Những chiếc xe máy Trung Quốc của bầu Hiển

16/01/2013 08:08
Anh Đức (Đất Việt)
Bầu Hiển không phải người đầu tiên dốc tiền làm bóng đá. Nhưng ông lại là người dám chi thật đậm, lấy tiền đốt cháy giai đoạn để đạt được những thành công thần tốc.
Bây giờ, khi bầu Hiển không còn vung tiền nữa thì ông đã đi trước làng nước một khoảng cách khá xa, mà không phải ai cũng đủ năng lực và quyết tâm đuổi kịp. Thú vị ở chỗ, bệ phóng của ông lại là những chiếc xe Trung Quốc.

Xe Trung Quốc làm nên sự nghiệp

Khi doanh nhân Đỗ Quang Hiển bước chân vào địa hạt bóng đá thì bầu Đức, bầu Thắng đã ngự trị những đỉnh cao từ trước đó khá lâu. Ngày ấy, ông Hiển làm rùm beng cái tên T&T Hà Nội thì người ta mới miễn cưỡng liếc mắt sang ông. Nhưng không phải ai cũng tin ông dám làm bóng đá một cách hoành tráng và tử tế.

Thời ông Hiển gây dựng đội bóng như một CLB phong trào, nom hình hài của nó còn kém cả “phủi” Trà Dilmah.

Thiên hạ chắc mẩm rồi tham vọng của ông cũng sớm tắt như Bia Đỏ, DEC Quang Minh hay một vài đội “cò con” khác. Một số người còn cười nhạo cái nền tảng kiếm tiền của ông, bởi ông giàu lên nhờ công nghệ bán xe Trung Quốc.

Bầu Hiển là “cha đẻ” của HN T&T.
Bầu Hiển là “cha đẻ” của HN T&T.

Nếu không có những chiếc xe máy đóng mác Lifan, Hongda, Loncin, sau này là Lisohaka, chưa chắc đã có bầu Hiển hôm nay. Hồi xe Trung Quốc đang thịnh, ở nông thôn nhà nào nghèo rớt mùng tơi cũng cố sắm một chiếc chạy chợ.

Dân thành phố thì tặc lưỡi mua, rẻ thế, dùng vài năm rồi… vứt cũng còn lãi chán. Tiền buôn xe, ông Hiển mang đầu tư địa ốc, ngân hàng… Ông thành một doanh nhân giàu có và đánh bóng thương hiệu bằng bóng đá.

Bơm tiền như bơm nước

Còn nhớ, trong lễ ra mắt CLB T&T, ông Hiển có bộc bạch khát khao của ông là… mỗi năm thăng một hạng. Ai cũng tưởng ông “nổ” thế cho vang. Ngờ đâu, ông làm thật. Tên tuổi HLV Triệu Quang Hà nhờ thế cũng phất lên cùng chiến lược kinh doanh bóng đá của ông chủ lắm tiền.

Hà “tí tồ” trước khi về với bầu Hiển còn đi… gõ đầu trẻ, dạy đá bóng cho con nhà giàu ở trung tâm S&C, nhưng với T&T, anh đã đường hoàng bước chân vào thế giới của những HLV trẻ tài năng. Đấy là điều mà các đồng đội nổi tiếng hơn anh như Hồng Sơn, Đức Thắng, Mạnh Dũng… chưa biết bao giờ với tới.

Xuất phát từ hạng Ba (2006), đội bóng của bầu Hiển lên hạng Nhì năm 2007, thăng hạng Nhất năm 2008, đặt chân vào V-League năm 2009 và đúng 1 năm sau, 2010, năm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, HN T&T vô địch quốc gia.

Nhiều người không phục chức vô địch ấy, họ bảo đó chỉ là sản phẩm từ cái máy bơm tiền, nhưng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, bầu Hiển vẫn vinh danh. Ông có triết lý của ông, như ngoài xã hội hay nói, là cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền.

Có giai đoạn mỗi năm bầu Hiển tậu một ông sao lớn và vô vàn sao nhỏ vây quanh. Ông mua thủ môn Hồng Sơn (2008) làm tiền đề cho đội đá hạng Nhất và năm sau đó là Công Vinh, đều phá kỷ lục chuyển nhượng lúc bấy giờ.

Bầu Hiển sở hữu hai đội bóng mạnh ở V-League là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.
Bầu Hiển sở hữu hai đội bóng mạnh ở V-League là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.

Chỉ riêng việc bầu Hiển… phỗng Công Vinh ngay trên tay Thể Công cũng đã là một câu chuyện đầy ngoắt ngoéo. Sau vụ đó, ai cũng “ngán” bầu Hiển bởi ngón đòn “đồng tiền đi trước” cực kỳ lợi hại của ông.

Nhưng bầu Hiển không chỉ dốc tiền vào HN T&T. Ông còn vươn vòi bạch tuộc ra tứ phương thiên hạ. Tính ra thì một tay ông liên quan đến năm, sáu đội bóng, từ sân sau của HN T&T, Đà Nẵng, Trẻ Đà Nẵng, Tiền Giang đến Quảng Nam…

Trong đó, Đà Nẵng vẫn luôn được coi là “con nuôi” mà chẳng khác gì con đẻ. Như mùa bóng 2012 vừa rồi, HN T&T đã phải đá một trận muối mặt ở Sài Gòn để kìm chân Xuân Thành SG cho Đà Nẵng lên ngôi.

Việc nhà bầu Hiển chiếm đến 2 chức vô địch V-League trong 3 năm (chưa kể cúp QG) khiến nhiều ông bầu khác… dỗi. Bầu Đệ, bầu Thuỵ, kể cả bầu Trường từng tuyên bố sẽ nghỉ chơi nếu VFF không… chặt bớt “vây cánh” bầu Hiển.

Bầu Kiên khi còn nắm VPF cũng quyết làm cho ra nhẽ chuyện một ông chủ hai đội bóng, nhưng chưa thành thì bị bắt. Trong khi đó, VFF thanh tra, kiểm tra bầu Hiển nhưng chẳng mang lại kết quả gì, bởi ai cũng biết “miệng kẻ sang có gang có thép”, tiếng nói của bầu Hiển đối với lãnh đạo VFF cũng chẳng khác mệnh lệnh là bao.

Bây giờ, khi bầu Hiển đã no nê danh hiệu thì những người tiên phong mở lối như bầu Đức, bầu Thắng hoặc là đã chán chường quay sang hướng khác, hoặc mới bắt đầu quay lại con đường V-League.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, bầu Hiển không còn mạnh tay rót tiền như trước, nhưng các đội bóng khác để đuổi kịp cỗ xe song mã của ông xem ra cũng còn lâu lắm…
Anh Đức (Đất Việt)