người hâm mộ, trong cơn phong ba bão táp tiền bạc của bóng đá nội lúc này.

Nếu có thêm chục năm nữa, phòng truyền thống của Sài Gòn FC, Hà Nội T&T hay Navibank Sài Gòn có thêm nhiều danh hiệu, họ chưa chắc có được vị thế, tình yêu như Thể Công hay Cảng Sài Gòn đã làm được. Căn nguyên sự lạnh lùng của người hâm mộ từ việc các đội bóng này thiếu đi chân đế truyền thống, để quy tụ, thu hút khán giả về một mối.

Tính truyền thống và bản sắc, dường như cả các đội tuyển quốc gia cũng đang vật vã đi tìm.
Theo TTVH