Ông Tuấn tổng thôi chức hụt và 3 vụ từ chức đình đám của VFF

23/12/2011 15:52
B.B (tổng hợp)
(GDVN) -  Trong hơn 10 năm qua, đã có 4 vị quan chức VFF phải từ chức sau những sự cố động trời liên quan đến bóng đá Việt Nam.
Quyết định từ chức của các quan chức VFF đều rất khó khăn, hầu hết các vụ từ chức trên đều gặp phải sức ép dư luận quá lớn  sau những sự cố động trời và các sếp đã bị đặt vào tình thế bắt buộc phải ra đi.

Năm 2005, sau vụ kiện của HLV Letard về việc tranh chấp quyền lợi khi thanh lý hợp đồng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn xin rút khỏi chức vụ Tổng thư ký. HLV Letard đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 2/2002. Ngày 22/3/2002, VFF kí bản hợp đồng kéo dài 2 năm với nhà cầm quân người Pháp này. Tuy nhiên, sau 5 tháng rèn quân, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Letard yếu kém về mọi mặt với thất bại nặng nề ở LG Cup 2002. Ngày 20/8/2002, VFF quyết định sa thải HLV. Khi đó, VFF đã đền bù 3 tháng tiền lương (27.000 USD) để mọi việc được giải quyết êm thấm, nhưng HLV Letard đòi được trả đủ lương tới 11/2003 (140.000 USD). Không chấp nhận với phán quyết này, ông Letard lại kiện tiếp lên Tòa án thể thao FIFA và cuối năm 2004, Tòa án này đã đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Phạm Ngọc Viễn buộc phải rút khỏi chức vụ Tổng thư ký
Ông Phạm Ngọc Viễn buộc phải rút khỏi chức vụ Tổng thư ký
VFF đã nhận hậu quả nặng nề khi bị thua kiện HLV Christian Letard từ cách làm việc thiếu chặt chẽ và khả năng yếu kém của chính VFF. Khi đó, Tòa án thể thao của FIFA tại Thụy Sỹ đưa ra phán quyết buộc VFF phải đền bù cho ông Christian Letard số tiền lương 157.000 USD và 60.000 USD tiền phạt vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Cũng trong năm 2005, đội bóng của HLV Riedl tạo nên một cú sốc lớn khi dính vào vụ bán độ lịch sử. Khi đó Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF Lê Thế Thọ đảm nhiệm Phó đoàn thể thao Việt Nam phụ trách khu vực Bacolod (Philippines) và là lãnh đội của U23 Việt Nam. Với sức ép dư luận khi không ngăn chặn được tiêu cực của đội bóng, ông Lê Thế Thọ đã buộc phải nhận trách nhiệm về mình và viết đơn từ chức.

Năm 2008, V-League xảy ra sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình. Trong trận đấu giữa SLNA và Hải Phòng trên sân Vinh, loạn đả diễn ra giữa CĐV hai đội và một người hâm mộ Nghệ An thiệt mạng. Tình hình căng thẳng với làn sóng phản đối công tác tổ chức V-League của người hâm mộ cả nước khiến ông Dương Nghiệp Khôi phải rời khỏi chiếc ghế trưởng BTC giải.

Trong năm nay, VFF lại chao đảo với thành tích thi đấu bết bát và tinh thần bạc nhược của U23 Việt Nam tại SEA Games ở Indonesia. Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn với vai trò lãnh đội là người chịu sức ép lớn nhất đã phải đâm đơn từ chức.
Và ông Trần Quốc Tuấn - TTK VFF là vị sếp thứ 4 xin từ chức.
Và ông Trần Quốc Tuấn - TTK VFF là vị sếp thứ 4 xin từ chức.
Thật tiếc, đây lại là vụ từ chức “hụt”. Ngoài ra, làn sóng đòi hỏi sự đổi mới từ phía người hâm mộ cũng đưa ra đề nghị Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ từ chức. Nhưng, trái với những mong đợi của người hâm mộ, phản ứng từ VFF đã gây một cú sốc lớn khi diễn một màn kịch đổ lỗi qua lại rất kệch cỡm. Để rồi cuối cùng, các sếp lớn nhỏ trong VFF tự thấy họ không hề phải chịu một trách nhiệm nào đối với thất bại vừa qua. Và người hâm mộ tự hỏi vậy vai trò của họ với BĐ nước nhà là gì đây?
B.B (tổng hợp)