Trong các báo cáo tổng kết sau mỗi năm học ở nhiều địa phương, chúng tôi thường nghe được kết luận trường học (giáo viên) đã thực hiện tốt việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng dạy thêm trái phép.
Buổi 2 mà giữ nguyên sĩ số và giáo viên dạy như buổi 1 thì chất lượng giảng dạy sẽ không hiệu quả (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường) |
Tuy nhiên trong thực tế lại hoàn toàn khác, học sinh vẫn chịu nhiều áp lực vì phải đi học thêm, phụ huynh vẫn bức xúc nhiều vì con phải học thêm tối ngày không còn thời gian nghỉ ngơi.
Cũng đã có những đơn thư cả nặc danh và có hẳn người đứng tên tố cáo. Tuy nhiên cuối cùng mọi kết luận vẫn là giáo viên (nhà trường) dạy học đúng quy định và không có chuyện dạy thêm trái phép.
Kết luận đó không sai, bởi nhà trường tổ chức dạy thêm kiến thức cho học sinh dưới hình thức dạy tăng cường, dạy học buổi 2 theo thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và cũng được sự đồng thuận của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường.
Vì những lý do này, dù có đơn thư kiến nghị, dù có những thắc mắc, những bức xúc từ học sinh và phụ huynh nhưng cuối cùng chuyện học thêm của học sinh vẫn không thể chấm dứt.
Khó dẹp được dạy thêm vì đã được hợp thức hóa bằng dạy học buổi 2 có thu tiền
Nếu như nhiều phụ huynh có con học tiểu học rất vui mừng khi con được học buổi 2 ở trường (cha mẹ sẽ rất yên tâm công tác vì con được thầy cô chăm lo việc ăn, học ở trường) thì học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông phải học thêm buổi 2 là một cực hình.
Lớp học buổi sáng thế nào thì buổi chiều để y chang như thế. Học sinh cũng không được quyền chọn giáo viên nên có khi không được học với thầy cô giỏi mà mình thích.
Tuy nhiên, nhà trường cho biết tổ chức dạy buổi 2 theo quy định và chính Ban đại diện phụ huynh trường, lớp đã đồng ý cho nhà trường tổ chức dạy học buổi 2 (có biên bản đi kèm).
Thế là, học sinh dù phản ứng, nhiều phụ huynh bất bình, báo chí đã lên tiếng nhưng nhà trường vẫn cứ dạy mà không hề vi phạm gì.
Khó tìm giáo viên vi phạm khi có trung tâm dạy thêm che chắn
Nơi tôi sinh sống là một thị xã nhỏ nhưng các trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm. Hầu như giáo viên Anh văn, giáo viên dạy Toán nào cũng có một trung tâm dạy thêm (hoặc vài ba người có chung một trung tâm). Để xảy ra tình trạng loạn trung tâm dạy thêm, một phần do quy định cho phép mở trung tâm dạy thêm của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT trước đây khá thoáng.
a) Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã về thực hiện các quy định tại khoản 1, điều 6 quy định này;
b) Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
c) Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận theo quy định tại khoản 5, điều 8 quy định này;
d) Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
đ) Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
e) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm).
Giáo viên chỉ cần gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Hầu như thầy cô giáo nào hoàn thành xong hồ sơ đều được cấp phép (hiện Điều 12 Hồ sơ cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm của Thông tư 17 đã hết hiệu lực nhưng trước đó giáo viên đã mở trung tâm khá nhiều).
Về phía học sinh, em nào cũng có một tờ đơn xin đi học thêm do giáo viên soạn sẵn cho gia đình ký (sau này thầy cô soạn và đọc cho học sinh tự viết). Thế là, có giấy phép trong tay, có đơn xin học thêm, giáo viên cứ tha hồ chiêu sinh và dạy, học sinh chủ yếu là những em đang học chính khóa trên lớp.
Dạy thêm chính khóa ở trường, dạy thêm ở trung tâm được cấp phép, những tấm bình phong hợp pháp chắc như thế bảo sao dạy thêm, học thêm mãi vẫn không thể chấm dứt.
Khi còn nhu cầu học thêm sẽ không thể cấm được dạy thêm
Học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh. Có rất nhiều lý do cần học thêm như chương trình và sách giáo khoa quá nặng, học sinh có lực học yếu, kém, học sinh muốn nâng cao kiến thức chuyên sâu, gia đình quá bận không có thời gian chăm lo việc học cho con.
Khi có yêu cầu được học thêm, giáo viên nhận dạy thêm cũng là hợp lý. Nói thẳng ra thì đó cũng là chuyện thuận mua vừa bán (kiến thức). Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy lại không có điều gì đáng nói, điều đáng lên án ở đây chính là một số người lớn lại dùng quyền để ép học sinh nào cũng phải đi học thêm trên danh nghĩa tự nguyện.
Người lớn đã nghĩ ra nhiều cách, nào là học tăng cường, học thêm buổi 2, học phụ đạo tập trung, rồi ôn thi các kiểu để những học sinh không muốn cũng phải đi học thêm mà không cần quan tâm đến việc các em có thật sự mong muốn được đi học thêm hay không?
Thế nên, chấm dứt dạy thêm không dễ dàng gì ngoài cách cấm hẳn các trường ở bậc trung học dạy buổi 2 có thu tiền, hoặc cho phép các trường công lập dạy thêm thoải mái nhưng không được thu tiền, cấm giáo viên mở trung tâm dạy thêm tràn lan, cấm giáo viên dạy học sinh chính khóa của mình.
Làm được điều ấy, học thêm tức khắc sẽ đi vào nền nếp chỉ những em cần học thêm mới đăng ký đi học, chỉ những giáo viên thật sự giỏi mới có học sinh tìm đến học.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.