Cả nước còn gần 6.000 giảng viên ĐH chưa đạt chuẩn trình độ tính đến năm 2020

29/08/2022 06:45
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Tính đến năm 2020, cả nước còn khoảng hơn 5000 giảng viên trình độ đại học, cao đẳng đang tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ĐH.

Đó là kết quả số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (tại Niên giám thống kê năm 2021 tính đến 30/9/2021) khi khảo sát về số giảng viên các trường đại học phân theo trình độ chuyên môn.

Theo số liệu, trong vòng 5 năm qua (từ năm 2015 - 2020), nhìn chung đội ngũ giảng viên đại học tăng lên cả về số lượng và chất lượng.

Trung bình mỗi năm có thêm khoảng hơn 1.400 giảng viên đại học

Năm 2015, cả nước có khoảng 69.591 giảng viên, đến năm 2020, đội ngũ giảng viên đã tăng lên 76.576 giảng viên. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, cả nước được bổ sung thêm khoảng hơn 7.000 giảng viên - tính ra trung bình mỗi năm có thêm khoảng hơn 1.400 giảng viên giảng dạy. Tuy nhiên, số lượng giảng viên có sự biến động trong từng giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2015 - 2017, số lượng giảng viên tăng cơ học mạnh nhất (trong vòng 2 năm tăng khoảng 5.400 giảng viên).

Giai đoạn từ năm 2017-2019 số lượng giảng viên lại có xu hướng giảm, cụ thể trong vòng 3 năm, giảm tới 1859 giảng viên.

Giai đoạn từ năm 2019-2020 bắt đầu có sự tăng mạnh trở lại về số lượng đội ngũ giảng dạy so với 3 năm liền kề trước đó: trong vòng 2 năm 2019 - 2020, số giảng viên tăng cơ học là 3.444 giảng viên.

Về trình độ chuyên môn, nhìn vào bảng biểu đồ dễ dàng nhận thấy trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên đại học có sự thay đổi theo từng nhóm trình độ, tỷ lệ đạt chuẩn trình độ ngày càng được nâng cao.

Cụ thể, năm 2015, cả nước có khoảng 54.644 giảng viên trình độ trên đại học (chiếm 78,52%), đội ngũ giảng viên có trình độ đại học, cao đẳng là 14.897 giảng viên (chiếm 21,41%). Đến năm 2020, số giảng viên có trình độ trên đại học là 70.018 giảng viên (chiếm 91,44%), đội ngũ giảng viên có trình độ đại học, cao đẳng còn 5.980 giảng viên (chiếm 7,81%).

Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sỹ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.”

Ngày 18/1/2019, Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030.

Đề án nêu rõ việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học vì đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục đại học.

Như vậy tính đến năm 2020, số giảng viên cần đào tạo để nâng trình độ đạt trình độ chuẩn là thạc sĩ khoảng gần 6.000 người. Tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ đại học, cao đẳng giảm đáng kể (từ 21,41% trong cơ cấu chất lượng trình độ đội ngũ giảng viên đại học năm 2015, đến năm 2020 tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 7,81%) cho thấy các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã ý thức việc nâng cao chất lượng giảng viên và thực hiện chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây các trường cũng có nhiều chính sách để cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn, có trình độ cao (có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, ưu tiên tốt nghiệp ở trường đại học uy tín ở nước ngoài) và khả năng nghiên cứu khoa học.

Tỷ lệ giảng viên khối trường ngoài công lập tăng khá mạnh

Thống kê chi tiết ở các cơ sở giáo dục đại học công lập, nhìn chung đội ngũ giáo viên cũng tăng lên cả về số lượng và chất lượng.

Về quy mô giảng viên, năm 2015 có khoảng 55.401 người, đến năm 2020, đội ngũ giảng viên tăng lên 58.338 giảng viên (tăng 5,03%). Như vậy bình quân mỗi năm, tại các cơ sở giáo dục đại học công lập, mỗi năm số giảng viên tăng cơ học khoảng gần 600 giảng viên.

Về chất lượng đội ngũ giảng viên tại các trường đại học công lập, năm 2015, có khoảng 44.995 giảng viên có trình độ trên đại học (chiếm 81,22%), đội ngũ giảng viên trình độ đại học cao đẳng chiếm số lượng vẫn khá lớn 10.389 giảng viên (chiếm 18,75%).

Đến năm 2020, bức tranh về chất lượng đội ngũ giảng viên đại học được nâng lên rõ rệt. Theo đó, tại các cơ sở giáo dục đại học công lập có khoảng 52.371 giảng viên có trình độ trên đại học (chiếm 92,73%), đội ngũ giảng viên chưa đạt chuẩn trình độ tối thiểu là thạc sĩ giảm xuống còn 6,47% - tương ứng với 3.774 giảng viên.

Thống kê chi tiết ở các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, nhìn chung đội ngũ giảng viên cũng tăng lên cả về số lượng và chất lượng.

Cụ thể, năm 2015, tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có khoảng 14.190 giảng viên, đến năm 2020, tăng lên 18.238 giảng viên (tăng 28,53%).

Về chất lượng giảng viên, năm 2015, số giảng viên có trình độ trên đại học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập là 15.890 giảng viên (chiếm 87,13%), giảng viên có trình độ đại học, cao đẳng là 2.116 giảng viên (chiếm 11,6%). So với năm 2015, số giảng viên chưa đạt chuẩn trình độ đã giảm đi rất nhiều (từ 31,77% xuống còn 11,6%).

Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn 2019 - 2030.

Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu.

Doãn Nhàn