Tôi ủng hộ AVG độc quyền V-League

21/12/2011 07:42
Kim Long
(GDVN) - Trong thời đại truyền hình trả tiền đang phát triển mạnh hiện nay, tôi cho rằng việc AVG độc quyền phát sóng các trận đấu ở V-League là lẽ tất yếu.

Lời tòa soạnMùa giải V-League 2012 đã sắp khởi tranh nhưng những bất cập xung quanh chuyện bản quyền truyền hình giữa các nhà đài vẫn còn nan giải. Sau khi đăng tải những bài báo phân tích, mổ xẻ về vấn đề đàm phán bản quyền V-League, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều email của độc giải chia sẻ quan điểm của cá nhân mình về vấn đề này. Trong đó bạn đọc Kim Long ở Từ Liêm - Hà Nội đã đưa ra những ý kiến hoàn toàn đồng tình với việc tập đoàn AVG độc quyền phát sóng các trận đấu tại V-League bởi truyền hình trả tiền là xu thế tất yếu hiện nay. Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng ý kiến của bạn Kim Long xung quanh vấn đề này.

Sau khi các báo, đài liên tục đưa tin về việc tập đoàn AVG độc quyền phát sóng các trận đấu tại giải VĐQG Việt Nam hay còn gọi là V-League, tôi thấy có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Đa số tỏ ra không đồng tình với việc AVG độc quyền phát sóng V-League bởi họ sẽ không còn được theo dõi các trận đấu thuộc V-League trên các kênh miễn phí của VTV, VTC hay các đài địa phương. Nhưng cá nhân tôi không đồng tình với những ý kiến này. Theo tôi, việc AVG độc quyền phát sóng V-League và tiến hành phát sóng trên các kênh truyền hình trả tiền là một xu hướng tất yếu. Khi đó chất lượng hình ảnh các trận đấu sẽ được tăng lên, đồng thời quyền lợi của khán giả sẽ được đặt lên hàng đầu.

Xu thế tất yếu

Tôi thấy thói quen xem các thông tin thời sự, xã hội, pháp luật, thể thao, giải trí trên truyền hình mà không hề phải trả bất kỳ một cước phí nào đã ‘ăn sâu’ vào đời sống tinh thần của hàng triệu người dân Việt Nam từ lâu nay. Thói quen đó dẫn đến hệ quả khán giả truyền hình phải đối mặt với thực trạng ‘cho gì xem ấy’ từ các nhà đài. Quyền lợi về đảm bảo đời sống tinh thần của người dân như chúng tôi vẫn chưa được đáp ứng một cách tốt nhất.

Khán giả Việt Nam vẫn quen với việc xem truyền hình không mất phí
Khán giả Việt Nam vẫn quen với việc xem truyền hình không mất phí

Trong thời đại hiện nay, khi nhu cầu và khả năng chi trả của người tiêu dùng (khán giả) tăng cao thì sự đòi hỏi của chúng tôi về những chương trình có chất lượng cao hơn, phù hợp hơn với sở thích là lẽ tất yếu. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để có thể xem được những chương trình mà mình yếu thích.

Tôi lấy ví dụ từ lĩnh vực thể thao, nhất là bóng đá. Trước đây, tôi thường được xem các trận bóng đá thuộc giải Ngoại hạng Anh (EPL), Tây Ban Nha (La Liga), Ý (Serie A)… miễn phí trên các kênh sóng của đài truyền hình Quốc gia Việt Nam. Nhưng kể từ khi các kênh thể thao trả tiền với chất lượng cao như ESPN, VTC3, Thể Thao TV, Bóng đá TV, K+… xuất hiện, tôi thấy nó mang đến cho mình chất lượng hình ảnh trận đấu tuyệt đẹp và được lắng nghe những bình luận chuyên sâu của các chuyên gia sân cỏ. Bên cạnh đó, tôi sẽ được theo dõi trực tiếp nhiều trận đấu của các giải đấu hấp dẫn trên thế giới. Đồng thời, có quyền tự quyết định trận đấu phù hợp với sở thích cá nhân của riêng mình chứ không còn phải chịu cảnh gò bó như trước đây.Chấp nhận bỏ tiền tất nhiên sẽ đem đến cho chúng tôi sự phục vụ tốt hơn với nhiều nhiều trận cầu hay trên khắp các sân cỏ thế giới.

V-League ngày càng có nhiều trận đấu hấp dẫn
V-League ngày càng có nhiều trận đấu hấp dẫn

Cá nhân tôi cũng hiểu rằng việc để khán giả Việt Nam chấp nhập bỏ tiền ra theo dõi các trận đấu bóng đá hấp dẫn trên các kênh truyền hình trả tiền là chuyện không hề dễ dàng, mặc dù mức thu nhập của người dân đã tăng cao. Theo tôi nghĩ thì có hai vấn đề. Thứ nhất, giá của các kênh truyền hình trả tiền tại Việt Nam bao gồm tiền mua đầu thu và cước phí hàng tháng vẫn quá đắt đỏ. Thứ hai, đó là do thói quen sử dụng ‘hàng’ miễn phí.

Tuy nhiên, tôi nghĩ những vấn đề này sẽ sớm thay đổi bởi giá phí sử dụng của các kênh truyền hình trả tiền hiện nay ngày càng giảm xuống, kèm theo đó là các hình thức khuyến mại. Sự cạnh tranh giữa các nhà đài cup cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ giúp khán giả hưởng lợi. Vấn đề thói quen sẽ sớm thay đổi bởi hiện nay, không chỉ truyền hình mà hầu hết các lĩnh vực giải trí khác như phim ảnh, văn hóa, âm nhạc… đều xuất hiện loại hình này. Vì vậy, trong tương lai dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ trở nên phổ biến như việc hằng ngày chúng tôi đi chợ, mua đồ phải trả tiền vậy.

Tôi ủng hộ AVG và K+

Tôi lấy ví dụ của kênh truyền hình K+, đơn vị độc quyền phát sóng các trận đấu đỉnh cao ngày Chủ Nhật thuộc giải bóng đá Tây Ban Nha, Italia và Ngoại hạng Anh kể từ mùa giải 2011.

AVG tiếp tục mang lại một bước tiến mới về truyền hình trả tiền
AVG tiếp tục mang lại một bước tiến mới về truyền hình trả tiền

Khi K+ độc quyền các trận đấu này, hầu hết khán giả hâm mộ bóng đá trong nước đều lên tiếng phản đối. Nhiều khán giả còn dọa tẩy chay K+. Tuy nhiên sau đó, khi xu hướng sử dụng truyền hình trả tiền tăng lên, cộng với chất lượng phát sóng và việc nhà đài giảm cước, K+ đã dần được ủng hộ. Bây giờ ra đường, hầu hết các quán café bóng đá đều sử dụng K+. Trường hợp của AVG hiện nay rồi cũng sẽ giống với K+ bởi người Việt Nam chúng ta luôn có nhu cầu được thưởng thức V-League qua truyền hình.

AVG hiện độc quyền các trận đấu tại giải V-League và họ sẽ sản xuất và tiếp phát 6/7 trận đấu trong một vòng đấu. Điều này đồng nghĩa thay vì chỉ được xem một trận đấu một tuần như hiện nay thì sắp tới khán giả cả nước sẽ được xem trực tiếp rất nhiều các trận đấu. AVG còn dự định sản xuất các chương trình bình luận trước, trong và sau trận đấu, điều mà trước nay chưa từng nhà đài nào áp dụng với giải V-League. Nói một cách dễ hiểu như những người dân chúng tôi hay nói khi mua được hàng tốt, đó là “thật đáng đồng tiền bát gạo”.

Cá nhân tôi tin rằng, với xu thế hiện nay, khi các kênh truyền hình trả tiền đang dần trở thành ‘món hàng’ quen thuộc đối với người dân thì việc AVG sở hữu bản quyền V-Leauge sẽ mang lại sự phục vụ tốt nhất cho các khán giả hâm mộ các giải bóng đá quốc nội.

* Bạn đọc có ý kiến khác xin gửi phản hồi ở ô thảo luận cuối bài, hoặc gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn (Gõ tiếng Việt có dấu để chúng tôi tiện đăng tải)! Xin cảm ơn!

Kim Long