Cuộc chiến bản quyền truyền hình VPF - VFF - AVG

"Tôi không tin, thưa ông Phạm Nhật Vũ!"

23/02/2012 06:26
Xuân Phú
(GDVN) - "Là một người hâm mộ tôi không tin những gì ông Phạm Nhật Vũ nói và làm hoàn toàn là vì bóng đá, vì người hâm mộ Việt Nam..."
LTS: Vấn đề bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước là một vấn đề được đông đảo người hâm mộ rất quan tâm hiện nay. Sau khi, những lời phát biểu của ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Viên (AVG) trong buổi họp báo ngày 20/2 được báo chí truyền tải đến với các độc giả, báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được lá thư của bạn Nguyễn Xuân Phú ở Hoàng Mai - Hà Nội chia sẻ về vấn đề này. Chúng tôi xin đăng tải toàn bộ lá thư của bạn Xuân Phú đến đông đảo các bạn đọc. Tít bài do tòa soạn đặt.
Vấn đề bản quyền truyền hình là một vấn đề rất được người hâm mộ bóng đá Việt Nam quan tâm hiện nay, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của những người hâm mộ chúng tôi. Những cuộc tranh cãi về vấn đề BQTH liên tục xảy ra giữa các bên Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), LĐBĐ Việt Nam (VFF),  Tập đoàn An Viên (AVG) khiến người hâm mộ chúng tôi cảm thấy rất bức xúc.


Theo dõi trên báo chí, tôi được biết trong buổi họp báo hôm 20/2, phóng viên đã đặt ra câu hỏi cho ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Viên rằng: “Ông tuyên bố chia 100% lợi nhuận từ thương quyền bóng đá trong 20 năm cho thể thao Việt Nam, trong đó có 20%/năm cho VFF. Ai giám sát việc AVG thu được bao nhiêu lợi nhuận, chia như thế nào? Người hâm mộ có thể tin vào điều đó ư?”
Ông Vũ có khẳng định: “Tất cả các anh chị, toàn xã hội, ai muốn giám sát xin mời vào để giám sát từng xu, từng đồng chúng tôi thu, chi. Kinh doanh thì lấy gì để mà tin à? Người hâm mộ có thể tin không thì hỏi người hâm mộ”.
Tôi không am hiểu nhiều về luật pháp, về kinh doanh như ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Viên nhưng tôi muốn nói rằng: “Tôi không tin những gì ông nói và làm hoàn toàn đều là vì bóng đá Việt Nam về người hâm mộ chúng tôi”.
Nhiều người hâm mộ không tin vào những gì ông Phạm Nhật Vũ nói
Nhiều người hâm mộ không tin vào những gì ông Phạm Nhật Vũ nói
Ông nói người hâm mộ có tin hay không thì hỏi người hâm mộ. Vâng! Tôi là người hâm mộ đây thưa ông, nhưng tôi khẳng định với ông Phạm Nhật Vũ rằng tôi không tin những gì ông nói. Ông nói AVG sẽ không lấy một đồng lợi nhuận bản quyền truyền hình và nói sẽ tặng cả 100% lợi nhuận từ thương quyền truyền hình cho thể thao Việt Nam.
Nghe thì có vẻ rất to tát và hết lòng vì thể thao Việt Nam nhưng tôi cũng xin nói với ông rằng. Lợi nhuận từ việc bán bản quyền truyền hình cho các nhà đài chỉ là cái lợi rất nhỏ so với cái lợi khác mà các ông đang muốn. Đó là tiền bán quảng cáo quyền hình. Tôi muốn hỏi ông rằng, tiền thu được từ việc bán quảng cáo truyền hình có phải nằm trong lợi nhuận từ thương quyền truyền hình mà ông nói đến hay không? Nếu phải thì ông cũng dành tặng tất cả số tiền đó cho thể thao Việt Nam chứ? 
Ông là một người làm kinh doanh, chắc chắn ông thừa hiểu rằng đối với những người làm kinh doanh, việc không có lãi thì sẽ chẳng ai làm. Tôi nói tôi không tin ông là lẽ vì như vậy.
Ông luôn khẳng định rằng: “AVG làm tất cả vì người hâm mộ Việt Nam”. Nhưng tôi thấy điều đó không hẳn đã phải như vậy. Tôi không phải nhà chức trách, nhà quản lý nên không có quyền phán quyết rằng việc AVG và VFF ký hợp đồng thương quyền kéo dài đến tận 20 năm là đúng hay sai. Nhưng tôi sẽ nói về việc giá trị hợp đồng là 6 tỷ kèm theo lũy tiến 10% mỗi năm sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người hâm mộ Việt Nam như thế nào.
Lợi ích của các CLB được đặt ở đâu trong vấn đề thương quyền truyền hình?
Lợi ích của các CLB được đặt ở đâu trong vấn đề thương quyền truyền hình?
Thứ nhất, tôi muốn nói về số tiền bán bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam có giá trị 6 tỷ/một năm và lũy tiến thêm 10% trong các năm tiếp theo mà AVG đã ký với VFF. Trong số lợi nhuận từ thương quyền truyền hình, AVG sẽ chia cho LĐBĐ Việt Nam (VFF) 30%. Số lợi nhuận này sau đó sẽ được VFF trả cho các CLB, tạm gọi là tiền hỗ trợ bản quyền truyền hình. Theo con số mà báo chí đưa ra, mỗi CLB trung bình một năm sẽ chỉ nhận được 90 triệu đồng tiền hỗ trợ bản quyền truyền hình này. Và nó sẽ kéo dài trong 20 năm… 20 năm cơ đấy thưa ông Vũ!
Vậy tôi muốn hỏi ông, 90 triệu đồng đó sẽ giúp ích gì cho các CLB bóng đá Việt Nam trong khi có CLB, chi phí hoạt động một năm đã lên đến cả 100 tỷ đồng. Chính các CLB mới là những nhân tố chính tạo để nên giải đấu, tạo nên bản quyền truyền hình. Vậy mà, họ lại bị gạt ra và chỉ nhận được số tiền quá ít ỏi này.
Nhiều CLB hiện nay vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động, nếu không có kinh phí trang trải họ sẽ không thể chú tâm vào việc đôn đốc các cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG và chăm lo, đạo tạo tốt cho lứa cầu thủ trẻ kế cận. Những tiêu cực, những rắc rối rồi cả bạo lực sân cỏ… hoàn toàn sẽ có thể nảy sinh từ đó. 
Vậy cái giá 6 tỷ cộng thêm lũy tiến 10% một năm cho hợp đồng bản quyền truyền hình đã thực sự hợp lý chưa thưa ông? AVG và VFF đã tôn trọng và đánh giá đúng vai trò và quyền lợi của các CLB chưa thưa ông?
Người hâm mộ chúng tôi luôn mong muốn được thưởng thức những trận đấu đẹp, những trận cầu đỉnh cao, với sự góp mặt của các cầu thủ giỏi trong nước và quốc tế. Nhưng việc các CLB không được quan tâm đúng mực, không được hưởng lợi nhuận xứng đáng, không có kinh phí để giúp đội bóng phát triển thì mong muốn đó của chúng tôi vẫn còn là một điều xa vời. Như vậy, AVG có phải đã làm tất cả vì bóng đá Việt Nam, vì người hâm mộ hay chưa thưa ông Phạm Nhật Vũ?
Điều thứ 2 tôi muốn nói, đó là việc độc quyền phát sóng. Tôi thừa nhận, ở thời điểm hiện tại, AVG đã giúp tất cả các trận đấu bóng đá trong nước được phát sóng sâu rộng, truyền tải đến nhiều gia đình trên cả nước qua những kênh quyền hình khác nhau.
Nhưng đó là do hiện tại, AVG chưa có thể tự phát sóng hay nói cách khác là chưa có quyền phát sóng các trận đấu vì chưa phải là một đài truyền hình. Vì vậy, việc AVG liên kết hợp tác với các nhà đài trên cả nước để sản xuất, truyền dẫn và phát sóng các trận đấu bóng đá là điều đương nhiên. 
Nhưng trong tương lai, khi AVG đã hoàn thiện tất cả các trang thiết bị phát sóng, cơ sở hạ tầng được nâng cao và được công nhận là một đài truyền hình thì mọi chuyện sẽ diễn biến thế nào? AVG khi đó sẽ đưa các trận bóng đá đỉnh cao tại giải VĐQG vào các kênh truyền hình trả tiền và sẽ trở thành một kênh K+  thứ hai.
Người hâm mộ Việt Nam sẽ phải trả tiền để xem bóng đá nước nhà trong tương lai?
Người hâm mộ Việt Nam sẽ phải trả tiền để xem bóng đá nước nhà trong tương lai?
Khi đó, người hâm mộ sẽ phải trả tiền để theo dõi các trận đấu bóng đá đỉnh cao trong nước. Dù chất lượng của AVG có tốt đến đâu đi chăng nữa, có khuyến mãi, giảm giá cao đến thế nào đi chăng nữa thì tôi tin sẽ có nhiều người hâm mộ trên khắp cả nước không được theo dõi đầy đủ các trận đấu bóng đá tại giải VĐQG Việt Nam. Như vậy, đã phải làm tất cả vì người hâm mộ bóng đá Việt Nam chưa thưa ông Phạm Nhật Vũ!

Tôi thấy khá bất ngờ và thất vọng, trong buổi họp báo, khi phóng viên hỏi: "Liệu AVG sẽ trở thành một K+ trong tương lai?" ông đã trả lời rằng: "Tôi không hiểu ý bạn hỏi về K+ ở đây được hiểu theo nghĩa nào. Nhưng một đơn vị được có hệ thống truyền dẫn phát sóng thu được bằng chảo thì AVG giống K+ rồi. AVG khác họ là độ nghiêng của chảo, AVG nghiêng về hướng tây nam, K+ nghiêng về phía đông nam. Còn đầu thu thì tất nhiên là AVG giống K+..." Tôi cũng không hiểu ông đang ngây ngô thật sự hay cố tình tỏ ra không biết.
Điều mà người hâm mộ chúng tôi quan tâm nhất là được thưởng thức những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp, những ngôi sao bóng đá trong nước và quốc tế thi đấu tại giải VĐQG và liệu trong thời gian tới chúng tôi có tiếp tục được theo dõi tất các trận đấu trong nước như hiện tại hay không. Bản hợp đồng thương quyền truyền hình giữa AVG và VFF có thực sự có lợi ích cho bóng đá Việt Nam, cho người hâm mộ chúng tôi hay không?
Vì vậy, nhân đây, tôi cũng mong muốn rằng các nhà quản lý, các bên liên quan như VPF, AVG, VFF cùng ngồi lại với nhau để giải quyết có lợi và hợp lý nhất về vấn đề thương quyền các giải bóng đá trong nước để làm sao đưa bóng đá Việt Nam phát triển đi lên, xứng tầm với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nước nhà.
Xuân Phú